Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch bùng nổ chiều 13/3 dù trước đó còn có một số ái ngại về động thái hút tiền của Ngân hàng Nhà nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường.
Thông tin đáng chú ý trên thị trường tài chính trong nước tuần này là động thái hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước trong 3 phiên liên tiếp đầu tuần qua kênh tín phiếu với tổng 45.000 tỷ đồng.
Động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước là một công cụ trong chính sách tiền tệ, là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Mục đích của việc phát hành tín phiếu là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 (liên ngân hàng) để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.
Động thái này đã tạo ra một chút ái ngại cho thị trường, bởi nếu diễn ra liên tục trong thời gian dài sẽ có tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán như đã từng diễn ra trong tháng 11/2023.
Tuy nhiên, dường như đa số nhà đầu tư không lo ngại về động thái này, nhất là giá trị hút về hiện vẫn là con số nhỏ và vẫn chưa ảnh hưởng tới xu hướng giảm lãi suất trên thị trường. Điều này được minh chứng qua diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán trong phiên hôm nay (13/3) khi thị trường tăng điểm ngay khi mở cửa phiên và nới dần đà tăng sau đó, đóng cửa phiên sáng ở mức 1.2580 điểm, thanh khoản tăng so với phiên trước.
Bước vào phiên chiều, lực cầu thậm chí còn mạnh hơn, kéo VN-Index bay cao, có phiên tăng mạnh nhất hơn 4 tháng, đóng cửa cán mốc 1.270 điểm, mức cao nhất ngày. Giao dịch sôi động với sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử, gấp gần 7 lần sắc đỏ, trong đó có hàng chục mã tăng kịch trần, đặc biệt là ở nhóm công ty chứng khoán.
Chốt phiên, VN-Index tăng 25,51 điểm (+2,05%), lên 1.270,51 điểm với 433 mã tăng (17 mã trần), trong khi chỉ có 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 982,2 triệu đơn vị, giá trị 26.292,4 tỷ đồng, tăng 17% về khối lượng và 26,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 91,9 triệu đơn vị, giá trị 2.709,6 tỷ đồng.
Tất cả các nhóm ngành đều giao dịch tích cực trong phiên hôm nay, đặc biệt là nhóm công ty chứng khoán với 4 sắc tím tại VIX, VDS, ORS và VCI, trong khi mã tăng thấp nhất là FTS cũng tăng hơn 2,1%. Không chỉ khởi sắc về giá, nhóm công ty chứng khoán còn dẫn đầu về thanh khoản khi 3 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE đều là nhóm này. Trong đó, VIX là mã có thanh khoản tốt nhất với 37,29 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (20.100 đồng). Tiếp đến là SSI với 35,79 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,55% lên 37.950 đồng; VND khớp 35,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,2% lên 23.550 đồng. Ngoài ra, VCI khớp 13,48 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 51.600 đồng và còn dư mua giá trần gần 0,8 triệu đơn vị; ORS khớp 11,55 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (17.900 đồng) hơn 112.000 đơn vị.
Nhóm ngân hàng hôm nay chỉ có EIB ngậm ngùi ở tham chiếu, còn lại đều tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là VIB tăng 3,52% lên 22.050 đồng, tiếp đến là ACB tăng 3,36% lên 27.650 đồng, MBB tăng 3,25% lên 23.850 đồng; có 8 mã tăng trên dưới 2%, còn anh cả VCB cũng tăng 1,69% lên 96.000 đồng. Về thanh khoản, STB là mã có lượng khớp lớn nhất 16,47 triệu đơn vị, đóng cửa tăng gần 2% lên 30.850 đồng. Tiếp sau là 3 mã EIB, MBB và SHB với tổng khớp trên dưới 15 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản, xây dựng cũng chỉ có 6 sắc đỏ, trong khi có 2 sắc tím là CTD và VRC lên lần lượt 75.700 đồng và 12.000 đồng. Trong khi đó, NVL là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 19,86 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,48% lên 16.550 đồng. DIG khớp 14,82 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,47% lên 27.000 đồng.
Trong nhóm thép, cũng chỉ có DTL đứng tham chiếu, còn lại đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là HSG tăng 3,43% lên 22.600 đồng; tiếp đến là NKG tăng 2,98% lên 24.200 đồng, TLH tăng 2,3% lên 8.400 đồng. Mã đầu ngành HPG tăng 1,99% lên 30.800 đồng, khớp lớn nhất nhóm và thứ tư trên sàn với 29,37 triệu đơn vị.
Trong nhóm VN30, chỉ có duy nhất VJC giảm nhẹ, còn lại đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là FPT tăng 4,56% lên 117.000 đồng. Ngoài các mã công ty chứng khoán, ngân hàng, các mã tăng mạnh khác có thể kể đến MWG tăng 3,85% lên 48.550 đồng, bất chấp về khả năng bị Quỹ VFMVN VNDiamond ETF có thể bán ra 55,38 triệu cổ trong đợt review quý I/2024 sắp tới đây.
Bên cạnh đó, MSN cũng tăng 2,8% lên 80.900 đồng, khớp hơn 7 triệu đơn vị; VRE tăng 2,78% lên 25.900 đồng, khớp hơn 8 triệu đơn vị…
Nhóm các mã ngân hàng lớn (VCB, BID, CTG, MBB, ACB, VPB), cùng với FPT và HPG đã đóng góp có VN-Index hơn 9 điểm hôm nay.
Trên sàn HNX, sau khi có cú hụt chân ngay khi mở cửa phiên chiều, HNX-Index cũng đã nhanh chóng đứng dậy chạy theo VN-Index để đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 4,17 điểm (+1,78%), lên 238,2 điểm với 136 mã tăng và 40 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 109,9 triệu đơn vị, giá trị 2.264,2 tỷ đồng, tăng 31,8% về khối lượng và 30,9% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,5 triệu đơn vị, giá trị 68 tỷ đồng.
Top 10 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX hôm nay đều tăng giá, trong đó có 1 mã tăng kịch trần là TTH ở mức 5.100 đồng và còn dư mua trần, khối lượng khớp 2,4 triệu đơn vị. Trong khi đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất và vượt trội so với phần còn lại trên sàn HNX với tổng khớp 32,52 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,52% lên 18.500 đồng. Tiếp đến là CEO khớp 9,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,88% lên 21.700 đồng; MBS khớp 6,71 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,38% lên 29.400 đồng…
Thị trường UPCoM cũng có diễn biến tích cực như 2 sàn niêm yết khi bứt tốc tăng mạnh trong phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+0,84%), lên 91,53 điểm với 219 mã tăng và chỉ có 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,6 triệu đơn vị, giá trị 651,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,6 triệu đơn vị, giá trị 105,9 tỷ đồng.
Trong 7 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị hôm nay của UPCoM, có duy nhất VGI đóng cửa giảm giá 1,76% xuống 39.100 đồng, còn lại đều tăng, trong đó có KVC và HHG đóng cửa ở mức trần 2.400 đồng và 2.300 đồng. BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 5,97 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,05% lên 19.300 đồng, tiếp đến là SBS khớp 3,47 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,19% lên 8.100 đồng.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 5,49 triệu đơn vị được giao dịch, tổng giá trị 3.189,9 tỷ đồng. Trong đó, mã có khối lượng giao dịch lớn nhất là RHG12101 của Tập đoàn R&H với hơn 1,03 triệu đơn vị, giá trị 105,63 tỷ đồng. Tiếp đến là HQN12102 của Hưng Thịnh Quy Nhơn với hơn 0,7 triệu đơn vị, giá trị 69,91 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng như thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 3 tăng 31,5 điểm (+2,54%), lên 1.271,3 điểm với 245.044 hợp đồng được giao dịch, tổng giá trị 30.724,1 tỷ đồng; khối lượng mở 43.365 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền hôm nay cũng có giao dịch tích cực khi có 16 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng giá. Trong đó, có 3 mã có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị đều là chứng quyền có các mã ngân hàng. Cụ thể, CSTB2322 do SSI phát hành tăng 10,71% lên 620 đồng, thanh khoản 3,74 triệu đơn vị; CACB2305 do SSI phát hành tăng 10% lên 990 đồng, thanh khoản 3,19 triệu đơn vị; CSTB2338 do VPBankS phát hành tăng 6,35% lên 1.340 đồng, thanh khoản 3,03 triệu đơn vị.’
Theo tinnhanhchungkhoan.vn