Việc trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (TPDNRL) được đưa vào giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch TPDNRL tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) được xem là bước chuyển dịch đáng kể trong việc nâng cao tính công khai, minh bạch và thanh khoản cho thị trường TPDNRL nói riêng và thị trường TPDN nói chung.
Hệ thống giao dịch TPDNRL chính thức vận hành
Ngày 19/7/2023, Bộ Tài chính tổ chức lễ khai trương và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch TPDNRL tại SGDCK Hà Nội. Tham dự Lễ khai trương có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, UBCKNN; ngân hàng chỉ định thanh toán, các thành viên thị trường, tổ chức phát hành trái phiếu.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc đưa hệ thống giao dịch TPDNRL vào vận hành là rất cần thiết, hệ thống đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường, đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường từ sơ cấp đến thứ cấp, từ đó đưa ra các chính sách về quản lý, phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư phù hợp hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại lễ khai trương hệ thống giao dịch TPDNRL |
Việc phát triển thị trường TPDN riêng lẻ lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu đã được Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm triển khai thực hiện. Với quan điểm cơ quan quản lý tôn trọng thỏa thuận của các bên tham gia thị trường TPDN, Nhà nước chỉ tham gia với vai trò tạo điều kiện về cơ chế chính sách, tổ chức thị trường để hỗ trợ các bên thực hiện đúng các cam kết của mình.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc xây dựng và đưa hệ thống giao dịch TPDNRL vào vận hành cũng như sự tham gia phối hợp tích cực của các Bộ, ngành trong công tác tuyên truyền và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN riêng lẻ. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển thị trường phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giao nhiệm vụ cho UBCKNN và các đơn vị liên quan:
Một là, tiếp tục công tác hoàn thiện thể chế chính sách; tổ chức thị trường hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; tiến hành cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Hai là, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, thông tin về tình hình thị trường, đào tạo kiến thức tài chính cho nhà đầu tư và tăng cường kiểm soát, xử lý việc đưa tin không chính thống, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thị trường.
Ba là, thúc đẩy hoạt động của các định chế trung gian và dịch vụ thị trường.
Bốn là, tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho thị trường.
Sẽ còn một chặng đường dài để thị trường TPDN quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mới, nhưng việc đưa vào giao dịch tập trung đã giúp chuẩn hoá thị trường trái phiếu riêng lẻ, tăng khả năng thanh khoản của trái phiếu phát hành riêng lẻ, tạo dựng lại niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và giúp cho những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả từ thị trường này.
Việc tổ chức thị trường giao dịch TPDNRL đã đáp ứng yêu cầu của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDNRL tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó Bộ Tài chính đã giao HNX triển khai xây dựng hệ thống giao dịch TPDNRL. Bước đầu vận hành, hệ thống giao dịch TPDNRL đang cho thấy sự an toàn, ổn định, đúng tiến độ theo chỉ đạo của cơ quan quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường.
Tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động
Phát biểu tại sự kiện, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN cho biết, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế thế giới chứng kiến những biến động khó lường từ nguy cơ suy thoái toàn cầu, áp lực lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt. Cuộc xung đột Nga, Ukraine kéo dài, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ đã đặt ra mối lo về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, triển vọng kinh tế thế giới được đánh giá còn nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán trên thế giới trước đó cũng có nhiều biến động.
Mặc dù vậy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt là trong quý II/2023. Tính đến ngày 30/6, quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.997 nghìn tỷ đồng với 743 cổ phiếu chứng chỉ niêm yết, có 866 cổ phiếu đăng ký giao dịch, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tương đương với 60,8% GDP, thị trường trái phiếu có 450 mã trái phiếu niêm yết và giá trị niêm yết đạt hơn 1.900 nghìn tỷ đồng, tương đương 20% GDP. Thị trường chứng khoán phái sinh phát triển ổn định so với cuối năm 2022. Phát huy vai trò phòng vệ rủi ro, hiệu quả cho nhà đầu tư, đồng thời giúp nhà đầu tư đa dạng hóa dòng tiền đầu tư.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCK phát biểu tại sự kiện |
Tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán đến cuối tháng 5/2023 ước đạt 187.273 tỉ đồng, tương tương tăng 86,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đặc biệt là huy động vốn có đấu thầu trái phiếu Chính phủ ước đạt 162.952 tỉ đồng, tăng mạnh 188% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiếp tục tăng cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số tài khoản mở mới tăng 414.000 tài khoản, đưa tổng số tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên 7,3 triệu, tăng 6% so với cuối năm 2022. Đặc biệt, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, số lượng tài khoản mở mới đã tăng mạnh khi nhà đầu tư trở lại kênh chứng khoán trong bối cảnh thị trường diễn biến thuận lợi, số lượng tài khoản tháng 5 tăng 104.000 tài khoản, gấp 4,6 lần so với tháng 4. Số lượng tài khoản tháng 6 tăng 146.000 tài khoản, tăng 39% so với tháng trước, đạt mức cao nhất trong vòng 10 tháng kể từ tháng 9 năm ngoái.
Đối với thị trường TPDN, trong giai đoạn 2017-2022, thị trường đã có sự phát triển rất mạnh mẽ. Tính đến thời điểm cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương với 12,66% GDP, giúp thị trường TPDN trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp, góp phần từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng theo đúng chủ trương và định hướng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh của thị trường TPDNRL trong giai đoạn vừa qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Một số doanh nghiệp phát hành sai mục đích có biểu hiện vi phạm pháp luật đang bị cơ quan chức năng xử lý. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp phải giãn nợ kéo dài thời hạn trái phiếu, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, gây bất ổn trên thị trường tài chính cũng như dư luận xã hội.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành Nghị định 65/2022 và Nghị định 08/2023 với mục tiêu tăng cường quản lý hoạt động phát hành trái phiếu, nâng cao chất lượng TPDN phát hành, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện phát hành, thanh toán TPDNRL, tổ chức thị trường thứ cấp tại HNX, đảm bảo thúc đẩy thị trường TPDN phát triển bền vững, công khai, minh bạch.
Để đưa hệ thống giao dịch TPDNRL vào vận hành chính thức theo quy định tại Nghị định 65, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN hoàn thiện khung pháp lý trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 30 ngày 17/5/2023 hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch TPDNRL tại thị trường trong nước.
Về triển khai hạ tầng kỹ thuật, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN chỉ đạo Trung tâm Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và HNX khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán trái phiếu, trách nhiệm riêng lẻ và hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Các đơn vị đã tiến hành nhiều đợt kiểm thử nội bộ và kiểm thử kết nối với công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại. UBCKNN cũng đã chấp thuận Vietcombank là ngân hàng thực hiện thanh toán…
Sự ra đời của hệ thống giao dịch TPDNRL được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, nâng cao thanh khoản cho thị trường, giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, công chúng đầu tư có thêm thông tin về thị trường TPDNRL từ sơ cấp đến thứ cấp, đồng thời nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong hoạt động mua bán, trái phiếu, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước đối với việc tuân thủ các quy định pháp luật về giao dịch TPDNRL.
“Tôi tin rằng, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, thị trường TPDNRL sẽ phát triển ổn định, hiệu quả, góp phần đa dạng hóa sản phẩm của TTCK, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển và ổn định của TTCK nói chung và thị trường TPDNRL nói riêng, tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế”, bà Phương nhấn mạnh.
Hệ thống giao dịch TPDNRL cho phép thành viên giao dịch kết nối và gửi lệnh lên hệ thống giao dịch của HNX. Hệ thống hiện hỗ trợ 2 loại lệnh là thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường (báo cáo giao dịch). Đối với lệnh điện tử, thành viên có thể lựa chọn gửi lệnh chào đến một số thành viên nhất định hoặc gửi lệnh đến tất cả các thành viên của thị trường và chỉ các thành viên nhận được lệnh chào mới có thể xác nhận lệnh. Việc giao dịch của nhà đầu tư chỉ được xác lập trên hệ thống khi người mua và người bán trái phiếu xác nhận đã hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành. Đây là một trong những cơ chế giúp thị trường phát triển bền vững trên cơ sở thông tin từ tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp tới các trái chủ được xuyên suốt và minh bạch.
Hệ thống cho phép trao đổi thông tin giao dịch, thông tin lưu ký với hệ thống của VSD. Việc thanh toán các giao dịch TPDNRL được thực hiện theo phương thức thanh toán tức thời theo từng giao dịch hoặc lệnh sẽ được thanh toán vào cuối ngày giao dịch theo lựa chọn của nhà đầu tư. Đồng thời, hệ thống cũng cho phép tra cứu thông tin về sổ lệnh, thông tin về trái phiếu, thống kê giao dịch.
Về nền tảng công nghệ, các ứng dụng lõi được chạy trên nền tảng Linux đảm bảo tối ưu hóa về tốc độ và sử dụng tài nguyên phần cứng; ứng dụng phía người dùng được sử dụng công nghệ web-base để thuận tiện cho việc triển khai nhanh từ phía thành viên. Hệ thống được phát triển ứng dụng các giải pháp bảo mật bao gồm sử dụng giao thức mã hóa để bảo mật dữ liệu trong quá trình truyền tải trên đường truyền mạng cho kênh nhập lệnh từ thành viên tới HNX, sử dụng kênh truyền WAN dành riêng để kết nối với VSD, thành viên thị trường, sử dụng phương thức xác thực đa nhân tố để đảm bảo an toàn truy cập.
Trước đây, việc giao dịch TPDNRL được thực hiện tại các tổ chức lưu ký, trong đó hình thức giao dịch chủ yếu là chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư và chuyển nhượng giữa nhà đầu tư và tổ chức lưu ký. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ra đời là căn cứ cho việc đưa giao dịch TPDNRL vào quản lý tập trung. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, sau khi hệ thống giao dịch TPDNRL đi vào hoạt động, tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ phải được đưa vào giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tại SGDCK trong vòng 3 tháng kể từ khi hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu chính thức vận hành. Với việc đưa hệ thống giao dịch TPDNRL vào vận hành sẽ góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch TPDNRL, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường TPDN, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp TPDNRL phát triển bền vững hơn.
Liên quan đến hệ thống công bố thông tin TPDNRL, từ năm 2019, Bộ Tài chính đã phân công HNX xây dựng Chuyên trang thông tin TPDN và thực hiện tiếp nhận nội dung thông tin công bố của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và công bố thông tin trên chuyên trang thông tin tại Sở theo quy định của Nghị định 163/2018/NÐ-CP. Theo đó, chuyên trang thông tin TPDN được xây dựng để công bố thông tin về phát hành TPDNRL, bao gồm: công bố thông tin trước đợt phát hành của doanh nghiệp, công bố thông tin bất thường, công bố thông tin của doanh nghiệp về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, công bố kết quả phát hành TPDN, qua đó đáp ứng nhu cầu thông tin của mọi đối tượng nhà đầu tư, cũng như phục vụ công tác thống kê và báo cáo Bộ Tài chính.
Hiện, chuyên trang thông tin TPDN đã được HNX nâng cấp không chỉ để phục vụ hoạt động công bố thông tin về hoạt động phát hành mà còn công bố thông tin về giao dịch TPDNRL đáp ứng các quy định theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Thông tư số 30/2023/TT-BTC. Thông tin về giao dịch TPDNRL được công bố công khai trên chuyên trang thông tin về TPDNRL tại địa chỉ https://cbonds.hnx.vn/.
Với cơ sở dữ liệu đầy đủ về toàn bộ các giao dịch TPDNRL, các cơ quan quản lý có thông tin đầy đủ và cái nhìn tổng thể hơn về TPDN riêng lẻ từ khâu phát hành trên thị trường sơ cấp đến giao dịch trên thị trường thứ cấp. Đồng thời, chuyên trang thông tin TPDNRL tiếp tục đóng vai trò phục vụ nhu cầu thông tin cho các nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ hơn đối với TPDN riêng lẻ và có thêm kênh tham khảo mức giá trái phiếu, góp phần bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư tốt hơn.
Lãnh đạo HNX tin tưởng hệ thống giao dịch TPDNRL đi vào vận hành sẽ có ý nghĩa cho việc làm lành mạnh hóa thị trường, phục vụ tốt công tác tổ chức hoạt động giao dịch trên thị trường TPDN phát hành riêng lẻ một cách có tổ chức, chuyên nghiệp, có sự tham gia quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng nhằm tạo ra một thị trường giao dịch an toàn, hiệu quả cho nhà đầu tư, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ cho cả thị trường TPDN nói chung tại Việt Nam. Đồng thời, thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng góp phần thúc đẩy những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn qua hoạt động phát hành riêng lẻ.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn