“Xu hướng chỉ số dao động trong biên độ hẹp khả năng tiếp diễn trong tuần tới, điểm số được dự báo nằm trong vùng 1.030-1.060 điểm”, ông Nguyễn Anh Khoa nhận định.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch trầm lắng với thanh khoản ở mức thấp. Dù xuất hiện điểm sáng tại những cổ phiếu đơn lẻ nhưng áp lực điều chỉnh tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn khiến VN-Index mất gần 10 điểm sau 5 phiên giao dịch xuống 1.043 điểm, mức thấp nhất trong 4 tuần gần đây. Giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi ghi nhận bán ròng 301 tỷ đồng.
Vậy diễn biến thị trường tuần tới sẽ thế nào? Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch tới.
VN-Index “lình xình” dao động trong biên độ hẹp 1.030-1.060 điểm
(Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco)
Nhìn chung, phần lớn các doanh nghiệp được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh kém khả quan trong Quý I/2023, do đó rất khó để khiến các cổ phiếu tăng giá trong ngắn hạn. Nhìn về kết quả các quý tiếp theo, ông Khoa cho rằng xu hướng hồi phục có thể xuất hiện song thị trường sẽ cần có thời gian để quan sát những thay đổi này và khả năng vẫn sẽ có sự phân hoá giữa các nhóm ngành.
Tuy nhiên, với việc nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế (như giảm lãi suất, giảm thuế…) đang hoặc có thể đưa vào ban hành sẽ tác động tích cực tới kết quả kinh doanh các doanh nghiệp. Dù “sóng” thị trường có thể chưa xuất hiện ngay, song có thể kỳ vọng vào xu hướng đi ngang hướng lên (sideway up) trong giai đoạn tới.
Khả năng KQKD xuất hiện phân hoá vẫn còn tiếp diễn, việc lựa chọn và giao dịch ngắn hạn với các cổ phiếu có câu chuyện đầu tư riêng hoặc theo diễn biến dòng tiền sẽ là chiến lược phù hợp trong giai đoạn này. Theo chiến lược này, nhà đầu tư có thể mua/bán cổ phiếu trong một khoảng biên độ. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể hướng tầm nhìn đầu tư về thời điểm nửa cuối năm nay, khi sự phục hồi về lợi nhuận có thể được quan sát rõ ràng hơn trong các quý tới.
“NĐT có thể quan sát doanh nghiệp đang có mức định giá P/B về vùng đáy Covid-19 hoặc giữa Quý 4/2022 (thời điểm thị trường về mức điểm số thấp nhất giai đoạn đó)“, ông Khoa chia sẻ.
Về diễn biến VN-Index tuần tới, vị chuyên gia cho rằng với việc VN-Index đang tiệm cận vùng biên dưới của dải Bollinger trên khung ngày, nhịp hồi kỹ thuật có thể sớm xuất hiện. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn hiện hữu khi kỳ nghỉ lễ tới gần sẽ kéo nhu cầu rút tiền tăng lên. Do đó, xu hướng chỉ số dao động trong biên độ hẹp khả năng tiếp diễn trong tuần sau. Điểm số được dự báo nằm trong vùng 1.030-1.060 điểm.
Một số thông tin nhà đầu tư cần quan sát về (1) Những chính sách vĩ mô đang và dự kiến triển khai sẽ tác động tích cực hay tiêu cực tới hoạt động doanh nghiệp (2) Tính thanh khoản của nền kinh tế, (2) Các tin tức kém tích cực đã xuất hiện nhiều hay ít, (3) Định giá P/B về mức thấp nhất của giai đoạn trước đó, (4) Tín hiệu từ vĩ mô quốc tế cũng như hành động của khối ngoại.
Đánh giá về động thái giao dịch của khối ngoại, ông Khoa cho rằng khẩu vị giao dịch của nhóm này tập trung vào cổ phiếu vốn hoá lớn có tác động đáng kể lên điểm số thị trường, do đó cần phải theo dõi.
Tuy nhiên, thường khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ không trading quá nhiều, nếu xét tầm nhìn trung – dài hạn, với triển vọng nền kinh tế phục hồi khi nhiều chính sách hỗ trợ được dự kiến áp dụng, động thái khối ngoại giai đoạn này sẽ không phải mối lo ngại quá lớn tới thị trường.
Hiệu ứng kỳ nghỉ lễ dài 30/4 và 1/5 khiến thị trường khó có cơ hội bứt phá tuần tới
(Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect)
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một tuần giao dịch trầm lắng với điểm số lùi nhẹ và thanh khoản sụt giảm mạnh. Điều này là do nhà đầu tư duy trì tâm thế “thận trọng” trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã đến. Nhìn chung, thị trường cho rằng kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ không thực sự khả quan trong bối cảnh môi trường lãi suất tăng cao, thị trường bất động sản – chứng khoán trầm lắm, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng GDP Quý I giảm tốc rõ nét.
Bên cạnh đó, việc kỳ nghỉ lễ dài 30/4 và 1/5 đang đến gần cũng khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch và sử dụng margin ở thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh đó, ông Hinh cho rằng thị trường khó có cơ hội bứt phá trong tuần giao dịch tới . Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường cũng sẽ ít có khả năng giảm sâu sau một loạt động thái hỗ trợ chính sách của Chính phủ đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn trên thị trường TPDN bất động sản và hạ mặt bằng lãi suất trong nước.
Đồng thời, mặt bằng định giá hiện tại cũng ở vùng hợp lý và đã phản ánh phần nào bức tranh kết quả kinh doanh kém tích cực quý 1 năm nay. Giả định trong trường hợp kết quả kinh doanh quý 1/2023 tiếp tục kém khả quan như quý 4/2022, P/E thị trường có thể lên mức quanh 12,5 lần và đây không phải là mức cao so với mặt bằng P/E quá khứ.
“Do đó, khả năng cao chỉ số VN-Index tiếp tục giao dịch lình xình trong biên độ hẹp 1.030 – 1.060 điểm trong tuần tới với thanh khoản thấp. Nhà đầu tư nên hạn chế mở mới vị thế trong tuần tới, hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) do thị trường chưa xác định xu hướng rõ rệt và kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp đến gần“, ông Hinh cho hay.
Tâm lý “rã đám”, cơ hội tại những cổ phiếu chu kỳ đầu ngành với mặt bằng giá rẻ
(Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC)
Kết quả kinh doanh tới muộn ở nhiều doanh nghiệp vốn hoá lớn trong mùa Quý 1/2023 đang khiến dòng tiền có phần thận trọng và chưa phát huy được chu kỳ vốn được coi là tích cực hàng đầu trong năm. Nếu tính theo hiệu suất hàng tháng của VN-Index trong 10 năm gần nhất (tính từ đầu tháng tới cuối tháng), chỉ số có mức hiệu suất trung bình lên tới 1,8% trong tháng 4 và là mức cao thứ 2 trong năm.
Theo quan sát của ông Đạt, kỳ nghỉ lễ dài có thể khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn hoặc rơi vào trạng thái “rã đám”, ảnh hưởng không nhỏ tới thanh khoản thị trường trong tuần tới trong khi đó, chu kỳ tháng 5-6-7 thường không quá tích cực bởi yếu tố “rỗng” thông tin.
Các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, kích cầu tín dụng, cầu tiêu dùng… gần đây được đưa ra sẽ cần một quá trình để thẩm thấu vào nền kinh tế, từ đó mới phản ánh dần lên KQKD của doanh nghiệp và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Trên thị trường, mặt bằng cổ phiếu mới trải qua giai đoạn điều chỉnh sâu cách đây chỉ vài tháng. Tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định và tự tin vào cổ phiếu, còn tồn tại nhiều định kiến với thị trường chứng khoán. Và khi cổ phiếu tăng quá sớm sau nhịp điều chỉnh, sẽ vấp phải dòng tiền “kẹp hàng” vẫn đang chờ “hồi để bán”.
Tất cả những yếu tố trên khiến thị trường có thể trả qua khoảng thời gian rung lắc vùng đáy kéo dài. Tuy nhiên chuyên gia DSC vẫn cho rằng đây là cơ hội để nhà đầu tư trung-dài hạn tham gia vị thế ở những cổ phiếu chu kỳ đầu ngành và đang có mặt bằng định giá rẻ, và sự “kiên nhẫn” chính là tâm thế mà nhà đầu tư cần chuẩn bị.
Liên quan đến dấu hiệu tạo đáy của VN-Index, ông Đạt cho biết thị trường đã liên tục điều chỉnh kể từ phiên 6/4, nhưng vẫn xuất hiện dòng tiền “đua lệnh” ở những cổ phiếu đã tăng nóng tại nhóm bất động sản. Đây cũng là biểu thị cho thấy tâm lý nhà đầu tư chưa chạm đáy, và do đó điều kiện cần để thị trường tạo đáy là một nhịp điều chỉnh “rũ sâu” lành mạnh hoá dòng tiền. Nhịp rũ cũng sẽ đưa các cổ phiếu cơ bản về mức chiết khấu hấp dẫn dòng tiền hơn, và hướng sự chú ý của nhà đầu tư vào các cổ phiếu có khả năng dẫn dắt chỉ số.
Điều kiện đủ để thị trường xác nhận đã tạo đáy là xuất hiện những phiên hồi phục mạnh với mức thanh khoản cao. Trong tuần tới với bối cảnh nghỉ lễ đang tới gần, để xuất hiện ngay một phiên có GTGD bùng nổ có thể chưa phù hợp.
Theo quan sát của ông Đạt về hành động khối ngoại, nhìn chung quan điểm giao dịch của khối ngoại lúc này là tranh thủ mua ròng khi thị trường có mức thanh khoản thấp và VN-Index tiệm cận 1.000-1.020 điểm, ngược lại có chiều hướng bán ròng chốt lời ngắn hạn khi thị trường có thanh khoản bùng nổ và chỉ số tiệm cận lên kháng cự 1.080-1.100 điểm.
Tại mức chỉ số lưng chừng giữa biên hỗ trợ – kháng cự như hiện tại, giao dịch khối ngoại có chiều hướng cân bằng và không còn là mối lo ngại cho nhà đầu tư cá nhân. Thậm chí NĐTNN có thể sẽ trở thành yếu tố tích cực trụ đỡ xây nền cho thị trường trong trường hợp xuất hiện các nhịp điều chỉnh sâu hơn.
Đem tiền đầu tư chứng khoán tạm lỗ 55%, một doanh nghiệp thép báo lãi quý 1 chưa bằng 1/10 cùng kỳ
Theo Cafef