Chứng khoán ABS kỳ vọng các biện pháp của chính phủ giúp cải thiện tổng cầu trong nước sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng GDP quý 2/2023.
Thị trường chứng khoán tháng 4 đón nhận một lượng lớn các thông tin về chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng như từ phía doanh nghiệp do đang trong mùa ĐHCĐ và công bố BCTC quý 1/2023. Tuy nhiên, trước thông tin KQKD quý 1/2023 sụt giảm, cũng như nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh 2023 đi lùi so với cùng kỳ, VN-Index ghi nhận mức giảm 1,46% so với đầu tháng.
Báo cáo chiến lược tháng 5 của Chứng khoán An Bình (ABS) cho biết, VN-Index đi ngược lại xu hướng chung trở thành một trong những thị trường giảm điểm trên thế giới trong tháng 4 bất chấp hàng loạt chính sách hỗ trợ được ban hành, song thị trường phản ứng không mấy quan tâm. Điểm tích cực duy nhất được ABS chỉ ra là việc thanh khoản đã có sự hồi phục gần 21% so với các tháng đầu năm.
Xu hướng lãi suất giảm tại Việt Nam có thể khiến khối ngoại rút vốn khỏi thị trường
Trên thế giới, về chính sách điều hành, Mỹ vẫn nhấn mạnh vào mục tiêu lạm phát và triển vọng lãi suất và chính sách tiền tệ phụ thuộc số liệu lạm phát trong thời gian tới. Châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ trong bối cảnh lạm phát vẫn đang ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, giá dầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp, đồng USD suy yếu. Dòng vốn quốc tế có xu hướng rời khỏi Mỹ tìm kiếm các cơ hội ở các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Nhóm phân tích ABS đánh giá điều này hỗ trợ Việt Nam ổn định tỷ giá và vẫn còn dư địa tiếp tục hạ các mức lãi suất điều hành trong thời gian tới. Tuy vậy, xu hướng giảm lãi suất tại Việt Nam, trái lại có thể khiến các NĐT ngắn hạn nước ngoài lo ngại về diễn biến tỷ giá bất lợi cho họ và rút vốn khỏi thị trường Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, nhìn lại cơ cấu GDP quý 1/2023, công nghiệp và xây dựng có phần tăng trưởng yếu do ảnh hưởng từ nhu cầu suy giảm và sự chững lại của thị trường bất động sản. Xu hướng trên được dự báo còn lan sang quý tiếp theo do môi trường vĩ mô chậm cải thiện.
ABS kỳ vọng các biện pháp của chính phủ giúp cải thiện tổng cầu trong nước như thúc đẩy đầu tư công, các gói hỗ trợ lãi suất, hoãn thanh toán thuế thu nhập và tiền thuê đất, giảm thuế VAT,… sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng GDP quý 2/2023.
EPS quý 2/2023 sẽ tiếp tục giảm so với quý 1, kịch bản nào cho VN-Index?
Xét về định giá, với kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết (đến ngày 8/5) giảm gần 20% so với cùng kỳ, điều này khiến P/E toàn thị trường tăng từ 11,9x cuối tháng 3 lên 12,09x cuối tháng 4, song vẫn ở mức trung bình trong 1 năm qua. Với triển vọng KQKD quý 2/2023 của đa phần doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục giảm thấp hơn mức nền cao của cùng kỳ 2022, nhóm phân tích dự kiến EPS cuối quý 2/2023 sẽ tiếp tục giảm so với quý 1/2023.
Tuy nhiên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong nước đã và đang giảm nhiệt, giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Lạm phát đã giảm trong 2 tháng gần đây, dòng tiền từ nhà đầu tư nội sẽ tiếp tục cải thiện trong các tháng tới.
Theo đó, Chứng khoán An Bình đưa ra 2 kịch bản cho diễn biến của VN-Index trong tháng 5.
Kịch bản 1 (xác suất cao), VN-Index đã tạo đáy thành công và tiếp tục quá trình hồi phục trong biên độ hẹp về phía cuối mô hình tam giác, tới vùng giá 1.070 – 1.083 điểm. Trong kịch bản này, nhà đầu tư ưu tiên giao dịch cổ phiếu vốn hóa nhỏ và có câu chuyện riêng.
Kịch bản 2 (xác suất thấp), VN-Index vẫn đang trong quá trình điều chỉnh tiếp diễn, xác nhận tiếp theo khi phá vỡ trendline đỏ. Chỉ số sẽ có xu hướng điều chỉnh giảm về vùng giá 970-980. Nhà đầu tư lưu ý thoát vị thế, giảm tỷ trọng dứt khoát.
Thị giá HPG lên cao nhất 8 tháng, anh rể Phó Chủ tịch Hòa Phát muốn bán sạch cổ phần nắm giữ
Theo Cafef