Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục được hỗ trợ bởi tiền rẻ và kỳ vọng các chính sách kích thích kinh tế được duy trì. Tuy nhiên, sau giai đoạn hồi phục mạnh vừa qua, việc chọn cổ phiếu cần xem xét kỹ.
Vĩ mô tích cực hơn
Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 của nước này tăng 0,3% so với tháng 12/2023 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo; CPI cơ bản tăng 0,4% so với tháng trước và 3,9% so với một năm trước, cao hơn dự báo trước đó lần lượt là 0,3% và 3,7%. Tại kỳ họp tháng 1 (tổ chức cuối tuần qua), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn “chú ý cao độ” đến rủi ro lạm phát.
Biên bản được Fed công bố hôm 21/2 nhấn mạnh, các quan chức Fed vẫn lo ngại lạm phát còn đang ở mức cao hơn mục tiêu 2%, dù lãi suất đã tăng gần 2 năm nhằm hạ nhiệt giá cả và vẫn còn quá sớm để cắt giảm lãi suất điều hành – hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 23 năm là từ 5,25 – 5,5%/năm.
Trước đó, tại kỳ họp FOMC tháng 12/2023, Fed lần đầu tiên phát tín hiệu có 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024. Như vậy, việc lạm phát đi xuống không nhanh như mong đợi đã đẩy lùi kế hoạch hạ lãi suất của Fed.
Bối cảnh bên ngoài chưa thuận lợi, song nền kinh tế Việt Nam có thêm các tín hiệu tích cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 tăng 18,3%, hồi phục tốt so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do so sánh trên mức nền thấp (kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái rơi vào tháng 1). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (RSI) tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm, duy trì mức thấp hơn so với trung bình khi kinh tế tăng trưởng bình thường (12 – 13%).
Xuất siêu duy trì trong tháng 1, với 380 triệu USD. Đáng chú ý, giá trị nhập khẩu tăng nhanh hơn so với xuất khẩu (lần lượt đạt 6,8% và 4,1% so với cùng kỳ) cho tín hiệu lạc quan hơn về đơn hàng trong giai đoạn sắp tới. Chỉ số RSI cho thấy kinh tế vẫn yếu, nhưng chỉ số IIP và số liệu nhập khẩu lại cho thấy tín hiệu sản xuất phục hồi.
Chính sách tiền tệ thế giới đang đi đến giai đoạn cuối của thắt chặt sẽ là tiền đề hỗ trợ cho sự trở lại của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Với đặc thù nền kinh tế có độ mở lớn, đây sẽ là động lực cho kinh tế Việt Nam tạo điểm uốn đi lên. Dù vậy, do tháng 1 rơi vào mùa vụ Tết, nên cần đánh giá số liệu trong 3 tháng đầu năm sẽ khách quan hơn.
Trong bối cảnh sức cầu trong nước vẫn yếu, lạm phát không phải vấn đề đáng lo ngại trong năm nay, đây là nền tảng để Chính phủ tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế.
Luận điểm chọn cổ phiếu 2024
Mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục và kỳ vọng các chính sách kích thích kinh tế tiếp tục được duy trì, thúc đẩy trong năm nay giúp thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn. Dòng tiền giao dịch sôi động trong hai tháng đầu năm 2024, với nhiều phiên thanh khoản trên sàn HOSE đạt giá trị hơn 1 tỷ USD. Tuy vậy, nếu muốn cổ phiếu tăng giá một cách bền vững, tăng trưởng lợi nhuận thật cần được ưu tiên. Chắc chắn, dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ khắt khe hơn trong việc chọn lọc cổ phiếu cơ bản.
Câu chuyện về “đội lái’’ mạnh hay yếu có thể không còn là điểm nhấn trong năm nay do yếu tố “cho vay margin với bên thứ ba” có thể bị thắt chặt sau quy định công ty chứng khoán không được phép triển khai hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi hay các sản phẩm tài chính mới (thực chất là huy động vốn từ nhà đầu tư, nguồn tiền này sẽ được chuyển qua cho vay margin với tỷ lệ cao hơn). Bên cạnh đó, hiện chưa xuất hiện dòng tiền nước ngoài mới chảy vào nên việc trading T+ có thể khó khăn hơn, do vòng quay giá trị giao dịch của dòng tiền bị chậm lại.
Cá nhân người viết đánh giá cao triển vọng đầu tư ở nhóm bất động sản khu công nghiệp và ngân hàng – hiện hữu rõ ràng trong quý IV/2023 và tiềm năng 2 quý đầu năm 2024 khi tín hiệu vĩ mô bắt đầu đi lên. Khởi điểm đầu tiên là dòng vốn đầu tư phục hồi khi lãi suất đang ở mức thấp và bắt đầu có sự gia tăng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tập trung ở nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp.
Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp niêm yết đã có sự cải thiện đáng kể trong năm nhờ xu hướng phục hồi tích cực của ngành công nghiệp khi nhìn vào dòng vốn đầu tư mở rộng và đầu tư vào công ty con tăng trở lại trong quý IV/2023. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng có sự cải thiện hỗ trợ NIM cho ngành ngân hàng trong 2 quý đầu năm 2024.
Số liệu IIP, nhập khẩu trong tháng 1 cũng cho thấy kỳ vọng về đầu tư, sản xuất trở lại. Dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản cũng tăng mạnh, thể hiện xu hướng tái cấu trúc trong lĩnh vực bất động sản. Nguồn vốn tín dụng cũng chảy mạnh vào khu vực kinh doanh bất động sản, giúp các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư lớn trong năm.
Lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý I/2024 dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt so với quý trước và so với cùng kỳ. Trong quý IV/2023, khu vực này đạt 53.700 tỷ đồng lợi nhuận, kéo theo tổng lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng mạnh 31,2% so với cùng kỳ và 3,3% so với quý trước đó.
Sự phục hồi lợi nhuận của nhóm ngân hàng đến từ các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối (CTG, BID, VCB) và các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao (MBB, TCB). Đây là hai nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt trong năm qua. Trong khi các nhóm ngân hàng thương mại khác tập trung vào bán lẻ (ACB, VIB, TPB, VPB ..) đang trong xu hướng suy giảm nhẹ về lợi nhuận, do sức cầu tín dụng thấp trong khu vực hộ gia đình. Tuy nhiên, khi cho vay khối doanh nghiệp lớn ổn thỏa, khối tư nhân cũng sẽ có tín hiệu phục hồi theo.
Một điểm đáng tích cực trong cơ cấu lợi nhuận quý IV/2023 của nhóm ngân hàng là sự tăng trưởng mạnh của hoạt động dịch vụ, với mức tăng 24,75% so với quý trước đó.
Nhóm ngân hàng quốc doanh và nhóm ngân hàng thiên về bán lẻ có mức định giá tốt hơn hẳn so với nhóm ngân hàng chuyên cho vay các doanh nghiệp lớn, đặc biệt có rủi ro nếu thị trường bất động sản không phục hồi trong năm 2024.
Nhóm bất động sản nhà ở cũng trong tầm ngắm, nhưng cần có sự chọn lọc kỹ càng ở các cổ phiếu bất động sản riêng biệt như thanh toán hết nợ trái phiếu hay có cấu trúc tài chính lành mạnh; tăng tồn kho, khoản người mua trả tiền trước tăng trở lại trong quý IV/2023.
Nhóm sản xuất – thương mại và bán lẻ cần có tín hiệu phục hồi kỳ vọng rõ nét hơn từ giá hàng hóa và biểu hiện qua các số liệu thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong 2 quý cuối năm 2024 và đầu năm 2025, sau khi các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu hạ lãi suất.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn