Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Ba (24/10), khi những dự báo từ Verizon, Coca-Cola và những công ty khác đã thúc đẩy sự lạc quan về sức khỏe của doanh nghiệp Mỹ khi đối mặt với nền kinh tế chậm lại và lạm phát cao hơn.
Hàng loạt các tên tuổi đều có những báo cáo tích cực và giúp cổ phiếu tăng mạnh, với Verizon tăng 9,2% sau khi nhà mạng không dây này nâng dự báo dòng tiền tự do trong năm, General Electric tăng 6,5% sau khi nhà sản xuất động cơ máy bay nâng dự báo lợi nhuận cả năm.
Cổ phiếu Coca-Cola tăng 2,9% nhờ nâng triển vọng bán hàng trong năm nay, trong khi nhà sản xuất hàng công nghiệp 3M tăng 5,3% khi điều chỉnh nâng dự báo lợi nhuận cả năm.
Cổ phiếu hãng hàng không vũ trụ lớn RTX tăng 7,2% sau khi báo cáo lợi nhuận quý vừa tốt hơn dự kiến.
Phiên này, cổ phiếu các công ty tăng trưởng, vốn nhạy cảm với lãi suất là những nhân tố chính thúc đẩy thị trường, khi lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giữ ổn định, sau khi nhảy múa và có thời điểm vọt hơn 5% trong những ngày gần đây.
Một cuộc khảo sát của S&P Global cho thấy, lĩnh vực sản xuất tăng trưởng trở lại trong tháng 10, sau khi thu hẹp trong năm tháng liên tiếp trước đó, trong khi hoạt động dịch vụ cũng tăng tốc, dù còn khiêm tốn nhờ có các dấu hiệu áp lực lạm phát giảm bớt.
Hiện giới đầu tư sẽ tập trung vào những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, dự kiến sẽ công bố mức tăng trưởng doanh thu hàng quý mạnh nhất trong ít nhất một năm trong báo cáo kinh doanh, khi các hoạt động kinh doanh đã ổn định, với Microsoft và Google dự kiến báo cáo kết quả sau khi thị trường đóng cửa vào thứ Ba.
Trong số 118 công ty thuộc S&P 500 đã đã báo cáo lợi nhuận quý cho đến nay, thì 81,4% đã vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, dữ liệu của LSEG cho thấy.
Kết thúc phiên 24/10: Chỉ số Dow Jones tăng 204,97 điểm (+0,62%), lên 33.141,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,64 điểm (+0,73%), lên 4.247,68 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 121,55 điểm (+0,93%), lên 13.139,88 điểm.
Chứng khoán châu Âu đảo chiều tăng, khi lợi nhuận mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong khu vực và Mỹ lấn át lo ngại về dữ liệu kinh tế Eurozone, trong khi cổ phiếu ngân hàng hoạt động kém hiệu quả.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,44% lên 435,09 điểm.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc hơn khi tình trạng bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ giảm bớt, trong khi dự báo lạc quan về lợi nhuận quý III đã thúc đẩy sự lạc quan về sức khỏe của các công ty Mỹ khi đối mặt với nền kinh tế chậm lại và lạm phát cao.
Dù vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại là lực cản, giảm 1%, ảnh hưởng bởi cổ phiếu Barclays giảm 6,5% sau khi ngân hàng cho vay của Anh ám chỉ về việc cắt giảm chi phí vào cuối năm nay và cảnh báo đà tăng của lãi suất tiết kiệm đang ăn mòn lợi nhuận của họ.
Thêm vào những lo ngại về ngành ngân hàng, nhóm cổ phiếu ngân hàng Tây Ban Nha đã lao dốc, do sự không chắc chắn về lợi nhuận sau những lời kêu gọi tăng thuế theo thỏa thuận của chính phủ liên minh giữa đảng cánh tả Sumar và Đảng Xã hội.
Trong khi đó, dữ liệu cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của khu vực đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất gần ba năm vào tháng 10, trong khi hoạt động kinh doanh ở Đức giảm tháng thứ tư liên tiếp, làm dấy lên lo ngại về suy thoái khu vực.
“Chúng tôi đang thấy tác động của việc tăng chi phí đi vay khiến hoạt động kinh doanh ở Đức đã thu hẹp trở lại, vì vậy, một dự báo rằng một cuộc suy thoái đang diễn ra với khu vực sử dụng đồng euro”, Danni Hewson, người đứng đầu bộ phận phân tích tài chính tại AJ Bell cho biết.
Kết thúc phiên 24/10: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 14,87 điểm (+0,20%), lên 7.389,70 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 79,22 điểm (+0,54%), lên 14.879,94 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 43,18 điểm (+0,63%), lên 6.893,65 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ, khi các nhà đầu tư mua bắt đáy các cổ phiếu đã giảm sâu trong những phiên gần đây.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,2% lên 31.062,35 điểm. Chỉ số Topix rộng hơn nhích 0,09% lên 2.240,73
Chỉ số Nikkei 225 tăng hơn 0,5% nhưng đảo chiều khi cổ phiếu của Nidec suy yếu.
Thị trường cũng vẫn lo ngại rằng cuộc chiến Israel-Hamas có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực xuất khẩu dầu.
Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu lớn Fast Retailing tăng 1,74% để trở thành cổ phiếu hỗ trợ tốt nhất cho Nikkei 225. Theo sau là SoftBank Group tăng 1,68%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, khi quỹ nhà nước Central Huijin ra tay mua các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) để củng cố thị trường.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,78% lên 2.962,24 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,37% lên 3.487,13 điểm.
Central Huijin, công ty thực hiện đầu tư cổ phiếu thay mặt cho chính quyền trung ương Trung Quốc, cho biết họ đã mua vào một số các ETF vào thứ Hai và “sẽ tiếp tục tăng nắm giữ trong tương lai”, sau khi chỉ số CSI blue-chip chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2019.
Tuy nhiên, áp lực từ dòng vốn ngoại chảy ra vẫn ám ảnh thị trường, khi các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5 tỷ nhân dân tệ (684,3 triệu USD) cổ phiếu Trung Quốc.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, dẫn đầu là các cổ phiếu công nghệ, do lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế tại Đại lục và đồng nhân dân tệ mất giá.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,05% xuống 16.991,53 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,23% xuống 5.799,38 điểm.
Chỉ số công nghệ, vốn có trọng số lớn đã mất hơn 1%, với Alibaba giảm 1,7%, Tencent mất 2,1% và JD.com mất 2,9%.
Các cổ phiếu lớn khác như HSBC giảm 2%, Anta Sports Products giảm 1,7% và Li Ning giảm 1,8%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi các nhà đầu tư mua bắt đáy sau ba phiên giảm liên tiếp.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 26,49 điểm, tương đương 1,12%, lên 2.383,51 điểm.
Tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc có thể suy yếu trong quý III, do lãi suất cao đè nặng lên chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu phục hồi với tốc độ chậm, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy.
“Thị trường hồi phục nhờ nhận thức rằng nó đã gần chạm đáy, với các cổ phiếu bị bán quá mức đã tăng mạnh”, Cho Jun-kee, nhà phân tích tại SK Securities, cho biết.
Cổ phiếu tăng trưởng, vốn được coi là nhạy cảm hơn với lợi suất trái phiếu cao, đã tăng vọt.
Điển hình như Samsung Biologics và Celltrion tăng lần lượt 5,43% và 6,76%, trong khi công cụ tìm kiếm Naver và Kakao tăng hơn 4% mỗi cổ phiếu.
Kết thúc phiên 24/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 62,80 điểm (+0,20%), lên 31.062,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 22,95 điểm (+0,78%), lên 2.962,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 180,60 điểm (-1,05%), xuống 16.991,53 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 26,49 điểm (+1,12%), lên 2.383,51 điểm.
Giá dầu thô tiếp tục giảm sau một loạt dữ liệu kinh tế chậm từ Đức, khu vực đồng euro và Anh ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên 24/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,91 USD/thùng (-2,2%), xuống 83,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,76 USD/thùng (-1,96%), xuống 88,07 USD/thùng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn