Theo chuyên gia, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy VN-Index đang chạm đến vùng quá mua. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy nhà đầu tư cũng đang lưỡng lự với thị trường.
Sau chuỗi tăng điểm nối dài, áp lực điều chỉnh đã xuất hiện trong hai phiên cuối tuần. Tâm lý thị trường trở nên dè dặt sau khi những số liệu vĩ mô quý 2/2023 được công bố. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, bức tranh kết quả kinh doanh quý 2/2023 của các doanh nghiệp niêm yết dự báo cũng sẽ có nhiều gam màu kém sáng.
Đưa ra góc nhìn về xu hướng ngắn hạn của chỉ số, các chuyên gia nhận định áp lực giảm điểm vẫn còn khi vĩ mô còn nhiều ẩn số và động lực hỗ trợ đang dần suy yếu. Tuy nhiên, những nhịp điều chỉnh sâu vẫn là cơ hội tốt để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục sang những nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ rõ rệt và triển vọng KQKD tích cực trong nửa cuối năm 2023.
Áp lực giảm điểm vẫn còn
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên – Giám đốc KHCN Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường tiếp cận tại vùng cản 1.120, bắt đầu có xu hướng điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, sau vài phiên backtest lại 1.10x, thị trường tiếp tục đà tích cực đi lên tiệm cận sát ngưỡng 1.140. Tại vùng này, nguồn cung bắt đầu mạnh lên do xu thế chốt lời, và lo ngại về kết quả kinh doanh quý 2 chưa thật sự tốt nên 2 phiên giao dịch cuối tháng 6, thị trường có dấu hiệu quay đầu giảm điểm và đóng cửa tại vùng giá gần như thấp nhất trong ngày.
VN-Index đóng cửa chốt phiên cuối tháng tại 1.120, thấp dưới vùng hỗ trợ 1.130, thanh khoản có tăng so với phiên trước đó cho thấy nguồn cung tiếp tục gây sức ép lên thị trường. Dự báo về thị trường tuần tới, chuyên gia VDSC cho rằng áp lực giảm điểm vẫn còn. VN-Index sẽ sideway quanh 1.100-1.125, và lực cung sẽ tăng dần khi chỉ số tăng lên, vùng cản gần nhất là 1.130.
Điểm tích cực cho thị trường trong thời gian tới là dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường trong bối cảnh trần lãi suất huy động ngắn hạn liên tục điều chỉnh giảm trong ba tháng trở lại đây. Tuy nhiên, xét về mức độ lan tỏa của dòng tiền tại nhóm vốn hóa lớn còn khá thấp do lo ngại các yếu tố nội tại của phần lớn các doanh nghiệp này chưa thực sự phục hồi rõ rệt trong Quý 2 này.
Thị trường nhiều khả năng tiếp tục xu hướng chính là đi ngang đến khi các tín hiệu rõ ràng hơn cho thấy (1) sự “hấp thụ” của những chính sách hỗ trợ lên nền kinh tế như thị trường bất động sản, trái phiếu được cải thiện, kéo theo tăng trưởng tín dụng và (2) bức tranh lạm phát thế giới dần hạ nhiệt, cùng sự phục hồi của sức mua, thương mại Việt Nam.
Về chiến lược đầu tư trong thời điểm này, bà Tiên cho rằng thị trường tháng 6 sở dĩ tăng điểm do các thông tin hỗ trợ tích cực liên tục được đưa ra và mức sử dụng đòn bẩy còn đang rất thấp. Tuy nhiên, bức tranh vĩ mô, đặc biệt trong quý 2/2023 chưa có nhiều điểm sáng. Với việc thiếu sự hậu thuẫn của nền tảng vĩ mô và dòng tiền từ NĐT nước ngoài, xu hướng trung hạn nhìn chung vẫn là tích lũy. Thị trường giai đoạn này vẫn thuận lợi cho giao dịch mua bán T+, song chưa phải là thời điểm tốt để “all in”.
Với ẩn số vĩ mô đã khiến nhóm cổ phiếu đầu ngành (với đại diện VN30) kém khả quan hơn so với các nhóm cổ phiếu còn lại. Mùa công bố KQKD quý 2 đang đến gần, do đó, các công ty với nền tảng kinh doanh bền vững, phục hồi nhanh chóng khi khó khăn qua đi, thì khả năng sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt trong mùa báo cáo sắp đến.
Do đó, Giám đốc KHCN VDSC cho rằng NĐT có thể tiếp tục tích lũy các cổ phiếu thuộc nhóm này cho danh mục dài hạn. Với chỉ số SXCN và PMI không khả quan, thì chúng ta khó kỳ vọng sự bứt phá bất ngờ về tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2 của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đi qua vùng trũng trong quý 1 mà vẫn có lợi nhuận dương thì có thể sẽ tiếp tục có quý 2 khả quan hơn mặt bằng chung, điển hình ở một số nhóm ngành như Điện (HND, QTP), Ngân hàng (ACB, MBB), dệt may (STK), dầu khí (PVD), và hàng không (ACV).
Khả năng có nhịp giảm về vùng 1.08x – 1.100
Bà Nguyễn Phương Mai – Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường Chứng khoán Vietinbank (CTS)
Tuần giao dịch vừa qua cũng là tuần cuối quý 2 nên yếu tố chốt NAV của các quỹ đầu tư và doanh nghiệp cũng đã thúc đẩy thị trưởng tăng điểm những phiên đầu tuần, song áp lực chốt lời đã xuất hiện vào cuối tuần. Mặc dù thị trường chung ghi nhận sự giằng co nhưng dòng tiền từ khối ngoại đã quay trở lại mạnh mẽ vào giai đoạn cuối tháng 6.
Sở dĩ, t hị trường tăng điểm trong giai đoạn hiện nay chủ yếu thúc đẩy bởi một lượng tiền lớn và khi lượng tiền này đủ lớn thì đó là lúc thị trường đạt đỉnh ngắn hạn . Điểm tiêu cực đã xuất hiện khi các chỉ báo kỹ thuật đều cho thấy VN-Index đang chạm đến vùng quá mua, ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy nhà đầu tư cũng đang tỏ ra lưỡng lự với thị trường hiện tại.
Theo chuyên gia CTS, VN-Index cần thời gian tích lũy phía trên vùng giảm mục tiêu 1.08x-1.100 điểm để hấp thụ cung bán trước khi bước vào một nhịp tăng mới nếu những thông tin tích cực từ tình vĩ mô trong nước và quốc tế được cải thiện. Trên phương diện kỹ thuật, các chỉ báo động lực – MACD và RSI đều đang ghi nhận với diễn biến suy yếu và tiêu cực trong ngắn hạn.
Mặc dù thông tin NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành là một tin tốt với thị trường trong thời gian qua, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần đặc biệt chú ý đến thông tin FED có thể sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong thời gian còn lại của năm 2023, cũng như các doanh nghiệp chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh quý 2 sắp tới. Do vậy trong ngắn hạn, kỳ vọng chỉ số có thể chinh phục thành công vùng kháng cự 1.150 điểm với vùng hỗ trợ tại các ngưỡng 1.08x-1.100 điểm.
Đối với những NĐT đã bỏ qua con sóng tăng điểm của VN-Index trong tháng 6 vừa qua, chuyên gia cho rằng cũng không cần quá lo lắng để tránh tâm lý FOMO “bắt đáy” trong pha điều chỉnh ngắn hạn này.
Hiện tại, thị trường có thể sẽ rung lắc quanh vùng 1.12x – 1.14x điểm trong những phiên giao dịch sắp tới. Do vậy, NĐT cần bình tĩnh và thận trọng, chờ đợi tín hiệu giảm sâu của thị trường về vùng hỗ trợ 1.08x – 1.100 điểm như khuyến nghị trên để bắt đầu chiến lược giao dịch mới cho mình.
Về cơ hội đầu tư trong mùa báo cáo quý 2, vị chuyên gia cho rằng dòng tiền sẽ phân hoá khá mạnh mẽ do giá cổ phiếu của những doanh nghiệp có dự báo có KQKD tốt có thể đã được phản ánh phần nào trong thời gian qua. Do vậy, sẽ hợp lý hơn nếu NĐT nhìn nhận những nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong khung thời gian dài hơn khoảng 3-6 tháng sau đó.
Nhìn rộng hơn về nửa cuối năm 2023, chuyên gia cho rằng thị trường được kỳ vọng lạc quan hơn so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, khả năng thị trường có một cú bứt phá trong giai đoạn này không nhiều.
Các yếu tố tích cực về vĩ mô đang đưa thị trường vào pha hồi phục. Cụ thể, NHNN đã giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp, tỷ giá ổn định quanh vùng 23.500 đồng/đô la Mỹ, giá cả hàng hóa có xu hướng hạ nhiệt, thanh khoản của thị trường được cải thiện và khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản đang dần gỡ rối.
Tuy nhiên, một số chỉ báo vĩ mô khác cũng chưa thực sự tích cực, cần nhiều thời gian để phục hồi hơn như PMI giảm còn 43,5 điểm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,36% trong nửa đầu năm 2023, xuất nhập khẩu hàng hóa suy giảm, tốc độ tăng trưởng vốn FDI chậm lại, …
Tận dụng nhịp nghỉ để cơ cấu danh mục
(Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của CTCK VNDIRECT )
Nhịp giảm điểm trong tuần vừa qua chưa ảnh hưởng nhiều tới xu hướng tăng của thị trường. Lực cầu bắt đáy sẽ sớm xuất hiện và giúp chỉ số VN-Index phục hồi trở lại khi chạm hỗ trợ là đường xu hướng ngắn hạn (MA20), tương ứng vùng 1.115-1.120 điểm. Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu, dòng tiền sẽ không rút khỏi thị trường mà tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Do đó, mặc dù các chỉ số chứng khoán có thể chưa bứt phá mạnh ở thời điểm hiện tại nhưng một số nhóm cổ phiếu vẫn có thể hút dòng tiền và ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung.
Vì vậy, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp tạm nghỉ hiện tại của thị trường để tái cơ cấu danh mục đầu tư, ưu tiên lựa chọn những nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ rõ rệt và triển vọng KQKD tích cực trong nửa cuối năm 2023, bao gồm ngành hưởng lợi sớm từ xu hướng giảm của lãi suất (ngân hàng, chứng khoán) cũng như ngành hưởng lợi từ động thái thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Chính phủ và các doanh nghiệp quốc doanh (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng và dầu khí).
Theo Cafef