Bidiphar kỳ vọng tổng doanh thu năm 2026 có thể cán mốc 3.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2022, trong đó ngành hàng tự sản xuất chiếm trên 90%. Tốc độ tăng trưởng 2 kênh bệnh viện và nhà thuốc đạt 18-20%.
DBD:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Thành lập năm 1976, Bidiphar (Mã CK: DBD) là một trong những doanh nghiệp dược lớn tại Việt Nam với doanh thu trên nghìn tỷ mỗi năm. Cơ cấu sản phẩm Bidiphar khá đa dạng, được chia ra làm những nhóm chính như (1) thuốc kháng sinh, (2) thuốc điều trị ung thư, (3) dung dịch lọc máu, (4) thuốc tiêu hóa + thần kinh + nội tiết tố, (5) vitamin + thuốc hạ sốt, (5) thực phẩm chức năng + đông dược và (6) các loại thuốc khác.
Tuy nhiên, tên tuổi Bidiphar gắn liền với 3 nhóm sản phẩm chủ lực gồm thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh và dung dịch thẩm phân – với nhiều thành tựu nổi bật như trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh dạng tiêm (1992), phương pháp đông khô thuốc (2003), thuốc điều trị ung thư dạng tiêm (2008) hay là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sản xuất thuốc đặc trị ung thư (2010).
Ở nhóm thuốc điều trị ung thư, công ty cũng có số lượng hoạt chất điều trị ung thư trúng thầu nhiều nhất trong bệnh viện, với tổng số 14 hoạt chất liên quan, so với mức trung bình chỉ từ 3 – 4 hoạt chất ung thư/doanh nghiệp sản xuất. Doanh thu thuốc điều trị ung thư chiếm 20,26% doanh thu hàng sản xuất của DBD.
Nhóm thuốc kháng sinh, chiếm tỷ trọng 28.,27% doanh thu hàng sản xuất, cung cấp cho hơn 100 cơ sở y tế tuyến trung ương.
Bên cạnh đó, Bidiphar còn nắm lợi thế nhờ khả năng sản xuất dung dịch thẩm phân, gồm thẩm phân phúc mạc và thẩm phân máu (có thị phần 28% ở kênh bệnh viện), cung cấp cho nhiều cơ sở y thế.
Thành quả lớn từ công cuộc tái cấu trúc
Nhằm đảm bảo hiệu quả, tạo nền tảng cho tăng trưởng giai đoạn tiếp theo, năm 2020, HĐQT Bidiphar quyết định thực hiện tái cấu trúc.
Hệ thống phân phối được phát triển theo ngành dọc, chuyển đổi phụ trách chuyên môn khách hàng kênh nhà thuốc, kênh bệnh viện và hệ thống cung ứng (logistics) từ Công ty. Đồng thời, Công ty thay đổi điều chỉnh cách quản lý, hệ thống phụ trợ, đặc biệt quản lý thông tin. Công ty đã áp dụng hệ thống quản lý kênh phân phối DMS vào công tác bán hàng, kiểm soát hành tồn kho, logictics,…
Bên cạnh đó là đẩy mạnh tái cấu trúc nhân sự, thay đổi mô hình tổ chức, đào tạo nhân lực, cải thiện môi trường làm việc,…giúp nâng cao năng suất lao động. Thực hiện số hóa, định vị khách hàng trong bộ dự liệu khách hàng, phân công cho từng quản lý cho đến nhân viên bán hàng.
Kết quả, kênh OTC tăng mạnh so với trước tái cấu trúc khi cung ứng sản phẩm cho hơn 20.000 nhà thuốc, quầy thuốc trên toàn quốc (từ 7.000 nhà thuốc năm 2019); độ phủ kênh ETC chiếm 95%, lượng khách hàng tăng 11% lên gần 2.000 cơ sở y tế, bệnh viện.
Hiệu quả của mỗi nhân viên tăng lên 8 tỷ đồng/năm 2022, riêng kênh nhà thuốc, mỗi nhân viên mang về 2,3 tỷ đồng/tháng, tăng 15% so với năm 2019 – thời điểm trước tái cấu trúc.
Kết quả kinh doanh cũng thể hiện rõ điều này, giai đoạn 2020-2022, doanh thu có phần trồi sụt , nhưng lợi nhuận ròng tăng trưởng đều mỗi năm chủ yếu đến từ biên lợi nhuận gộp được cải thiện rất tốt, từ mức 33% năm 2019, lên hơn 49% năm 2022.
Riêng năm 2022, Bidiphar đạt tổng doanh thu 1.617 tỷ đồng, trong đó dược phẩm sản xuất là 1.501 tỷ đồng, ghi nhận 244 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 29% so với năm trước và đây cũng là con số lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp.
Hoạt động kinh doanh tích cực của Bidiphar cũng được ghi nhận khi vốn hóa thị trường doanh nghiệp hiện đã lên xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, là 1 trong 5 doanh nghiệp dược uy tín hàng đầu Việt Nam với top 1 thị phần nhóm thuốc ung thư và top 2 thị phần dịch thận.
Mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng vào năm 2026
Theo lãnh đạo Bidiphar, động lực tăng trưởng trong những năm tiếp theo của doanh nghiệp sẽ tiếp tục đến từ nhóm dược phẩm tự sản xuất.
Đối với nhóm thuốc điều trị ung thư, ở dạng thuốc tiêm, Bidiphar đang thực hiện nâng cấp dây chuyền sản xuất từ tiêu chuẩn GMP-WHO lên tiêu chuẩn GMP – EU, dự kiến vào năm 2025. Việc hoàn tất chứng nhận GMP-EU sẽ giúp Bidiphar có thể tham gia vào thị trường lớn hơn nhiều so với doanh thu nhóm thuốc điều trị ung thư ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh nhà máy thuốc điều trị ung thư tiêu chuẩn GMP – EU, Bidiphar cũng có chiến lược đầu tư Nhà máy thuốc OSD Non-betalactam tiêu chuẩn GMP – EU, Nhà máy sản xuất các thuốc vô trùng tiêu chuẩn GMP – EU và Nhà máy sản xuất dược phẩm Dịch thận tiêu chuẩn GMP – WHO. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận giữ lại và nguồn vay khác (ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu).
Theo chiến lược, Bidiphar sẽ đạt doanh thu kênh OTC năm 2026 trên 1.000 tỷ đồng thông qua phát triển thêm các sản phẩm CHC, tăng số lượng khách hàng lên trên 25.000.
Đối vói kênh ETC, Công ty sẽ phát triển chuyên sâu các sản phẩm, chuyên nghiệp hóa hệ thống phân phối để đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng.
Với kế hoạch trên, Bidiphar kỳ vọng tổng doanh thu năm 2026 có thể cán mốc 3.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2022, trong đó ngành hàng tự sản xuất chiếm trên 90%. Tốc độ tăng trưởng 2 kênh bệnh viện và nhà thuốc đạt 18-20%.
Cùng với đó, Bidiphar đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành dược miền trung với hệ thống phân phối 25.000 nhà thuốc trên 63 tỉnh thành trên cả nước.
Theo Cafef