Áp lực xả hàng sau thời điểm 14h tiếp tục gia tăng mạnh khiến thị trường lao dốc và mất thêm hơn 15 điểm và tổng cộng đã đánh rơi 70 điểm sau bốn phiên đổ đèo từ đầu tuần.
Sau phiên sáng trụ được trên ngưỡng hỗ trợ 1.090 điểm. Thị trường bước vào phiên chiều đã thêm một lần thủng mốc điểm này ngay khi giao dịch trở lại. Mặc dù vậy, ngưỡng hỗ trợ này thêm một lần phát huy tác dụng, khi chỉ số VN-Index bật lên và thậm chí có thời điểm đã vọt lên 1.100 điểm sau một nhịp nghỉ ngắn.
Tuy nhiên, đà tăng này chủ yếu đến từ lực cầu đỡ giá một số bluechip thu hẹp đà giảm, cũng như nâng đỡ vài mã xanh nhạt, trong khi bảng điện tử vẫn còn rất tiêu cực và lực bán có dấu hiệu luôn chực chờ.
Điều này khiến nhà đầu tư bất an, cộng thêm yếu tố phiên đáo hạn phái sinh và khoảng thời gian gây ám ảnh gần đây là sau “14h” đã điểm khiến sự sợ hãi gia tăng, lệnh bán theo đó ồ ạt được tung vào khiến VN-Index đảo chiều nhanh chóng và thêm một lần thủng ngưỡng 1.090 điểm khi đóng cửa. Điểm đáng chú ý vẫn là phiên ATC, khi có đến hơn 52 triệu đơn vị khớp lệnh, chỉ kém vài triệu đơn vị so với phiên ATC hôm qua.
Như vậy, tổng cộng chỉ bốn phiên giảm gần nhất đã lấy đi hơn 66,8 điểm của thị trường, khiến VN-Index giảm về mức thấp nhất từ đầu tháng 6/2023.
Đóng cửa, sàn HOSE có 141 mã tăng và 364 mã giảm, VN-Index giảm 15,55 điểm (-1,41%), xuống 1.087,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 649,2 triệu đơn vị, giá trị 13.712,6 tỷ đồng, giảm hơn 37% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,4 triệu đơn vị, giá trị 1.019 tỷ đồng.
Nhóm bluechip chỉ còn VJC, BCM, BID, CTG giữ sắc xanh nhạt khi đóng cửa, cùng với đó là PLX, GVR SAB về tham chiếu, còn lại đều giảm. Trong đó, VPB và SSI dẫn đầu mức giảm khi mất hơn 4,6% xuống lần lượt 21.450 đồng và 30.100 đồng.
Hai mã theo sau là MWG -3,8% xuống 43.000 đồng, VNM -3,4% xuống 71.400 đồng. Các cổ phiếu MSN -2,8%, STB -2,4%, nhóm FPT, ACB, HPG, GAS, VIC, BVH, VCB, VHM, TCB mất từ 1,1% đến 1,9%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán giảm sâu, ngoài SSI nêu trên thì các mã FTS, VCI, CTS, AGR đều đã giảm sàn, BSI -6,3% xuống 35.600 đồng, ORS -6,3% xuống 15.000 đồng, VDS -5% xuống 14.250 đồng, VND -5% xuống 19.150 đồng, HCM -3,4% xuống 27.050 đồng, VIX -3% xuống 14.400 đồng.
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán với bộ ba SSI, VND và VIX được tập trung giao dịch rất lớn, với SSI và VIX dẫn đầu thanh khoản trên thị trường khi có 28,8 triệu và 23,7 triệu đơn vị khớp lệnh, VND khớp 23,3 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu khác giảm sâu về giá sàn còn tại các mã xuất khẩu, vận tải, xây dựng, dịch vụ, bán lẻ, bất động sản như VPG, LAF, TNT, YEG, FDC, VNE và VOS.
Giảm mạnh khác cũng xuất hiện nhiều ở các mã cổ phiếu thuộc các nhóm trên, như CMX -6,6% xuống 8.300 đồng, DIG -6,4% xuống 19.050 đồng, LCG -6,3% xuống 10.050 đồng, DAH -6,2% xuống 4.080 đồng, các mã PET, PC1, TV2, OGC, RDP giảm 5-6%. Các cổ phiếu VCG, DGW, PTL, DRH, GIL, ASM, FIR, QBS, STK, ADS, HT1, KHP giảm 4-5%… Trong đó, DIG khớp lệnh đứng thứ ba trên sàn với hơn 23,37 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở chiều ngược lại, một vài cái tên ngược dòng thị trường với TLD là mã duy nhất tăng trần +6,9% lên 5.560 đồng, khớp 1,77 triệu đơn vị, NBB +5,9% lên 20.500 đồng, HAG +3,6% lên 7.980 đồng, khớp 7,54 triệu đơn vị, TDG +3,5% lên 4.140 đồng, EVG +3,2% lên 4.880 đồng, FCN +3,1% lên 13.400 đồng…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã có thời điểm được kéo mạnh và chạm tham chiếu, nhưng sức ép gia tăng sau thời điểm 14h cũng đã khiến chỉ số này lao dốc về gần mức đáy trong phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 65 mã tăng và 114 mã giảm, HNX-Index giảm 3,67 điểm (-1,62%), xuống 223,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76,2 triệu đơn vị, giá trị 1.143,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,8 triệu đơn vị, giá trị 106,8 tỷ đồng.
Sắc đỏ bao trùm nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn, khớp từ 0,7 triệu đơn vị đổ lên. Trong đó, CEO và IDJ may mắn về tham chiếu.
Các cổ phiếu giảm sâu có ITQ giảm sàn về 2.500 đồng, CMS -7,4% xuống 25.000 đồng, HUT -6% xuống 20.500 đồng, TAR -5,6% xuống 11.800 đồng, IDC -4,9% xuống 48.500 đồng, MBS -4,8% xuống 19.800 đồng, DTD -4,7% xuống 24.200 đồng…
Cổ phiếu SHS -4,2% xuống 15.800 đồng, khớp lệnh vượt trội so với phần còn lại với hơn 19,7 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, lực bán chững lại sau phiên sáng lao dốc và UpCoM-Index gần như chỉ đi ngang và đóng cửa cũng ở gần mức thấp nhất phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,94 điểm (-1,1%), xuống 85,00 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,7 triệu đơn vị, giá trị 463,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 14,8 triệu đơn vị, giá trị 177,1 tỷ đồng, trong đó, phần lớn là 12 triệu cổ phiếu KLB, trị giá 157,3 tỷ đồng/
Bảng điện tử cũng tràn ngập sắc đỏ, với đa số giảm 2-4% như SBS, AAS, DDV, KVC, HHG, VTP, QNS, VGT, QTP…còn CEN giảm sâu -8,9% xuống 5.100 đồng, DGT -8,6% xuống 5.300 đồng…
Cổ phiếu BSR vẫn thu hút giao dịch nhất với hơn 7,2 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu giảm 1,94% xuống 20.200 đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2310 đáo hạn hôm nay đã mất 9,9 điểm, tương đương -0,87% xuống 1.125 điểm, khớp hơn 264.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 31.340 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này CVPB2307 khớp lệnh tới hơn 6,53 triệu đơn vị, bỏ xa phần còn lại và giá giảm 4,9% xuống 390 đồng/cq. Theo sau là CHPG2323 với 1,85 triệu đơn vị, giá giảm mạnh 20% xuống 160 đồng/cq.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn