Giao dịch của các tổ chức lớn về cơ bản chỉ mang tính chất tham khảo. Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền thay vì “nhắm mắt” đu theo các cá mập.
Ở bất kỳ thị trường chứng khoán nào, động thái của các tổ chức lớn vẫn luôn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thị trường chứng khoán Việt Nam đương nhiên cũng không ngoại lệ, gần như nhất cử, nhất động của các cá mập, đặc biệt là các quỹ ngoại đều được theo dõi sát sao.
Không ít nhà đầu tư đặt niềm tin vào chuyên môn và kinh nghiệm của các “tay to” để mua/bán theo. Dù vậy, không phải lúc nào việc theo chân các cá mập cũng là lựa chọn sáng suốt bởi thực tế các tổ chức lớn nắm nhiều lợi thế mà các cá nhân nhỏ lẻ không thể có được.
Về cơ bản, một tổ chức khi đầu tư vào cổ phiếu thường có 2 dạng phổ biến là đầu tư tài chính đơn thuần hoặc đầu tư chiến lược dài hạn. Cả 2 hình thức này đều có những đặc thù khiến nhà đầu tư cá nhân đu theo khi “ra tin” khó có thể chiến thắng.
Bất đối xứng về thông tin
Trước đây, khi quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ, nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn. Các tổ chức lớn có xu hướng đầu tư nắm giữ lâu dài các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao, thậm chí đưa người vào HĐQT như trưởng hợp của Dragon Capital với VNM, ACB,…
Dù vậy, bên cạnh các cổ phiếu đầu tư chiến lược dài hạn, đa phần các quỹ đầu tư hiện nay đều dành một phần để lướt sóng, có thể kể đến như Dragon Capital, VinaCapital, Pyn Elite Fund…cũng thường xuyên mua/bán cổ phiếu.
Nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm bắt những thông tin về giao dịch mua bán của các tổ chức lớn qua hệ thống công bố thông tin, truyền thông. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, quy định cho phép các cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông lớn, không có người nội bộ liên quan sẽ không phải đăng ký và sẽ báo cáo kết quả trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi kết thúc giao dịch.
Rõ ràng, cá nhân nhỏ lẻ sẽ luôn hành động chậm hơn nếu cố gắng “đu” theo cá mập. Với T+1,5 như hiện tại, 5 ngày có thể thực hiện được 2 vòng quay giao dịch. Đây là lý do vì sao thời gian gần đây nhà đầu tư thường hay thấy cổ phiếu giảm sau khi một quỹ ngoại lớn thông báo trở thành cổ đông lớn hoặc ngược lại cổ phiếu tăng sau khi quỹ báo cáo đã bán ra.
Điều khoản ngầm đằng sau các “deal” tài chính
Ngoài lướt sóng ngắn hạn, một số tổ chức lớn vẫn có những khoản đầu tư dài hơi tuy nhiên đa phần là các “deal” với doanh nghiệp. Các quỹ đầu tư vào tiền từ sớm, có thể trước IPO và hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ về tài chính mà còn cả yếu tố quản trị. Doanh nghiệp sau đó liên tục triển khai các chiến dịch IR rầm rộ, nhằm quảng bá cho các hoạt động IPO, niêm yết hoặc lên sàn.
Các thương vụ điển hình của những năm gần đây có thể kể đến Yeah1 (YEG), Đất Xanh Services (DXS), Gỗ An Cường (ACG), Nova Consumer (NCG)… đều có bóng dáng của VinaCapital. Những deal này không phải lúc nào cũng thành công, đa phần các cổ phiếu trên đều chật vật sau khi IPO, thậm chí NCG còn chưa hẹn ngày lên sàn.
Nhà đầu tư đu theo các phiên IPO nhiều khả năng phải nếm trái đắng trong khi các cá mập có thể “exit” an toàn nhờ các điều khoản ngầm ít được công bố. Ví dụ như thương vụ NCG, BCTC kết thúc năm 2022 của VOF công bố đầu năm nay hé lộ điều khoản quyền chọn bán lại khoản đầu tư này cho NovaGroup với giá gốc kèm theo một khoản lãi sau khi NCG đã không thể niêm yết cổ phiếu trên HoSE theo cam kết với lý do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi.
Một số tổ chức lớn khác như Warburg Pincus, SK Group,… cũng có hình thức đầu tư khá tương đồng. Các cá mập này rót tiền khủng mua lượng lớn cổ phiếu trông giống như muốn đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, lượng lớn cổ phiếu trên thường sẽ được bán lại sau một khoảng thời gian nhất định và nhiều khả năng sẽ kèm theo một khoản chênh lệch. Nhà đầu tư sẽ rất khó để “timing” do không nắm được độ dài của các deal này.
Vấn đề thời gian và mục đích
Thời gian cũng chính là vấn đề mà các nhà đầu tư chiến lược có thừa còn cá nhân nhỏ lẻ lại thiếu. Khác với đầu tư tài chính đơn thuần, các thương vụ mang tính chiến lược thường nhắm đến lợi ích lâu dài, hướng tới chi phối. Vì thế, các nhà đầu tư chiến lược thường không tiếc tiền để sở hữu lượng lớn cổ phần, một số chấp nhận vào đúng đỉnh, thậm chí còn cao hơn nhiều giá trị thị trường.
Tác động từ quá trình mua gom cổ phần của các cá mập thường đẩy cổ phiếu tăng rất mạnh, nhiều trường hợp lên đỉnh lịch sử. Các thương vụ điển hình trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể kể đến như Thaibev thâu tóm Sabeco, SCG vào Nhựa Bình Minh, Taisho mua Dược Hậu Giang,…
Tuy nhiên, sau khi thông tin chính thức được công bố, các thương vụ hoàn tất, đa phần các cổ phiếu đều trượt dài và phải mất rất nhiều năm mới “về bờ”. Điều này về cơ bản không phải vấn đề lớn với các nhà đầu tư chiến lược nhưng sẽ rất khó để cá nhân nhỏ lẻ có thể gồng lỗ tính bằng năm, thậm chí có thể đến cả thập kỷ chỉ để ăn cổ tức.
Không phải cá mập nào cũng chiến thắng thị trường
Không thể phủ nhận giá trị về mặt chuyên môn và kinh nghiệm của các quỹ đầu tư lớn trong việc tìm kiếm cơ hội sinh lời và quản trị rủi ro. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mua/bán theo các cá mập chưa chắc đã hiệu quả bởi thực tế ngay cả các tổ chức hàng đầu không phải lúc nào cũng chiến thắng thị trường.
Trong những giai đoạn thị trường khó khăn như năm 2022 vừa qua, hầu hết các quỹ đầu tư lớn đều có hiệu suất âm, thậm chí một số còn lỗ đậm hơn cả mức giảm của VN-Index. Mặt khác, trong các giai đoạn thị trường bùng nổ, nhiều tổ chức lớn lại chưa chắc đã có hiệu suất tốt hơn thị trường chung.
Nhìn chung, giao dịch của các tổ chức lớn về cơ bản chỉ mang tính chất tham khảo. Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền thay vì “nhắm mắt” đu theo các cá mập. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng bỏ tiền vào các quỹ đầu tư lớn vẫn là một kênh tương đối an toàn bất chấp những biến động không thuận lợi trong ngắn hạn. Dù không quá vượt trội nhưng nhà đầu tư có thể lựa chọn việc mua vào đều đặn với kỳ vọng sẽ có lợi nhuận tốt hơn trong dài hạn.
Theo Cafef