VN-Index nhích lên trên 1.100 điểm; Nhận diện bức tranh cung – cầu tín dụng; Nhận diện và ngăn tuồn vốn vào sân sau; Gánh nặng trái phiếu địa ốc vơi dần; Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu năm 2024 do Mỹ tiếp tục tăng nguồn cung…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 20/12 tăng 500.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 74,60 – 75,62 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 13 USD lên 2.040,24 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,24 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.914 đồng/USD, tăng 31 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.170 – 24.510 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 42.300 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng và lên trên 42.800 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,55 USD (+0,74%), lên 74,49 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,54 USD (+0,68%), lên 79,77 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục nhích nhẹ
Thị trường tiếp diễn trạng thái “ru ngủ” từ sớm khi VN-Index gần như chỉ dao động nhẹ quanh tham chiếu với thanh khoản và kéo dài cho đến gần cuối phiên, trước khi có nhịp tăng khá tích cực lên 1.100 điểm sau thời điểm 14h.
Thị trường có phiên tăng nhẹ thứ 2 liên tiếp và có phần khả quan hơn phiên trước khi số mã tăng chiếm áp đảo bảng điện tử, cho thấy lực cầu chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, trạng thái dòng tiền khá yếu khiến nhà đầu tư không dám đặt quá nhiều kỳ vọng vào xu hướng tích cực. Phiên hôm nay, khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt chưa tới 600 triệu đơn vị, là mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng xấp xỉ 19 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 431,06 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 20/12: VN-Index tăng 4,46 điểm (+0,41%), lên 1.100,76 điểm; HNX-Index tăng 0,89 điểm (+0,39%), lên 228,16 điểm; UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,46%), lên 85,48 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ nới đà tăng vào thứ Ba (19/12), khi các nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào sự xoay trục chính sách của Fed vào năm tới.
Bất chấp những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm kiềm chế xu hướng quá sự lạc quan kể từ cuộc họp, các nhà giao dịch đã định giá khoảng 66% khả năng Fed cắt giảm lãi suất 0,25% vào tháng 3, theo công cụ FedWatch.
Kết thúc phiên 19/12: Chỉ số Dow Jones tăng 251,90 điểm (+0,68%), lên 37.557,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 27,81 điểm (+0,59%), lên 4.768,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 98,03 điểm (+0,66%), lên 15.003,22 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong hơn năm tháng, khi sự thận trọng về lập trường chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) mờ nhạt dần, sau khi BOJ không đưa ra gợi ý về thời điểm xóa bỏ khỏi chính sách lãi suất âm.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,37% lên 33.675,94 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 3/7. Chỉ số Topix tăng 0,67% lên 2.349,38 điểm
“Suy đoán về sự thay đổi chính sách của BOJ đã đè nặng lên thị trường Nhật Bản và chứng khoán trong nước hoạt động kém hiệu quả hơn các chỉ số cùng ngành của Mỹ. Bây giờ sự thận trọng này đã giảm dần”, Shuutarou Yasuda, nhà phân tích thị trường tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết.
Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing tăng 3,92% để tạo ra sự thúc đẩy lớn nhất cho Nikkei 225. Theo sau là cổ phiếu nhà sản xuất tấm silicon Shin-Etsu Chemical tăng 4,08% và nhà sản xuất điều hòa không khí Daikin Industries tăng 3,1%.
Cổ phiếu Toppan Holdings tăng 8,45% để trở thành cổ phiếu tăng cao nhất trên Nikkei 225, sau khi Daiwa Securities nâng xếp hạng lên mức “Outperform”.
Chứng khoán Trung Quốc chạm mức thấp nhất gần 4 năm, khi các nhà đầu tư đang dần mất hy vọng vào những gói kích thích mới và không sẵn sàng mua bắt đáy.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,03% xuống 2.902,11 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,1% xuống 3.297,50 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2019.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) hôm nay đã giữ nguyên lãi suất cơ bản kỳ hạn một năm (LPR) ở mức 3,45%, trong khi LPR kỳ hạn 5 năm, được sử dụng để xác định lãi suất thế chấp, cũng giữ nguyên ở mức 4,2%.
Tâm lý thị trường vẫn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương tuần trước không đưa ra các biện pháp kích thích lớn để thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế đang chững lại, cũng như hỗ trợ ngành bất động sản.
Một cuộc khảo sát của các nhà quản lý quỹ BofA châu Á được công bố hôm thứ Tư cho thấy, hơn 60% nhà đầu tư thà đứng ngoài thị trường hoặc tìm kiếm cơ hội ở nơi khác hơn là tham gia với chứng khoán Trung Quốc.
“Sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro ở Trung Quốc thấp một cách đáng kinh ngạc”, cuộc khảo sát cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ ảnh hưởng tích cực của phiên đêm qua trên Phố Wall và nhóm cổ phiếu công nghệ đi lên.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,66% lên 16.613,81 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,36% lên 5.612,65 điểm.
Chỉ số ngành công nghệ tăng 0,5%, với Alibaba tăng 2,7% sau khi thông báo, CEO Eddie Wu sẽ tiếp quản hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chủ chốt của công ty từ Trudy Dai, người nhiều năm phụ trách mảng này.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ năm liên tiếp và leo lên mức cao nhất trong hơn ba tháng, khi kỳ vọng gia tăng về việc Fed sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 45,75 điểm, tương đương 1,78% lên 2.614,30 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 15/9.
Kết thúc phiên 20/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 456,55 điểm (+1,37%), lên 33.675,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 30,28 điểm (-1,03%), xuống 2.902,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 108,81 điểm (+0,66%), lên 16.613,81 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 45,75 điểm (+1,78%), lên 2.614,30 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Nhận diện bức tranh cung – cầu tín dụng
Càng đi về cuối năm thì bức tranh tăng trưởng tín dụng của năm 2023 càng rõ ràng. Tín dụng đã tăng trưởng nhanh hơn trong 3 tháng gần đây, nhưng mối quan tâm của thị trường không phải là liệu tín dụng có đạt được mức tăng trưởng hay không, mà liệu dư nợ phát triển mới có hiệu quả hay không..>> Chi tiết
– Nhận diện và ngăn tuồn vốn vào sân sau
Các chuyên gia đề nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nhận diện, làm rõ bức tranh thực trạng các ông chủ ngân hàng rót vốn vào sân sau, để từ đó đưa ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả..>> Chi tiết
– Gánh nặng trái phiếu địa ốc vơi dần
Với sự hỗ trợ của chính sách và nỗ lực của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong việc mua lại và đàm phán với trái chủ, gánh nặng trái phiếu 2024 không còn quá đáng sợ như những lo ngại trước đó..>> Chi tiết
– Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu năm 2024 do Mỹ tiếp tục tăng nguồn cung
Goldman Sachs đã điều chỉnh mức tăng của giá dầu sẽ thấp hơn trong năm tới so với dự báo trước đó, phần lớn nhờ sự bùng nổ sản xuất của Mỹ..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn