1.150 điểm đang là điểm neo ngắn hạn giúp VN-Index tạm dừng đà giảm. Đây là ngưỡng điểm quan trọng đối với kỳ vọng thị trường sớm tìm được đáy ngắn hạn và hồi phục.
Xu hướng tăng trưởng kinh tế tích cực hơn
Trên thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đang phản ánh tâm lý bị đè nặng khi thiếu vắng các thông tin tích cực. Tính mùa vụ của thị trường chứng khoán cho thấy, tháng 9 vốn là tháng có mức sinh lời kém và kết quả cuối tháng đều là giảm điểm so với đầu tháng đối với hầu hết các thị trường, bao gồm cả Mỹ (chỉ số S&P 500) và Việt Nam (chỉ số VN-Index).
Các chỉ số chứng khoán có vận động khá tiêu cực trong đồ thị vận động các tài sản quan trọng, rời xa vùng tăng mạnh và hạ xuống vùng suy yếu, thậm chí là giảm mạnh (S&P 500). Trường hợp ngoại trừ là thị trường Trung Quốc (chỉ số Shanghai SE Composite) đã xác nhận xu hướng vận động tích cực, hứa hẹn sẽ có những cải thiện hơn nữa trong các tuần tới.
Tháng 10 kỳ vọng sẽ mang tới các thông tin lợi nhuận quý III mà thị trường chờ đợi, góp phần xua tan tâm lý u ám hiện nay khi Chính phủ Mỹ đối diện với kịch bản phải đóng cửa vì thiếu ngân sách hoạt động, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ duy trì môi trường lãi suất cao, lạm phát tiếp tục gia tăng trước áp lực giá dầu, dữ liệu về doanh số bán nhà và niềm tin người tiêu dùng mới nhất suy yếu.
Trái ngược với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu tiếp tục thu hút dòng tiền. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn ở mức cao nhất trong thập kỷ qua, khi cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm trị giá 48 tỷ USD được giao dịch ở mức 5,085%/năm, cao nhất kể từ năm 2006.
Điều này khiến lợi tức đầu tư cổ phiếu (S&P 500) ngày một giảm sút so với việc nhà đầu tư nắm giữ tiền/tương đương tiền (trái phiếu kho bạc kỳ hạn 6 tháng), mức chênh lệch về con số âm lần đầu tiên kể từ những năm 1990.
Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản. |
Tại thị trường Việt Nam, biểu hiện suy yếu của VN-Index chủ yếu đến từ dòng tiền ngắn hạn, trong khi những dữ liệu vĩ mô quý III/2023 được công bố ngày 29/9 cho thấy xu hướng tăng trưởng kinh tế đã tích cực hơn. GDP tăng trưởng 5,33% trong quý III, dù không đạt kịch bản để cả năm tăng trưởng 6 – 6,5% như mục tiêu, nhưng tiếp tục cải thiện so với quý I (tăng 3,28%), quý II (tăng 4,05%) và cao hơn dự báo của HSC (tăng 5%).
Để tiến sát với mục tiêu tăng trưởng GDP 6% cho cả năm 2023, áp lực rơi vào quý IV, đòi hỏi phải có các biện pháp, chính sách thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ hơn và đây có thể là động lực giúp thị trường chứng khoán có những bước đột phá vào cuối năm. Theo chiều suy nghĩ tích cực, những nhịp suy giảm của thị trường cổ phiếu sẽ là cơ hội để tích lũy, chờ đợi triển vọng cuối năm 2023 và năm 2024 được hiện thực hóa.
Rủi ro lớn nhất hiện nay là rủi ro tỷ giá và lạm phát khi chỉ số Dollar Index (DXY) và giá dầu đều đang trong xu hướng tăng. DXY đã vượt mốc Fibonacci 38,2% và chính thức vào “sóng hồi” kể từ đỉnh tháng 9 năm ngoái. Mặc dù phiên cuối tuần qua ghi nhận DXY giảm nhẹ, giúp tỷ giá USD/VND tại Vietcombank lùi xuống dưới mốc 24.500 và Ngân hàng Nhà nước giảm hút tiền về, nhưng áp lực sẽ quay trở lại nếu DXY tiếp tục đà tăng, có thể đạt tới mốc Fibonacci 61,8% quanh 109.
Giá dầu cũng tăng mạnh trong bối cảnh tồn kho giảm, nguồn cung không mở rộng. Phí chênh lệch đối với các thùng dầu WTI giao dịch ngắn hạn khoảng 2 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022, là một dấu hiệu cho thấy thị trường tương lai đang phản ánh tình trạng thắt chặt nguồn cung đang diễn ra.
Tích cực khi thị trường bi quan có thể mang lại thành quả lớn
VN-Index vừa trải qua một tuần giao dịch không có nhiều thuận lợi. Đánh dấu khởi đầu bằng phiên giảm điểm mạnh ngay đầu tuần, các hoạt động giao dịch ngắn hạn bị nhấn chìm trong các biến động tiêu cực. Mặc dù đà giảm đã được kiềm chế mạnh trong các phiên cuối tuần, nhưng tâm lý thị trường bị tổn thương do trạng thái thị trường chuyển biến quá nhanh và mạnh. Trước đây 1 tháng, VN-Index cũng có một nhịp giảm mạnh tương tự, dẫn tới lo ngại rằng, thị trường thay đổi quỹ đạo tăng giá.
Một số chỉ báo tâm lý thị trường. |
Dưới góc nhìn kỹ thuật, ngưỡng hỗ trợ 1.150 điểm đang là điểm neo ngắn hạn giúp VN-Index tạm dừng trước đà giảm gần đây. Phiên cuối tuần cũng là phiên thứ 3 liên tiếp chỉ số giữ được ngưỡng 1.150 điểm, do đó đây là ngưỡng điểm quan trọng đối với kỳ vọng thị trường có thể sớm tìm được đáy và hồi phục.
Sự mất đồng thuận về xu thế giữa nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang là điểm yếu mà thị trường cần sớm khắc phục, vì yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận động của chỉ số chung. Hiện tượng bật tăng mạnh của nhóm cổ phiếu thuộc “họ” Vingroup (VIC, VHM) phần nào giúp thị trường có điều kiện để sớm cân bằng, chỉ số bớt áp lực điều chỉnh. Các cổ phiếu trụ khác lại như VNM, VCB cũng cần nhanh chóng xác lập được đáy ngắn hạn để duy trì vai trò dẫn dắt chính cho xu thế hồi phục. Lưu ý, một nhịp tăng mạnh và có độ tin cậy cao sẽ phụ thuộc chủ yếu vào lực cầu chủ động, thay vì nhờ vào hiện tượng tiết cung kỹ thuật.
Trong khi tâm lý giao dịch vẫn rất thận trọng, hiện tượng giằng co và tích lũy có khả năng sẽ kéo dài, dẫn tới sự phân hóa mạnh trên các nhóm cổ phiếu. Kịch bản vận động chậm cũng phù hợp với bối cảnh sức mua còn yếu, trong khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt chưa sẵn sàng kích hoạt điểm bùng nổ mới cho thị trường. Như vậy, chiến lược giao dịch ngắn hạn chưa thuận lợi cho các vị thế mua mới.
Ở góc nhìn tích cực, dù đang dò tìm đáy nhưng thị trường đã ở vùng đáy và cơ hội hiện tại là lớn nhất khi đa số nhà đầu tư còn đắm chìm trong tâm lý bi quan. Do vậy, bắt đầu xem xét các cơ hội để sẵn sàng giải ngân là điều cần thiết.
Tất nhiên, yếu tố cơ bản của doanh nghiệp cần được đặc biệt ưu tiên để chọn lựa các cổ phiếu trong bối cảnh xu thế vận động ngắn hạn của thị trường chưa cải thiện. Tỷ trọng giải ngân thấp, hạn chế sử dụng đòn bẩy là điểm cần tuân thủ để kiểm soát tốt các rủi ro ngắn hạn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn