Nhóm doanh nghiệp dịch vụ thượng nguồn được đánh giá có triển vọng rõ nét nhờ hoạt động E&P nôi động hơn ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Kết thúc nửa đầu năm 2023, giá dầu Brent giảm xuống quanh mức 75 USD/thùng (giảm 24% so với cùng kỳ), thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 120 USD/thùng vào giữa năm 2022 do lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Đối với nửa cuối 2023 và năm 2024, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023 từ mức trung bình 99,4 triệu thùng/ngày của năm 2022, sau đó tiếp tục tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Phần lớn mức tăng trưởng này đến từ các quốc gia nằm ngoài nhóm OECD. Trong khi đó, OPEC+ đã ra quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô đến hết năm 2024, điều này có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu thô trong bối cảnh tiêu thụ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023-24, gây áp lực tăng lên giá dầu thô. Nhìn chung, VNDirect kỳ vọng giá dầu Brent sẽ tăng trở lại trong nửa cuối 2023 do nguồn cung hạn chế, đạt mức trung bình 80-85 USD/thùng trong năm 2023-24.
Triển vọng nhóm doanh nghiệp dầu khí năm 2023
Đối với nhóm thượng nguồn, số liệu của VNDirect chỉ ra thị trường khoan Đông Nam Á tăng tốc nhờ tác động cộng hưởng từ nhu cầu đang cải thiện và nguồn cung giàn JU bị thu hẹp do nhiều giàn JU đã di chuyển ra khỏi Đông Nam Á để đến Trung Đông.
Theo sau sự thắt chặt của thị trường khoan toàn cầu, hiệu suất sử dụng trung bình giàn JU tại ĐNÁ đã tăng vọt lên 90% từ nửa cuối năm 2022 do đội giàn JU bị thu hẹp khi nhiều giàn khoan di chuyển đến Trung Đông. Điều này đã giúp giá thuê giàn JU tham chiếu (loại 301-400 IC) tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2015 từ cuối năm 2022, dao động từ 95.000 USD đến 134.000 USD.
Đáng chú ý, VNDirect kỳ vọng thị trường khoan trong nước sẽ sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi với nhiều dự án E&P đã và dự kiến được triển khai, bao gồm một số dự án quy mô vừa như Kình Ngư Trắng hay Lạc Đà Vàng, và dự án nhiều tỷ USD Lô B – Ô Môn. Điều này sẽ kích hoạt nhiều chương trình khoan và mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn cho những nhà cung cấp dịch vụ khoan, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa.
Ngoài ra, hoạt động E&P nội địa sẽ sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi với nhiều dự án phát triển mỏ dầu khí dự kiến được triển khai trong thời gian tới… VNDirect nhìn nhận cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng địa chính trị vừa qua đã nêu bật tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn cung năng lượng, qua đó có thể tiếp thêm động lực để các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động E&P tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hầu hết các mỏ hiện hữu tại Việt Nam đều đã đi vào giai đoạn cuối vòng đời khai thác, với sản lượng suy giảm tự nhiên giảm ~15-25% mỗi năm.
Do đó, VNDirect kỳ vọng rằng hoạt động E&P trong nước sẽ sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi, được thúc đẩy bởi môi trường giá dầu cao, tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn cung năng lượng và việc Luật Dầu khí sửa đổi chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2023.
Trong vài tháng qua, VNDirect nhận thấy nhiều dự án phát triển mỏ dầu khí quy mô vừa và nhỏ đã được bật đèn xanh và có những chuyển động đáng kể trong vài tháng qua, đơn cử như dự án Đại Hùng Giai đoạn 3, Kình Ngư Trắng hay Lạc Đà Vàng.
Về phía nhóm trung nguồn (công nghiệp khí, vận chuyển xăng dầu – dầu khí, lọc dầu – hóa dầu), trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhiệt điện khí sẽ đóng vai trò quan trọng, là nguồn điện chạy nền của hệ thống nhờ tính ổn định, liên tục và linh hoạt trong sản xuất điện và ít phát thải hơn so với nhiệt điện than (để sản xuất cùng một đơn vị năng lượng).
VNDirect đánh giá đây có thể là động lực để thúc đẩy các dự án phát triển mỏ khí nhiều tỷ đô vốn bị đình trệ lâu nay như Lô B và Cá Voi Xanh trong những năm tới. Bên cạnh đó, việc giá LNG sụt giảm gần đây có thể tạo điều kiện thuận lợi cho xu hướng chuyển dịch sang LNG tại Việt Nam trong những năm tới nhờ giá LNG tham chiếu tại châu Á đã giảm về vùng hợp lý.
Dựa trên các lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong QHĐ8, VNDirect cho rằng GAS sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi chính với tư cách là nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng (với nhiều dự án lớn như các dự án kho cảng LNG và đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn) cũng như nhà cung cấp LNG.
Vẫn ở nhóm trung nguồn, các doanh nghiệp vận tải dầu khí cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục được tận hưởng môi trường giá cước thuê tàu cao trong thời gian tới, đặc biệt các đơn vị có mức độ tham gia vào thị trường quốc tế cao sẽ hưởng lợi lớn.
VNDirect nhận thấy xu hướng vững chắc của thị trường vận tải với triển vọng khả quan trong năm nay nhờ: Sự dịch chuyển dòng chảy thương mại sang các tuyến hải trình dài hơn sau lệnh cấm nhập khẩu của EU đối với dầu Nga và nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau khi mở cửa trở lại, và tốc độ tăng trưởng đội tàu bị giới hạn do số lượng đơn đặt hàng ở mức thấp trong những năm gần đây, đặc biệt là đối với đội tàu chở nhiên liệu.
Cuối cùng, ở nhóm hạ nguồn, VNDirect đánh giá sau một năm 2022 khó khăn chưa từng có, thị trường xăng dầu trong nước đã trở lại trạng thái bình thường khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động hết công suất và cơ quan quản lý đã điều chỉnh chi phí định mức tính giá xăng dầu cơ sở từ cuối năm 2022, qua đó hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu trong nước.
Nhìn chung, VNDirect nhận thấy triển vọng tươi sáng cho lĩnh vực này nhờ: Thị trường trong nước ổn định trở lại kể từ năm 2023 nhờ NSR vận hành hết công suất; việc điều chỉnh các khoản phụ phí kinh doanh xăng dầu kịp thời và đầy đủ của cơ quan quản lý, giúp hạn chế các chi phí kinh doanh xăng dầu đột biến như đã phát sinh trong năm 2022; và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam (+4,3% mỗi năm trong giai đoạn 2022-30).
Ngược lại, biên lợi nhuận nhóm lọc dầu sẽ giảm mạnh so với mức đỉnh năm 2022. VNDirect đánh giá các nhà máy lọc dầu sẽ phải đối mặt tăng trưởng lợi nhuận âm khi biên lợi nhuận đã giảm xuống mức trước khủng hoảng do suy thoái kinh tế gia tăng, đặc biệt là tại châu Âu, trong bối cảnh nguồn cung dồi dào đến từ: Sự trở lại của Trung Quốc trong việc xuất khẩu sản phẩm lọc dầu, Nga thành công trong việc điều chỉnh dòng chảy sản phẩm từ châu Âu sang Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ, và công suất bổ sung từ các NMLD mới tại Trung Đông.
Theo Cafef