VNDirect dự phóng Digiworld có thể tăng trưởng 23,3%/năm trong giai đoạn 2024-2026.
DGW:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Thời gian gần đây, nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm rõ rệt trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhận thức được sự sụt giảm nhu cầu có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh ngắn hạn, nội bộ Digiworld (mã: DGW) đã họp nhiều lần và quyết định đặt kế hoạch kinh doanh 2023 thận trọng hơn vì các yếu tố khó đoán của nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu.
Con số cuối cùng được đem ra trình cổ đông vào cuối tháng 4 vừa qua là 20.000 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt sụt giảm 9% và 42% so với thực hiện năm trước. Bản kế hoạch này đã có sự “đi lùi” so với công bố hồi giữa tháng 2, doanh thu khi đó vẫn được kỳ vọng sẽ đạt trên 25.100 tỷ và lãi đạt 787 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15%. Theo ban lãnh đạo, công ty đang ở đỉnh cao về cả doanh thu và lợi nhuận nhờ nhu cầu tiêu dùng hàng công nghệ giai đoạn Covid-19 tăng đột biến, sự sụt giảm cầu ắt sẽ có tác động tới hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.
Hết quý 1, doanh thu thuần đạt 3.960 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, lần lượt giảm 44% và 63% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, công ty đã hoàn thành được khoảng 20% kế hoạch cả về doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Tăng trưởng nhanh trong 3 năm Covid để trở thành nhà phân phối ICT hàng đầu
Tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng trong thời gian tới nhờ vào dân số trên 100 triệu người và dân số trẻ với 70% dưới 35 tuổi. Trong đó phần lớn giới trẻ nắm bắt xu hướng công nghệ cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, đang kích thích nhu cầu của nhiều loại sản phẩm từ điện tử tiêu dùng đến thiết bị gia dụng (ICT).
Digiworld được đánh giá là một trong những công ty đang dẫn đầu thị trường phân phối sản phẩm ICT với hơn 6.000 điểm bán hàng (POS) tại Việt Nam. Công ty đã tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn Covid 2018 – 2022 với doanh thu đạt tăng trưởng kép 38,6%, thống trị thị phần sản phẩm Xiaomi (~80%) cũng như là một trong những nhà phân phối ủy quyền lớn của Apple tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Digiworld đã ký hợp đồng phân phối sản phẩm với nhiều thương hiệu tiềm năng như Whirlpool và Joyong trong ngành hàng gia dụng, hàng tiêu dùng với ABInBev và thiết bị công nghiệp thông qua sáp nhập Achison. Đây sẽ là chất xúc tác tăng trưởng cho công ty trong giai đoạn tiếp theo của tiêu dùng Việt Nam.
Năm 2023 đầy khó khăn khi tiêu dùng yếu ở các mảng sản phẩm
Trong một đánh giá gần đây, Chứng khoán VNDirect nhìn nhận 2023 là một năm khó khăn đối với Digiworld khi chi tiêu của người dân cho các sản phẩm không thiết yếu như ICT giảm trong bối cảnh thu nhập giảm sút. Không chỉ vậy, trong ít nhất 6 tháng tới, việc thắt chặt tài chính tiêu dùng sẽ làm giảm dòng tiền chảy vào và tác động tiêu cực đến tăng trưởng doanh thu của các nhà phân phối, bán lẻ như Digiworld.
Đặc biệt, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ ưu tiên giảm hàng tồn kho để bảo vệ dòng tiền thay vì tăng nhập hàng từ nhà phân phối. Do đó, Digiworld sẽ gặp khó khăn lớn trong năm 2023 để duy trì thị phần với sự đánh đổi là lợi nhuận giảm mạnh và biên lợi nhuận gộp thấp hơn nhằm hỗ trợ các kênh bán lẻ.
VNDirect ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 của Digiworld sẽ giảm 29% so với cùng kỳ, xuống khoảng 486 tỷ đồng – vẫn cao hơn đáng kể mức kế hoạch của công ty tự đặt ra. Doanh thu thuần được dự phóng đạt 21.440 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm trước.
Sẵn sàng hồi phục trong giai đoạn 3 năm sau
Dù vậy, VNDirect kỳ vọng công ty sẽ quay trở lại tăng trưởng từ năm 2024, sẵn sàng cho chu kỳ tiêu dùng mới. VNDirect dự phóng Digiworld có thể tăng trưởng trở lại 23,3%/năm trong giai đoạn 2024-2026.
Chủ tịch HĐQT Đoàn Hồng Việt trong đhcđ vừa qua đã chia sẻ Digiworld sẽ ghi nhận tăng trưởng trở lại từ năm 2024 ở những ngành hàng hiện hữu và sự đóng góp của những ngành hàng mới.
“Sức mua của người tiêu dùng có thể sẽ có phục hồi ở nửa sau 2023 nhưng không nhiều và sẽ trở lại bình thường vào nửa sau 2024, do áp lực lãi suất cao”, vị này dự báo.
Trong giai đoạn 2024 – 2026, nhu cầu ICT dự báo sẽ phục hồi, đặc biệt là các sản phẩm của Xiaomi và Apple. Kết hợp với việc Digiworld mở rộng sang các mảng kinh doanh khác như sản phẩm thiết bị gia dụng (Whirlpool, Xiaomi…), hàng tiêu dùng (nước giải khát) và thiết bị công nghiệp thông qua sáp nhập Achison, sẽ giúp tăng trưởng kết quả kinh doanh của công ty có thể đạt hai chữ số phần trăm mỗi năm.
Tại mảng di động, mặc dù có dấu hiệu bão hòa song VNDirect kỳ vọng mảng điện thoại thông minh – đóng góp gần 50% doanh thu của Digiworld – sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kể từ năm 2024 sau khi phục hồi. Một số điểm sáng cho tăng trưởng của Digiworld trong 5 năm tới đến từ lộ trình tắt 2G và tăng trưởng mạng 5G để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nhờ vào chuyển đổi từ phổ thông sang điện thoại thông minh. Hoạt động siết chặt hàng xách tay để khuyến khích các nhà phân phối chính hãng cộng thêm nhu cầu cao đối với điện thoại thông minh cao cấp tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm Apple. Sự bùng nổ của dịch vụ giải trí trực tuyến và tiêu thụ cũng hỗ trợ thương hiệu doanh thu chính của Digiworld là Xiaomi và Apple.
Trong khi đó, với phân khúc máy tính xách tay và máy tính bảng, VNDirect dự báo doanh thu của Digiworld sẽ quay trở lại đà tăng trưởng từ năm 2024, qua đó đạt mức tăng trưởng 2-7,5%/năm từ năm 2023-2026, đóng góp vào khoảng gần 23% doanh thu của DGW trong giai đoạn này. Nguyên nhân nhờ xu hướng làm việc tại nhà và thay đổi phong cách làm việc của nhân viên sau đại dịch vẫn được duy trì và nhu cầu giải trí, đặc biệt là chơi game đang tăng lên.
Ngoài ra, các mảng kinh doanh khác của Digiworld cũng không ngừng mở rộng tới các thương hiệu và sản phẩm mới. Hiện, Digiworld đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Whirlpool và trở thành đối tác độc quyền triển khai MES cho thiết bị gia dụng Whirlpool từ cuối năm 2021. Song song, công ty tiếp tục phát triển thị trường cho các sản phẩm gia dụng Xiaomi. VNDirect kỳ vọng doanh thu thiết bị gia dụng của công ty có thể tăng trưởng 34% trong giai đoạn 2022-2026 và đóng góp từ 4,3-5,8% vào tổng doanh thu.
Cuối năm 2022, công ty cũng hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu lên 60% tại Achison, công ty chuyên phân phối các sản phẩm bảo hộ lao động và thiết bị công nghiệp. Với tiềm năng phát triển công nghiệp của Việt Nam, cùng với nhu cầu về thiết bị công nghiệp ngày càng tăng, đây có thể là đòn bẩy tăng trưởng của DGW trong thời gian tới. VNDirect ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu của Achison có thể đạt 34,2%/năm trong giai đoạn 2023-2026 sau khi DGW tiếp quản.
Trong mảng sản phẩm tiêu dùng, DGW gia nhập ngành đồ uống từ năm 2023 với các sản phẩm bia nhập khẩu từ tập đoàn ABInBev như Budweiser, Corona, Beck,… VNDirect kỳ vọng mảng hàng tiêu dùng này sẽ giúp tăng trưởng doanh thu hàng tiêu dùng của DGW đạt 58% hàng năm để đóng góp từ 2,8% – 4,9% doanh thu của DGW trong giai đoạn 2023-2026.
Với việc liên tục mở rộng phân phối qua các nhóm hàng và phân khúc mới, DGW sẽ đa dạng hóa hơn để giảm rủi ro phụ thuộc vào phân phối ICT. VNDirect kỳ vọng doanh thu thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng và thiết bị công nghiệp sẽ tăng tỷ trọng trong doanh thu của DGW trong 2023-26, tăng từ 11,9% trong năm 2023 lên 17,6% trong năm 2026.
Dù vậy, rủi ro lớn nhất đối với hoạt động phân phối của Digiworld nằm ở các hợp đồng phân phối với các thương hiệu, chẳng hạn như việc mất vị thế độc quyền phân phối Xiaomi kể từ tháng 1/2022 đã khiến kỳ vọng tăng trưởng của Xiaomi chậm lại. Do đó, mọi trường hợp chấm dứt hợp đồng phân phối hoặc thay đổi điều khoản phân phối sẽ làm giảm lợi ích. Đồng thời, các yếu tố vĩ mô toàn cầu ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm sẽ tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh của DGW.
Theo Cafef