Đà tăng phi mã đã giúp cổ phiếu này trở thành cổ phiếu thị giá cao thứ 2 toàn sàn, chỉ xếp sau hiện tượng VNZ.
Cổ phiếu tăng tốc, cổ đông lãi gấp 28 lần sau 2 tháng
Thị trường chung hồi phục, hàng loạt cổ phiếu bứt phá hàng chục phần trăm từ đáy không phải điều mới mẻ. Màn tăng siêu tốc 37 lần trong hai tháng của XDC mới là điều khiến giới đầu tư bất ngờ.
Sau thời gian “tắt thanh khoản”, XDC bỗng chốc nổi lên như một hiện tượng với hàng chục phiên tăng kịch trần. Với biên độ dao động rộng tại UPCOM, XDC “lớn nhanh như thổi” từ 13.700 đồng (phiên 21/4) lên 504.500 đồng (phiên 22/6).
Sau 26 phiên tăng kịch trần, thị giá XDC đã tăng gần 37 lần chỉ sau 2 tháng. Tuy nhiên, đà tăng của XDC không đi kèm với thanh khoản cải thiện, phiên tăng hết biên độ cũng chỉ có vỏn vẹn vài trăm mã khớp lệnh, cao nhất là vài nghìn.
Nhịp tăng phi mã đã giúp XDC trở thành cổ phiếu thị giá cao thứ 2 toàn sàn, chỉ xếp sau hiện tượng VNZ. XDC cũng trở thành “quán quân” tăng mạnh nhất sàn chứng khoán kể từ đầu năm. Với biên độ dao động trên UPCoM là 15%/phiên, nếu tiếp tục tăng hết biên độ trong 2 phiên tới, XDC có khả năng trở thành cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán.
Đáng chú ý, XDC bắt đầu tăng tốc sau thông tin giao dịch của cổ đông lớn Đỗ Phú Đạt. Cụ thể, ông Đạt thực hiện mua 500 cổ phiếu XDC để nâng sở hữu từ 0% lên 6,1%, qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn từ ngày 25/4/2023. Với thị giá XDC khi đó là 18.000 đồng/cp, ông Đỗ Phú Đạt chi ra khoảng 9 triệu đồng cho 500 cổ phiếu XDC.
Tuy nhiên, ngày 12/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố văn bản đính chính thông tin trên. Theo đó, số lượng cổ phiếu ông Phú nắm giữ trước giao dịch là 500 cổ phiếu, tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch chưa xác định được do Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Công trình Tân Cảng chưa chuyển đổi thành loại hình công ty cổ phần.
Với việc nắm giữ 500 cổ phiếu XDC, tạm tính theo giá hiện tại, giá trị tài sản của ông Đạt có thể đã tăng lên 252 triệu đồng, gấp 28 lần so với giá trị đầu tư ban đầu.
Doanh thu và lợi nhuận có phần “đi lùi”
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng tiền thân là đơn vị Công binh Hải quân. Để đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ Quốc phòng – Kinh tế, năm 1996 theo đề nghị của Bộ tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Công ty Xây lắp Hải công, sát nhập lực lượng từ Trung đoàn Công binh 83 và Trung đoàn công binh 131 thuộc Quân chủng Hải quân.
Qua nhiều lần sáp nhập, năm 2007, Công ty chính thức được thành lập, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nắm 100% vốn.
Cổ phiếu XDC bắt đầu giao dịch trên sàn UpCOM từ ngày 1/12/2022 với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là 8.200 cổ phiếu. Vốn điều lệ của công ty là 90 tỷ đồng, tương ứng với 9 triệu cổ phần. Giống như nhiều doanh nghiệp chưa hoàn tất cổ phần hóa trước đây, tỷ lệ sở hữu sẽ được tính trên lượng cổ phiếu đang lưu hành được đăng ký với VSD.
Trước khi cổ phần hóa, XDC là doanh nghiệp do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sở hữu 100% vốn điều lệ. Để thực hiện cổ phần hóa, ngày 21/10/2022, gần 3,28 triệu cổ phiếu của Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng đã được chào bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng với giá khởi điểm 15.322 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị huy động dự kiến hơn 50 tỷ đồng.
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng, sửa chữa công trình; nạo vét cảng sống, cảng biển và cho thuê máy móc, thiết bị cẩu bờ. Địa bàn hoạt động kinh doanh tại các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Vũng Tàu, TP.HCM.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2017-2022, doanh thu và lợi nhuận của XDC đang có phần “đi lùi”. Theo báo cáo kiểm toán năm 2022 mới công bố, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 279 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước. Trong đó, hoạt động xây lắp mang về 273 tỷ đồng, còn lại gần 6 tỷ đồng đến từ hoạt động hợp tác kinh doanh cầu. Khấu trừ chi phí, XDC báo lãi sau thuế giảm 19% xuống còn 7,6 tỷ đồng.
Theo XDC, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chỉ mới khởi sắc lại từ quý 2/2022. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị tại một số khu vực và lạm phát trên toàn thế giới đẩy giá nguyên vật liệu liệu lên cao khiến nhu cầu đầu tư xây dựng trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc khai thác doanh thu từ đấu thầu cạnh tranh khó khăn khi các dự án thi công khan hiếm.
Theo Cafef