Dòng tiền tuần qua tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi có sự hỗ trợ của yếu tố chốt giá trị tài sản ròng (NAV) cuối quý II/2023 từ các quỹ ETF.
VN-Index điều chỉnh, thanh khoản vẫn tích cực
Chỉ số VN-Index kết thúc tuần cuối cùng của tháng 6 tại 1.120,18 điểm, giảm 9,2 điểm (0,81%) so với cuối tuần trước đó. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ, duy trì trên 10.000 tỷ đồng/phiên.
Đầu tuần, VN-Index ghi nhận 3 phiên tăng điểm liên tiếp với biên độ hẹp, thể hiện đà tăng trong nghi ngờ với diễn biến tâm lý giằng co của 2 bên mua bán. Tới phiên thứ Năm, chỉ số giảm 13 điểm trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. Phiên cuối tuần, chỉ số giảm thêm hơn 5 điểm, xuống sát mức hỗ trợ trên đồ thị ngày tại 1.120 điểm và tạo cây nến búa ngược trên đồ thị tuần.
Diễn biến chỉ số VN-Index. |
Tuy nhiên, không có tín hiệu tâm lý hoảng loạn hay đà bán tháo xuất hiện, mở ra khả năng VN-Index sẽ sớm cân bằng trong khu vực 1.105 – 1.115 điểm trong tuần mới. DSC khuyến nghị, nhà đầu tư hạn chế sử dụng nguồn vốn ký quỹ (margin) và cân nhắc giải ngân trở lại khi chỉ số đạt điểm cân bằng quanh vùng hỗ trợ.
Dòng tiền tuần qua tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VNM, HPG) và nhóm ngân hàng (CTG, MBB) khi có sự hỗ trợ của yếu tố chốt giá trị tài sản ròng (NAV) cuối quý II và bán niên 2023 đến từ các quỹ ETF. Dòng vốn ngoại cũng ưa thích mua ròng các cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số như HPG, KBC, FPT. Trong khi đó, dòng tiền có sự phân hóa rõ rệt khi tham gia nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Xét theo nhóm ngành, nhóm xuất khẩu và bán lẻ duy trì trạng thái khả quan khi các số liệu kinh tế vĩ mô đang phản ánh đà hồi phục đáng kể từ đầu năm và kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong 2 quý cuối năm 2023. Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản, chứng khoán, dầu khí ghi nhận mức chiết khấu từ 3 – 5%.
Ngành dầu khí vẫn có triển vọng tích cực
Lô B – Ô Môn là chuỗi dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn tại Lô B & 48/95 và Lô 52/97 đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn. Dự án dự kiến sẽ cung cấp tổng cộng 3.950 tỷ bộ khối, tương đương 102 tỷ m3 và 12,65 triệu thùng condensate, trong vòng đời 23 năm.
Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) theo kế hoạch sẽ được phê duyệt vào ngày 30/6/2023 và dự án có dòng khí đầu tiên vào năm 2026. Đây cũng là kỳ vọng đã đem lại đà tăng giá từ 30 – 70% của một số cổ phiếu dầu khí như PVS và PVB trong thời gian qua. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2023, dự án vẫn chưa được thông qua hoàn toàn như kỳ vọng của nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, DSC nhận thấy có nhiều tín hiệu tích cực về dự án Lô B – Ô Môn thông qua những biện pháp thúc đẩy từ Chính phủ kể từ đầu năm 2023 tới nay. Theo đó, tháng 2/2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng với liên danh giữa Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng và Marubeni Corporation đã ký thỏa thuận khung hợp đồng bán khí (GSA) cho dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II.
Đây là thỏa thuận quan trọng trong việc hoàn thiện các điều khoản chính của GSA, sớm phá bỏ rào cản về mặt pháp lý. Tới tháng 5/2023, Liên doanh Petrosetco – PSL và Orion ký hợp đồng khung cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý dự án với nhà điều hành dự án Khí lô B – Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc.
Còn đối với vấn đề của Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III và IV, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển giao 2 dự án này từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sang cho PVN làm chủ đầu tư. Lễ ký kết biên bản bàn giao hồ sơ giữa 2 bên đã được diễn ra vào chiều 29/6/2023.
Với các sự kiện tích cực thúc đẩy xung quanh, DSC tin tưởng rằng, FID sẽ sớm được phê duyệt trong nửa cuối năm 2023 và đem lại nguồn doanh thu lớn cho các doanh nghiệp ngành dầu khí như PVS, PVB, PVC, PVD, GAS. Trong đó, DSC đánh giá cao cổ phiếu PVS, PVB, nhà đầu tư có thể giải ngân với tỷ trọng thăm dò trong các nhịp điều chỉnh.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn