Dù lợi nhuận không quá ấn tượng, song doanh nghiệp này chưa năm nào quên chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm đạt 4,2 triệu tấn. Đây là một trong những mặt hàng hiếm hoi có kim ngạch xuất khẩu tăng trong bối cảnh khó khăn chung.
Giá gạo xuất khẩu trung bình cũng liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Tính riêng tháng 6, giá xuất khẩu bình quân đạt gần 552 USD/tấn, tăng xấp xỉ 9% so với hồi đầu năm. Đây cũng là mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất trong lịch sử.
Cùng xu hướng với giá gạo xuất khẩu, cổ phiếu BLT của CTCP Lương thực Bình Định (Bidifood) cũng âm thầm đi lên từ đầu năm để thiết lập vùng đỉnh lịch sử mới. Dù đối diện áp lực điều chỉnh đan xen, song BLT vẫn đang giao dịch quanh vùng đỉnh với mức tăng xấp xỉ 35% kể từ đầu năm. Dù vậy, thanh khoản của cổ phiếu này khá thấp, chỉ vỏn vẹn vài nghìn đến chục nghìn mã khớp lệnh trong phiên.
Lợi nhuận đi lùi nhưng chia cổ tức đậm
Công ty Cổ phần Lương thực Bình Định tiền thân là Sở Lương thực Nghĩa Bình được thành lập năm 1975. Trải qua nhiều thay đổi, năm 2008 công ty mới chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam- VINAFOOD II nắm giữ 51% vốn điều lệ công ty. Đến tháng 7/2017, cổ phiếu BLT mới được giao dịch trên UPCOM.
Bidifood chuyên về chế biến, xuất khẩu các mặt hàng gạo, đặc biệt là gạo nếp, gạo thơm, các loại nông sản như sắn lát, tinh bột sắn… Sản phẩm của BIDIFOOD đã có mặt tại 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu.
Công ty có 4 chi nhánh tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ với 5 nhà máy xay – lau bóng gạo công nghệ hiện đại, tổng công suất 70 tấn/giờ; 6 cụm kho 50.000 m 2 , năng lực chế biến xuất khẩu hàng năm đạt hơn 120.000 tấn gạo các loại, 100.000 tấn sắn lát và các loại nông sản khác..
Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2015-2021 doanh thu Bidifood tăng trưởng ấn tượng, kỷ lục là năm 2021 khi vượt 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp không tương xứng với doanh thu, hầu hết chỉ đạt trên dưới 10 tỷ đồng và đang có xu hướng “đi lùi” trong những năm gần đây.
Riêng năm 2022, doanh thu đạt 1.168 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế năm 2022 dù tăng 26% song cũng chỉ đạt vỏn vẹn 9,9 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 triệu USD, sản lượng gạo bán ra đạt 108 nghìn tấn, giảm lần lượt 27% và 35% so với cùng kỳ, song đều vượt kế hoạch đề ra.
Theo Bidifood, kết quả kinh doanh sụt giảm trong bối cảnh xuất khẩu lương thực khó khăn, giá gạo nội địa biến động bất thường. Thị trường xuất khẩu chính của công ty là Philippines cũng hạn chế nhập khẩu do có sự điều chỉnh chính sách, giá gạo xuất khẩu có thời điểm giảm mạnh.
Mặt khác, Ấn Độ quyết định cấm và áp thuế cao đối với gạo xuất khẩu khiến giá gạo trong nước tăng cao, tuy nhiên giá xuất khẩu không tăng, sản lượng xuất khẩu giảm, tỷ giá cuối năm giảm sâu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Sang năm 2023, doanh nghiệp nhận diện vẫn còn nhiều khó khăn khi giá gạo nội địa biến động bất thường, tăng cao do vụ Đông Xuân 2023 thu hoạch muộn, giá gạo xuất khẩu không tăng, chi phí hàng hóa ở mức cao.
Vì thế, Bidifood lên kế hoạch kinh doanh 2023 với các chỉ tiêu sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, Bidifood dự kiến mang về 926 tỷ đồng doanh thu và 6,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sản lượng lúa gạo bán ra dự kiến đạt 85 nghìn tấn.
Dù lợi nhuận không thực sự ấn tượng, song BLT chưa năm nào quên chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Tính bình quân từ năm 2017-2022, tỷ lệ cổ tức tiền mặt lên đến 34% mỗi năm, đỉnh điểm là năm 2022 khi tổng tỷ lệ cổ tức lên đến 110% bằng tiền.
Hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá gạo xuất khẩu
Giá xuất khẩu gạo có thể sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng là thông tin tích cực đối với doanh nghiệp ngành gạo, trong đó có Bidifood.
Theo Chứng khoán Nhất Việt (VFS), triển vọng của ngành gạo trong năm 2023 đến từ nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân và nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng lên do thời tiết bất lợi.
Cụ thể, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023 do hạn hán kéo dài. Tồn kho tại Philippines bị bào mòn khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo. USDA dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ 2022-2023.
Tại Ấn Độ, diện tích gieo cấy tại nước này đang suy giảm do hạn hán. Thêm vào đó, Chính phủ cho biết Ấn Độ không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và cắt giảm 20% thuế đối với gạo trắng do nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang cố gắng kiềm chế giá trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm nay để bổ sung kho dự trữ quốc gia. Trong đó, 500.000 tấn sẽ được nhập khẩu sớm nhất có thể.
Theo VFS, yếu tố thúc đẩy triển vọng ngành gạo Việt Nam là chi phí đầu vào dự kiến hạ nhiệt trong năm 2023 do động thái từ Châu Âu và nguồn cung phân bón thế giới gia tăng giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trong báo cáo triển vọng ngành gạo vừa cập nhật, VNDIRECT cho rằng giá xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 do 1) nhu cầu dự trữ lương thực ở nhiều quốc gia tăng, 2) Ấn Độ chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hay bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng trong năm 2023 khi họ vẫn đang nỗ lực kiềm chế đà tăng giá gạo trong nước, 3) Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu, và 4) nhiều vùng trồng lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác có lợi hơn, điều này có thể dẫn đến giảm sản lượng gạo trong năm 2023.
Tuy nhiên, VNDIRECT lưu ý giá gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với gạo Thái Lan trong năm 2023. Theo Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Philippines dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2023 do Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế về năng lực xuất khẩu gạo.
Theo Cafef