Chuyên gia Hoàng Công Tuấn khuyến nghị nhà đầu tư nên kiên nhẫn “rình mồi” để tìm thời điểm “ra đòn” thích hợp trong tuần sau hoặc tuần sau nữa.
Nỗ lực đảo chiều xu hướng bất thành, VN-Index ghi nhận tuần thứ 2 giảm điểm liên tiếp. Diễn biến này không quá bất ngờ khi mùa báo cáo lợi nhuận quý 1 dự báo có nhiều con số kém tích cực. Đặc biệt, sau giai đoạn hào hứng bùng nổ hai tuần đầu tháng 4 dòng tiền nội đã dần “xịt hơi”, khối ngoại cũng không còn là điểm sáng khi quay xe rút vốn ròng tuần thứ 4 liên tiếp. Vậy xu hướng tiếp theo của VN-Index như thế nào? Cơ hội nào được chắt lọc từ mùa KQKD quý 1?
VN-Index có thể lùi bước về ngưỡng 1.020 – 1.030 điểm
Trong Tâm điểm chứng khoán cuối tuần do Chứng khoán MBS tổ chức mới đây, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS nhận định, nhịp điều chỉnh của thị trường phần lớn do thiếu động lực dẫn dắt từ các nhóm cổ phiếu trụ. Theo đó, nhóm cổ phiếu thép đi xuống, cổ phiếu ngân hàng cũng đạt đỉnh, nhóm cổ phiếu BĐS cũng có dấu hiệu chững lại và lực đỡ của nhóm cổ phiếu chứng khoán thì chưa thực sự đủ mạnh để nâng đỡ cho thị trường.
Dự báo diễn biến thị trường thời gian tới, ông Tuấn cho rằng với việc thanh khoản tụt dốc, dòng tiền khối ngoại đảo chiều, nhịp chỉnh sẽ chưa dừng lại dù biên độ giảm không lớn. Nhiều nhóm cổ phiếu giảm khá nhanh, nhưng chưa thấy dòng tiền bắt đáy. Do đó, VN-Index có thể lùi bước về mức 1.020 -1.030 điểm.
Chuyên gia cho rằng có hai yếu tố nhận diện trend điều chỉnh kết thúc là mức giảm và thời gian giảm.
Thứ nhất , mức giảm đủ sâu khiến các nhóm ngành chiết khấu đáng kể so với đỉnh mới có thể hấp dẫn được dòng tiền mới tham gia.
Thứ hai , chuyên gia MBS cho rằng thời gian giảm của một chu kỳ ngắn hạn thường kéo dài từ 3 tuần – 6 tuần. Tất nhiên vẫn có những đợt giảm nhanh chỉ 1-2 tuần, nhưng phải đi kèm giá chiết khấu nhanh. Những đợt giảm điểm ngắn hạn kéo dài 6 tuần thì cần có thông tin tiêu cực đủ mạnh để tác động đến thị trường.
Với việc VN-Index dao động biên độ hẹp như hiện tại, chuyên gia cho rằng khả năng cao nhịp giảm có thể kéo dài 3-4 tuần.
Do đó, ông Tuấn khuyến nghị nhà đầu tư nên kiên nhẫn “rình mồi” để tìm thời điểm “ra đòn” thích hợp trong tuần sau hoặc tuần sau nữa. Trong bối cảnh dòng tiền khan hiếm như năm nay, nhà đầu tư nên tránh việc mua vào những phiên hưng phấn. Quan điểm xuyên suốt năm nay không nên bi quan, nhưng cũng không nên quá lạc quan.
Vĩ mô Việt Nam đã tạo đáy và tất nhiên thị trường cũng đã tạo đáy dài hạn. Dù vậy, kinh tế vĩ mô tốt lên nhưng lợi nhuận doanh nghiệp không thể cải thiện ngay được mà cần thời gian thẩm thấu. Do đó, con đường thị trường chứng khoán đi lên còn gập ghềnh, song chúng ta còn cách khá xa mức đáy cũ thiết lập năm ngoái. Xu hướng dài hạn của thị trường, cổ phiếu đang tạo nền tảng dài hạn.
Cơ hội cho nhóm cổ phiếu nào?
Bàn về cơ hội của các nhóm cổ phiếu đang được quan tâm trong thời điểm hiện tại, chuyên gia MBS cho rằng trong từng nhóm ngành sẽ có sự phân hoá giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhóm BĐS, chứng khoán, ngân hàng vẫn đem lại những cơ hội tốt nếu mua ở vùng giá hợp lý.
Đối với nhóm BĐS , sau khi hưởng lợi tâm lý, giá cổ phiếu đã có dấu hiệu bắt đầu chững lại và có thể sẽ tiếp tục “quay đầu” vì hoạt động kinh doanh chưa thực sự cải thiện. NĐT nên quan sát những doanh nghiệp vững vàng, có KQKD tốt, công ty minh bạch, cổ phiếu giữ giá tốt nhất. Khi những cổ phiếu này bắt đầu điều chỉnh đáng kể thì đó là đáy.
Đối với nhóm chứng khoán , KQKD kém đã đoán trước, tuy nhiên khó khăn nhất đã được phản ánh vào giá. Do đó, khi nhóm cổ phiếu chứng khoán có mức sụt giảm đáng kể, lực cầu bắt đầu tăng. Trong quý 2, vị chuyên gia cho rằng chưa có căn cứ để cho rằng ngành chứng khoán có thể bật vọt mạnh mà chỉ tạo đáy.
Dù vậy, KQKD quý 2 có thể sẽ tốt hơn quý 1, tăng trưởng có thể đạt mức 10-15% khi margin mở rộng, CTCK giảm áp lực thanh khoản, hoạt động môi giới tốt hơn, trái phiếu cũng cải thiện hơn. Tuy nhiên, NĐT nên vào những nhịp điều chỉnh, tránh đua mua giá xanh.
Đối với nhóm ngân hàng , mùa ĐHCĐ của ngành này cho thấy đa số ngân hàng không bi quan, nhưng hầu như đều thận trọng. BĐS chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng, một số ngân hàng tăng cho vay BĐS lên mức rất cao. Chưa nói đến nợ xấu, tăng trưởng tín dụng ngân hàng rất khó khăn.
Do đó, ông Tuấn cho rằng nhóm ngân hàng năm nay sẽ phân hoá, những ngân hàng có bảng cân đối lành mạnh, tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận 10-15%. Nếu giá tiếp cận book value là cơ hội, song nhà đầu tư cần tránh những ngân hàng cho vay quá nhiều BĐS, trái phiếu doanh nghiệp.
Đối với nhóm bán lẻ , dù được hưởng lợi ngắn hạn bởi chính sách giảm thuế VAT, chính sách này chưa thể ngấm vào doanh thu của nhóm bán lẻ, đặc biệt ngành phân phối hàng điện tử. Do đó, nhóm bán lẻ có thể ra kết quả kinh doanh kém tích cực, NĐT nên cân nhắc chờ đợi xem tình hình kinh doanh quý tới mới nên đưa ra quyết định giải ngân.
Giám đốc Phân tích Vinacapital: “NHNN có thể mua khoảng 25 tỷ USD dự trữ ngoại hối, đây là thời điểm lý tưởng để mua cổ phiếu Việt Nam”
Theo Cafef