Sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp, áp lực chốt lời ngắn hạn đã diễn ra ở nhiều cổ phiếu, nhưng lực cầu vẫn duy trì khá tốt, giúp thị trường chỉ chịu chút rung lắc nhẹ đầu phiên.
Phiên giao dịch chứng khoán sáng 6/9: Nhóm chứng khoán khởi sắc, cổ phiếu DXG gây chú ý
Sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp, áp lực chốt lời ngắn hạn đã diễn ra ở nhiều cổ phiếu, nhưng lực cầu vẫn duy trì khá tốt, giúp thị trường chỉ chịu chút rung lắc nhẹ đầu phiên.
Sau phiên phân phối 18/8, thị trường đã dần lấy lại nhịp tăng với 8 phiên tăng trong 10 phiên giao dịch gần nhất, tính tới phiên hôm qua (5/9), qua đó đưa VN-Index trở lại với mức điểm trước phiên hoảng loạn 18/8.
Điểm đáng chú ý là dòng tiền hoạt động vẫn tích cực khi thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Đây chính là động lực và bệ đỡ giúp nhà đầu tư không bị hoảng loạn sau phiên 18/8.
Trở lại với thị trường phiên sáng nay, sau 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 2 phiên gần nhất đều tăng hơn 10 điểm, áp lực chốt lời ở một số mã đã diễn ra sáng nay, khiến thị trường rung lắc trong những phút đầu phiên. Tuy nhiên, lực cầu vẫn duy trì tốt và lệnh bán không diễn ra trên diện rộng, sắc đỏ cũng không chiếm thế áp đảo, mà thị trường có sự phân hóa rất rõ nét khi số mã tăng, giảm khá cân bằng nhau, qua đó giúp VN-Index cũng nhanh chóng tìm lại được thế cân bằng để duy trì đà tăng, hướng tới mức đỉnh cũ của năm ở vùng 1.245 điểm, xác lập phiên 8/8.
Trong các nhóm cổ phiếu, bất động sản vẫn là tâm điểm của dòng tiền và sự chú ý trong giai đoạn hiện nay. Trong sáng nay, cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh đang là trung tâm của sự chú ý sau thông tin ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đăng ký bán ra 20 triệu cổ phiếu từ 11/9 đến 10/10 để lấy tiền cho Công ty vay. Nghị quyết HĐQT của Đất Xanh đã thông qua chủ trương ông Lương Trí Thìn hỗ trợ cho Công ty vay vốn với số tiền tối đa 300 tỷ đồng với thời hạn tối đa 6 tháng, lãi suất 6%/năm. Với mức giá hiện khoảng 22.000 đồng/CP, dự kiến ông Thìn sẽ thu về khoảng 440 tỷ đồng nếu bán hết lượng cổ phiếu đăng ký bán.
Thông tin này đã ảnh hưởng tới tâm lý những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu DXG. Ngay khi mở cửa phiên sáng nay, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ bán ra, khiến DXG quay đầu giảm mạnh gần 5%, xuống 21.050 đồng. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư, đây không phải là thông tin xấu, trong bối cảnh các công ty bất động sản khó vay vốn ngân hàng như hiện nay, thì việc có được nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất thấp hơn lãi vay ngân hàng, lại là thông tin tích cực với Công ty. Ngoài ra, lượng bán ra 20 triệu cổ phiếu so với thanh khoản của DXG không có gì to tát, nên đã nhanh chóng xuống tiền gom hết lượng bán giá thấp, kéo DXG trở lại trên tham chiếu.
Mặc dù vậy, với mức tăng hơn 16% trong 2 tuần cuối tháng 8, nhiều nhà đầu tư xem đây là cái cớ tốt để chốt lời, nên lực cung vẫn duy trì mức khá cao, khiến đà tăng của DXG không duy trì được lâu. Chốt phiên, DXG giảm 2,3% xuống 21.600 đồng, tuy nhiên thanh khoản lại rất tốt với gần 30,3 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất sàn HOSE.
Ngoài DXG, áp lực chốt lời cũng diễn ra tại NVL trong ít phút đầu phiên khi cổ phiếu này cũng có mức tăng tương tự DXG trong 2 tuần cuối tháng 8. Tuy nhiên, lực cầu vẫn duy trì ở mức cao, nên NVL không bị đẩy xuống quá sâu và sau đó cũng được kéo trở lại lên trên tham chiếu, nhưng cũng không thể bứt đi do áp lực chốt lời khá lớn. Chốt phiên, NVL cũng quay về dưới tham chiếu, nhưng mức giảm chỉ khiêm tốn 0,9%, xuống 21.200 đồng, khớp 17,19 triệu đơn vị, đứng vị trí thứ 4 về thanh khoản trên HOSE.
Các mã có liên quan tới bất động sản khác có giao dịch sôi động sáng nay là DIG, HQC, TCH, DLG, trong đó chỉ có HQC là đóng cửa với sắc xanh, TCH đứng tham chiếu, còn lại là giảm, nhưng mức giảm không lớn. DIG giảm 0,7% xuống 28.750 đồng, thanh khoản 12,93 triệu đơn vị, đứng sau NVL.
Không chỉ nhóm bất động sản, sự phân hóa cũng diễn ra ở nhiều nhóm ngành khác và cả thị trường nói chung, ngoại trừ nhóm công ty chứng khoán.
Với thanh khoản thị trường ở mức cao và thị trường được dự báo sẽ có diễn biến tích cực trong 2 quý cuối năm, nhóm chứng khoán chính là nhóm được hưởng lợi lớn, nên đồng loạt tăng mạnh, trong đó thỉnh thoảng xuất hiện sắc tím. Các mã bluechip trong nhóm như SSI, VND, HCM, VCI có lúc đều tăng trên 2%. Tuy nhiên, áp lực bán diễn ra mạnh cuối phiên đã khiến đà tăng của nhóm này hạ nhiệt.
Lực bán cuối phiên không chỉ khiến nhóm chứng khoán hạ nhiệt, mà nhiều mã khác cũng hạ nhiệt hoặc quay đầu giảm giá, sắc xanh từ chỗ chiếm ưu thế trên bảng điện tử, đóng cửa phiên sắc đỏ đã chiếm thế áp đảo, khiến VN-Index cũng quay đầu giảm điểm.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 3,02 điểm (-0,24%), xuống 1.231,96 điểm với 165 mã tăng, trong khi có 292 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 541,4 triệu đơn vị, giá trị 12.064,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23 triệu đơn vị, giá trị 718,3 tỷ đồng.
Diễn biến trên sàn HNX cũng khá tương đồng với đồ thị của VN-Index, nhưng HNX-Index tiến cao hơn nên khi quay đầu cũng dừng lại được trên tham chiếu khi chốt phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,88 điểm (+0,35%), lên 253,16 điểm với 67 mã tăng và 82 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 72,9 triệu đơn vị, giá trị 1.395,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11 triệu đơn vị, giá trị 223,7 tỷ đồng.
Nhóm chứng khoán trên HNX cũng có giao dịch tích cực hơn nhiều so với các nhóm còn lại. Trong đó, SHS đứng đầu về thanh khoản với 12,78 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,2% lên 18.800 đồng. MBS tăng 2% lên 20.800 đồng, khớp 2,81 triệu đơn vị; APS tăng 2,1% lên 9.700 đồng, khớp 3,21 triệu đơn vị; VIG tăng 2,3% lên 8.800 đồng, khớp 1,35 triệu đơn vị…
Trong khi đó, các mã đơn lẻ khác có mặt trong nhóm thanh khoản chỉ có HUT tăng 4,6% lên 27.500 đồng, khớp 5,93 triệu đơn vị, còn lại đều giảm, nhưng mức giảm nhẹ. Trong đó, CEO giảm 0,7% xuống 27.000 đồng, khớp 4,78 triệu đơn vị; PVS giảm 0,5% xuống 36.300 đồng, khớp 3,14 triệu đơn vị; IDJ giảm 2,5% xuống 7.800 đồng, khớp 1,7 triệu đơn vị.
Thị trường UPCoM lại có biến động khá mạnh sáng nay trước khi đóng cửa gần như không đổi.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,04%), lên 94,32 điểm với 137 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,3 triệu đơn vị, giá trị 734,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 20,7 tỷ đồng.
Khác với 2 sàn niêm yết, các mã có thanh khoản tốt nhất trên UPCoM, ngoại trừ C4G đứng tham chiếu, còn lại đều tăng khá tốt. Trong đó, BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 8,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,5% lên 20.300 đồng; ABW tiếp nối các đồng nghiệp công ty chứng khoán trên 2 sàn niêm yết có mức tăng mạnh 8,9% lên 15.900 đồng và thanh khoản 5,66 triệu đơn vị, đứng sau BSR và là mức cao nhất kể từ khi lên sàn. Tiếp theo vẫn là 2 mã chứng khoán AAS tăng 7%, lên 12.300 đồng, khớp 5,43 triệu đơn vị; SBS tăng 3,3% lên 9.400 đồng, khớp 4,41 triệu đơn vị.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn