Trong bối cảnh thị trường cơ sở có những diễn biến không thuận lợi, phái sinh chính là một hệ sản phẩm để cho phép nhà đầu tư có chiến lược đầu tư đảm bảo cân bằng rủi ro danh mục đầu tư, bảo vệ tỷ suất lợi nhuận.
Chia sẻ tại buổi talkshow “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 15/6, ông Trần Huy Doãn, Giám đốc thị trường Phái sinh, CTCK ACB (ACBS) cho rằng, thị trường tài chính phái sinh là mảnh ghép cần thiết, giúp cho thị trường trở nên lành mạnh và đa dạng theo hướng vốn có của nó.
Đây là thị trường cung cấp các sản phẩm mới, đa dạng và phục vụ đa mục tiêu cho các lớp nhà đầu tư khác nhau trên thị trường. Nhìn lại giai đoạn vừa qua, khi nhà đầu tư chịu ảnh hưởng bởi “dư chấn” từ dịch bệnh, xung đột… tạo nên một bức tranh xám với nền kinh tế, thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh thị trường cơ sở có những diễn biến không thuận lợi, phái sinh chính là một hệ sản phẩm để cho phép nhà đầu tư có chiến lược đầu tư đảm bảo cân bằng rủi ro danh mục đầu tư, bảo vệ tỷ suất lợi nhuận. Thống kê từ ACBS đầu năm đến nay cho thấy, giá trị giao dịch hợp đồng phái sinh cũng như sản phẩm chứng quyền có tài sản đảm bảo (CW) ghi nhận tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Đây là cơ sở tốt cho thấy nhà đầu tư cá nhân trên thị trường đã bắt đầu biết sử dụng thêm công cụ thể phòng ngừa rủi ro trước những rủi ro trên thị trường.
Ông Trần Huy Doãn, Giám đốc thị trường Phái sinh, CTCK ACB (ACBS) chia sẻ tại Talkshow qua zoom. |
Cũng theo ông Doãn, khó có thể so sánh tính hiệu quả và rủi ro giữa đầu tư cổ phiếu cơ sở hay các sản phẩm phái sinh hay CW vì đây đều là công cụ cho nhà đầu tư đạt được giấc mơ tài chính tài chính. Đặc tính của thị trường phái sinh là nhà đầu tư khi tham gia có thể phân tán rủi ro cơ bản thành nhiều lớp, phù hợp cho nhiều tệp khách hàng khác nhau. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên đa dạng hóa các công cụ đầu tư để đạt được hiệu quả đầu tư tối ưu nhất.
Nhìn một cách tổng quan, thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều biến động, một phần do những biến động nhanh và không thể dự đoán từ chính trị và kinh tế thế giới, một phần do những sự kiện không thuận lợi từ nội tại trong nước, song những diễn biến trên TTCK trong một vài tháng trở lại đây cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại, đây là một điều rất đáng mừng. Bởi về dài hạn, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế.
Chuyên gia ACBS cũng nhìn nhận, trong 6 tháng cuối năm 2023, việc tiếp tục đẩy mạnh chính sách giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp cải thiện dòng vốn kích cầu cho nền kinh tế, nhưng vẫn cần thêm thời gian để nền kinh tế thực sự khởi sắc, bởi nguy và cơ trong giai đoạn hiện tại đang có những điểm tương đồng với nhau.
Ông Doãn cho biết thêm, hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam vẫn chú trọng đến chính sách thương mại để phát triển quốc gia. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, nhiều quốc gia đã thành công trong phát triển các chính sách công nghiệp. Do đó, Việt Nam cũng tính đến việc xây dựng, triển khai chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, thay vì chú trọng vào chính sách thương mại.
Nói về triển vọng đầu tư trong giai đoạn nửa cuối năm, ACBS đánh giá triển vọng trong ngắn hạn sẽ tích cực với nhóm chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, việc hạ lãi suất điều hành cũng như lãi suất huy động của NHNN sẽ tác động tích cực đến nhóm chứng khoán. Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ xu hướng mở rộng, di dời hoặc đa dạng hoá cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Dự kiến nguồn cung đất công nghiệp ở phía Bắc nhiều hơn phía Nam nhờ cơ sở hạ tầng phát triển và giá thuê đất có thể tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Xét trong dài hạn, ACBS kỳ vọng vào nhóm ngân hàng; bất động sản khu công nghiệp; hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng (FMCG, dệt may, bán lẻ) và năng lượng điện sẽ được hưởng lợi.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn