Ông Jeon Mun Cheol, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) chia sẻ dự cảm về thị trường chứng khoán trong năm Giáp Thìn 2024.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi qua năm 2023 đầy thách thức, biến động, bản thân các công ty chứng khoán sẽ cảm nhận rõ nét nhất về chuyển động của thị trường. Ông dự cảm thế nào về thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung trong năm 2024?
Nền kinh tế Việt Nam trải qua năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5,05%, nếu không tính 2 năm Covid-19 (2020 – 2021) thì đây là mức thấp nhất trong hơn 20 năm trở lại. Những khó khăn này đã phản ánh vào diễn biến thị trường chứng khoán. Dù hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp kỷ lục nhưng chỉ số VN-Index chỉ tăng 12,2% trong năm qua, thấp hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức đưa ra thời điểm đầu năm, sau năm 2022 lao dốc.
Ông Jeon Mun Cheol, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) |
Bước sang năm 2024, chúng ta có cơ sở để lạc quan hơn với diễn biến nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Tăng trưởng GDP có thể quay trở lại quanh mốc 6% với các động lực chính đến từ chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng, sự ấm lên của thị trường bất động sản, kim ngạch xuất khẩu phục hồi, cùng các động lực truyền thống khác đến từ thu hút vốn FDI hay tiêu dùng nội địa. Môi trường kinh tế hồi phục sẽ giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng trở lại, kết hợp với mặt bằng lãi suất thấp sẽ là tiền đề để thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực trong năm 2024.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng quát là phát triển thị trường chứng khoán ổn định, bền vững, hội nhập. Ông kỳ vọng gì từ mục tiêu của chiến lược này?
2024 có thể là năm bắt đầu của giai đoạn hồi phục của thị trường chứng khoán, tạo tiền đề cho sự bứt phá mạnh mẽ sẽ xuất hiện ở các năm sau.
Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Về quy mô, tỷ lệ vốn hoá của thị trường chứng khoán trên GDP sẽ tăng từ mức 56% hiện tại lên mức 100% vào năm 2025 và 120% vào năm 2030. Cá nhân tôi cho rằng, mục tiêu năm 2025 khá tham vọng, với mức tăng gần gấp đôi của vốn hoá thị trường. Muốn đạt được, bên cạnh sự tăng trưởng về vốn hoá của các doanh nghiệp hiện hữu, còn cần thêm các giải pháp để thúc đẩy quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn. Mục tiêu tỷ lệ vốn hoá trên GDP 120% của năm 2030 sẽ không quá khó khăn trong bối cảnh các doanh nghiệp niêm yết đang trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh về quy mô.
Các mục tiêu khác cũng được đề cập như quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 47% GDP vào năm 2025 (hiện tại là 36%, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội), thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng 20 – 30% trong giai đoạn 2021 – 2030, nhìn chung được đánh giá không quá khó khăn trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu tích cực và đã đạt được một số kết quả khả quan trong năm qua về giá trị phát hành mới, hay thị trường phái sinh quy mô còn khá nhỏ và dư địa để tăng trưởng mạnh mẽ còn ở phía trước.
Chiến lược cũng đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới sự ổn định và hội nhập. Đây là cơ sở để kỳ vọng hoạt động của thị trường chứng khoán ngày càng được cải thiện theo hướng minh bạch và hiện đại. Xây dựng thị trường phát triển bền vững giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và là tiền đề quan trọng để thu hút thêm nguồn vốn cả trong nước và nước ngoài tham gia vào thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư đến từ châu Á |
Năm Giáp Thìn, ông nghĩ sao về ví von nền kinh tế và thị trường chứng khoán có thể “vượt vũ môn” để “cá chép hóa rồng”?
Cụm từ “cá chép hóa rồng” nếu dùng cho năm 2024 đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ còn hơi sớm. Đâu đó vẫn tồn tại những rủi ro bên trong (liên quan đến nợ xấu ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản trầm lắng), hay bên ngoài (rủi ro địa chính trị, suy thoái tại Mỹ và EU, thị trường bất động sản Trung Quốc chưa thoát khủng hoảng), khiến nền kinh tế hay thị trường chứng khoán Việt Nam khó có thể cất cánh một cách mạnh mẽ. Dù vậy, đây có thể là năm bắt đầu của giai đoạn hồi phục, tạo tiền đề để sự bứt phá mạnh mẽ sẽ xuất hiện ở các năm sau, khi các điểm yếu của nền kinh tế dần được khắc phục, trong khi các rủi ro bên ngoài lắng dịu.
Là công ty chứng khoán ngoại có ưu thế nhất định trong việc tiếp cận các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc, ông đánh giá thế nào về khả năng khai thác mảng khách hàng tiềm năng này?
Việt Nam có nền chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn. Những chính sách cải thiện môi trường đầu tư giúp thị trường chứng khoán Việt Nam dần hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại. Cùng với khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, nhu cầu đầu tư từ các tổ chức nước ngoài tăng lên là xu hướng tất yếu trong tương lai.
Thực tế, những năm gần đây, các quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và châu Âu đã tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam. Dù vậy, xét về tỷ trọng giao dịch, khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chiếm tỷ trọng thấp so với tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Kết hợp với sự quan tâm của các quỹ đầu tư lớn của Hàn Quốc đối với thị trường Việt Nam được thể hiện tại các buổi roadshow do KBSV tổ chức thời gian qua, cá nhân tôi đánh giá, dư địa khai thác mảng khách hàng tổ chức nước ngoài tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn