Chênh lệch lãi suất giữa USD và VND kết hợp với áp lực tỷ giá tăng đã góp phần vào xu hướng bán ròng trong thời gian qua của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng xu hướng này có thể sớm hạ nhiệt.
DXY hạ nhiệt
Biến động tăng của chỉ số USD Index (DXY) kể từ đầu quý III/2023 được giới đầu tư toàn cầu theo dõi sát sao hơn, trong đó có cả thị trường Việt Nam, vì ảnh hưởng không nhỏ đến xu hướng của dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, những phiên giao dịch đầu tháng 11, DXY có dấu hiệu điều chỉnh giảm, xuất phát từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ hai trong năm nay không tăng lãi suất, giữ lãi suất ở vùng 5,25 – 5,5%/năm, trong bối cảnh thị trường việc làm của Mỹ yếu dần, tỷ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát giảm, đồng nghĩa với các đợt tăng lãi suất trước đó đang phát huy tác dụng và có thể khiến Fed bớt “diều hâu” hơn.
Cụ thể, trong phiên giao dịch 6/11, DXY giảm khoảng 1%, xuống mức 105 điểm, trước kỳ vọng Fed có thể giảm lãi suất ngay từ tháng 5/2024, thay vì tháng 7/2024 như dự báo trước đó. Fed đã đưa ra một thông điệp rõ ràng hơn thông qua việc tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp tháng 11 vừa qua, cũng như đưa ra tín hiệu về các đợt cắt giảm lãi suất vào năm tới. Theo đó, tỷ giá USD/VND cũng hạ nhiệt, xuống quanh mức 1 USD đổi 24.270 đồng.
Theo nhóm Nghiên cứu và Phân tích, BIDV Treasury, các diễn biến gần đây có phần tương đồng với giai đoạn cuối năm ngoái, khi tỷ giá trong nước giảm mạnh trở lại sau những nhịp tăng nhiều tháng trước đó, nguyên nhân xuất phát từ môi trường quốc tế giúp hạ nhiệt tâm lý trên thị trường. Mặc dù vậy, tỷ giá có tương quan chặt chẽ hơn với thị trường quốc tế, nên xu hướng trong thời gian tới rất khó lường.
Trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ sắp tới giảm mạnh hơn kỳ vọng, kéo theo đà giảm của DXY xuống dưới 104 điểm, hay cung – cầu ngoại tệ trong nước dồi dào hơn, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng có thể giảm về quanh mức 24.000 đồng.
Ở chiều ngược lại, tỷ giá có thể tăng trở lại nếu số liệu lạm phát cao hơn kỳ vọng, kéo USD tăng theo, nâng tỷ giá lên vùng 24.500 – 24.600 đồng.
Dù vậy, về cuối năm, tỷ giá USD/VND sẽ có những trợ lực, bao gồm nguồn cung dồi dào hơn từ thặng dư thương mại. Tính đến hết tháng 10, Việt Nam xuất siêu hơn 24,6 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước là 9,56 tỷ USD. Cùng với đó, FDI và kiều hối duy trì tích cực. Nguồn cung ngoại tệ còn được bổ sung từ một số thỏa thuận bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Chứng khoán bớt áp lực
Mặc dù vậy, áp lực từ thị trường quốc tế vẫn duy trì khi mặt bằng lãi suất tại Mỹ và chỉ số DXY ở mức cao. VCBS nhận định, với các rủi ro liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ chưa được hiện thực hóa hết, áp lực tỷ giá sẽ thường trực trong các tháng cuối năm.
DXY tăng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam qua hai yếu tố. Thứ nhất, dòng vốn ngoại chuyển sang các kênh đầu tư khác bằng USD nhằm thu được lợi nhuận cao hơn.
Theo Mirae Asset Việt Nam, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND kết hợp với áp lực tỷ giá đã góp phần vào xu hướng bán ròng trong thời gian qua của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, lũy kế kể từ đầu năm lên tới 10.500 tỷ đồng.
Thứ hai, DXY tăng làm tăng áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải can thiệp bằng chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường.
Dù vậy, khả năng tỷ giá vơi nhẹ áp lực về cuối năm là tín hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán, nhất là sau đợt bán tháo vừa qua, P/E của VN-Index đã điều chỉnh về mức 13,2 lần vào cuối tháng 10, từ mức 17,3 lần ngày 12/9.
“Với mức P/E hiện tại của VN-Index, chúng tôi cho rằng, định giá thị trường hiện có phần hấp dẫn so với các thị trường khác trên thế giới (chẳng hạn, P/E của MSCI EM Index là 13,3 lần)”, Mirae Asset Việt Nam nhận định.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn