VCBS cho rằng nếu lực cung tiếp tục được hấp thụ tích cực khiến cho thị trường dần ổn định hơn, có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn.
Chứng khoán Việt Nam ghi nhận một phiên giảm điểm song áp lực bán cũng không quá mạnh. Đáng chú ý, đây là phiên thứ 3 liên tiếp thanh khoản sụt giảm so với phiên trước đó và là phiên có khối lượng khớp lệnh thấp nhất trong tháng 8, điều này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 7,93 điểm (-0,67%) xuống còn 1.172,56 điểm. Giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt vỏn vẹn 14.867 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp đà bán ròng mạnh với giá trị gần 541 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Có thể xuất hiện nhịp hồi ngắn hạn
(Chứng khoán VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng cửa với 1 nến marubozu và vẫn tiếp tục xu hướng kiểm tra lại vùng 1.180 điểm. Dù chỉ số vẫn đang nằm trong xu hướng giảm nhưng VCBS cho rằng trong những phiên tới, nếu lực cung tiếp tục được hấp thụ tích cực khiến cho thị trường dần ổn định hơn, có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn.
Dao động thăm dò tại vùng 1.165 – 1.190 điểm
(Chứng khoán VDSC)
Với tín hiệu suy yếu trở lại, có khả năng thị trường sẽ tạm thời dao động thăm dò tại vùng 1.165 – 1.190 điểm trong thời gian gần tới trước khi có tín hiệu cụ thể hơn. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu và quản trị danh mục hợp lý. Đồng thời cân nhắc những nhịp hồi phục trong thời gian tới để chốt lời và giảm tỷ trọng, ưu tiên các cổ phiếu đã có tín hiệu phân phối và suy yếu, để
giảm thiểu rủi ro cho danh mục.
Tiếp tục đi ngang và rung lắc trong phiên tới
(Chứng khoán KBSV)
VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang, tăng giảm đan xen
trong phiên tiếp theo trước khi thiết lập một xu hướng rõ ràng hơn với ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.170. NĐT được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm và chỉ gia tăng trở lại trong các nhịp điều chỉnh về quanh các vùng hỗ trợ.
(Chứng khoán SHS)
Trong ngắn hạn thị trường có thể tiếp tục rung lắc kiểm định lại vùng hỗ trợ trong vùng 1.150 điểm – 1.170 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng thấp và tiếp tục quan sát diễn biến thị trường.
Trường hợp muốn gia tăng tỷ trọng có thể giải ngân dần trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh, mục tiêu trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Áp lực bán suy yếu, nhịp hồi có thể xuất hiện
(Chứng khoán Yuanta)
Chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động gần đường trung bình 50 phiên trong phiên giao dịch tới. Đồng thời, các chỉ báo kỹ thuật giảm về gần vùng quá bán nên thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi trong vài phiên giao dịch tới, điểm tích cực là áp lực bán có dấu hiệu suy yếu.
Theo Cafef