Chứng khoán chính của Mỹ biến động nhẹ và trái chiều vào thứ Hai (13/11), khi các nhà đầu tư chờ đợi chỉ số lạm phát quan trọng được thông báo trong tuần này có thể định hình việc Fed sẽ giữ lãi suất cao trong bao lâu.
Hôm nay, tâm trạng giới đầu tư đã thận trọng trở lại, sau phiên giao dịch đầy hứng khởi cuối tuần trước nhờ đợt phục hồi của các megacap đã giúp Nasdaq lên mức cao nhất trong hai tháng và S&P 500 lên mức cao nhất gần tám tuần.
Hiện các nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi một loạt dữ liệu kinh tế và các bài phát biểu từ các quan chức Fed trong tuần này để tìm manh mối về quỹ đạo lãi suất của Mỹ, trong bối cảnh dự báo ngày càng tăng rằng Fed đã hoàn thành chu kỳ thắt chặt.
Dữ liệu vào ngày mai dự kiến sẽ cho thấy giá chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm xuống 3,3% trong tháng 10 từ mức 3,7% trong tháng 9. Tuy nhiên, CPI lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) – một thước đo lạm phát ưa thích của Fed thì dự báo sẽ không có sự thay đổi nào đáng kể.
Các nhà giao dịch đã đánh cược với tỷ lệ gần 86% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào tháng 12, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Đáng chú ý khác là hôm nay Moody’s đã bất ngờ hạ cấp triển vọng xếp hạng tín dụng của Mỹ xuống từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, với lý do thâm hụt tài khóa lớn và khả năng chi trả nợ giảm.
Thứ Bảy tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã công bố một gói chi tiêu tạm thời của đảng Cộng hòa, nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa vào cuối tuần này, nhưng biện pháp này nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ các nhà lập pháp từ cả hai đảng trong Quốc hội.
Kết thúc phiên 13/11: Chỉ số Dow Jones tăng 54,77 điểm (+0,16%), lên 34.337,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,69 điểm (-0,08%), xuống 4.411,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 30,36 điểm (-0,22%), xuống 13.767,74 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng khá tích cực, khi các nhà đầu tư tương đối lạc quan chờ đợi các dữ liệu kinh tế quan trọng.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,75% lên 446,62 điểm.
Trọng tâm theo dõi của thị trường hiện nằm ở dữ liệu lạm phát, bao gồm ở Mỹ và khu vực đồng euro sẽ có trong tuần này.
Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần này bên lề hội nghị APEC tại San Francisco.
Đáng chú ý là thị trường dường như đã bỏ qua nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa vào cuối tuần và Moody’s cắt giảm triển vọng xếp hạng tín dụng của Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.
Trong khi đó, phiên này nổi lên sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, với chỉ số phụ ngân hàng Ýtăng 2,8% nhờ Monte dei Paschi tăng 8,6% sau khi Fitch hôm thứ Sáu nâng cấp lên “BB” với triển vọng ổn định và Deutsche Bank đã nâng xếp hạng từ “nắm giữ” lên “mua” vào thứ Hai.
Theo sau là ngành năng lượng tăng 1,3%, với Siemens Energy tăng 6% sau khi các nguồn tin cho biết họ sẽ trình bày một thỏa thuận cho hàng tỷ euro bảo lãnh liên quan đến dự án được hỗ trợ bởi chính phủ Đức vào thứ Tư.
Kết thúc phiên 13/11: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 65,28 điểm (+0,89%), lên 7.425,83 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 110,61 điểm (+0,73%), lên 15.345,00 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 42,02 điểm (+0,60%), lên 7.087,06 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản hạ độ cao, khi áp lực chốt lời gia tăng sau khi chỉ số chuẩn tiến gần tới ngưỡng 33.000 điểm.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 nhích 0,05% lên 32.585,11 điểm, sau khi tăng tới 1% trong phiên. Chỉ số Topix đi ngang ở mức 2.336,62 điểm.
“Chỉ số Nikkei 225 đã tăng mạnh vào đầu phiên, điều này cho chúng tôi sự lạc quan rằng đà tăng đã trở lại. Tuy nhiên, chỉ số đã đảo chiều khi tiến gần hơn đến mốc 33.000 điểm. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư chưa hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi mua cổ phiếu. Có một số bất ổn về nền kinh tế vĩ mô”, Shuutarou Yasuda, nhà phân tích thị trường tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết.
Phiên này, các cổ phiếu liên quan đến chip tăng sau khi Nasdaq Composite ghi nhận phiên tốt nhất trong một ngày kể từ ngày 26/5 vào thứ Sáu.
Theo đó, cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 1,74% và nhà sản xuất thiết bị thử nghiệm chip Advantest tăng 1,53%.
Chứng khoán Trung Quốc trái chiều, khi giới đầu tư lạc quan thận trọng đánh giá những diễn biến mới về quan hệ với Mỹ.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,25% lên 3.046,53 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,20% xuống 3.579,41 điểm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hôm thứ Sáu rằng bà đã đồng ý với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong để “tăng cường truyền thông” về các vấn đề kinh tế.
Bình luận được đưa ra trước cuộc gặp dự kiến trong tuần này giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco.
Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ một loạt dữ liệu kinh tế của Trung Quốc sẽ được công bố trong tuần này, bao gồm sản lượng công nghiệp, đầu tư đô thị và doanh số bán lẻ trong tháng 10. Các dự báo ban đầu cho thấy đà tăng trưởng đã suy yếu trở lại trong tháng 10 sau khi phục hồi trong những tháng trước.
“Cuộc tranh luận về đầu tư vào Trung Quốc đã chuyển sâu sang những thách thức cơ cấu dài hạn, đặc biệt là trên mặt trận nợ và giảm phát. Do đó, những rào cản phía trước đối với sự phục hồi bền vững của thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn còn cao”, các chiến lược gia của Morgan Stanley viết.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi dự đoán tích cực trước hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối tuần này đã nâng đỡ thị trường.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,30% lên 17.426,21 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,50% lên 5.989,10 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, bị đè nặng bởi lực bán của nhà đầu tư nước ngoài, với các công ty thương mại điện tử giảm mạnh nhất.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 5,90 điểm, tương đương 0,24% xuống 2.403,76 điểm.
Biến động gia tăng trên thị trường gần đây sau khi lệnh cấm bán khống được áp dụng vào tuần trước, các nhà phân tích cho biết.
Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 0,14%, SK Hynix tăng 1% và nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 1,09%.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng cổ phiếu trị giá 31,4 tỷ won (23,71 triệu USD) trong ngày.
Kết thúc phiên 13/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 17,00 điểm (+0,05%), lên 32.585,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,43 điểm (+0,25%), lên 3.046,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 222,95 điểm (+1,30%), lên 17.426,21 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 5,90 điểm (-0,24%), xuống 2.403,76 điểm.
Giá dầu thô hồi phục sau khi báo cáo thị trường hằng tháng của OPEC làm giảm bớt lo lắng về nhu cầu suy yếu và cuộc điều tra của Mỹ về nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga, làm dấy lên lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung.
Kết thúc phiên 13/11, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,09 USD/thùng (+1,4%), lên 78,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,09 USD/thùng (+1,3%), lên 82,52 USD/thùng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn