Trong bức tranh kinh doanh ảm đạm vẫn xuất hiện những doanh nghiệp ngược dòng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 1/2023.
Những khó khăn của nền kinh tế tiếp tục ngấm vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Hàng loạt doanh nghiệp công bố doanh thu và lợi nhuận “đi lùi”, thậm chí thua lỗ trong quý 1/2023.
Dù gam màu ảm đạm đang chiếm sóng trong bức tranh kinh doanh, song vẫn có một vài điểm sáng hiếm hoi xuất hiện. Những doanh nghiệp đầu tiên ngược dòng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh đa phần thuộc ngành dược phẩm, BĐS KCN, …
Lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp (Đơn vị: Tỷ đồng)
Nhóm BĐS KCN ghi nhận lợi nhuận tăng ấn tượng
CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (mã TIP) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất với doanh thu thuần đạt 32 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 13 tỷ đồng, tăng mạnh 117% so với mức nền thấp cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Tín Nghĩa tự tin lên kế hoạch doanh thu đạt 368 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và 62% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi lên sàn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, TIP mới hoàn thành được 9% mục tiêu về doanh thu và 8% mục tiêu lợi nhuận.
Cũng là điểm sáng trong nhóm bất động sản KCN, hai doanh nghiệp Sonadezi Giang Điền (mã SZG) và Sonadezi Long Thành (mã SZL) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng khả quan trong quý 1/2023.
Đối với Sonadezi Giang Điền (mã SZG) , doanh thu giảm gần 14% so với cùng kỳ về mức 85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 33 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Theo giải trình, lợi nhuận tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ đến từ việc trả nợ trước hạn các khoản vay ngắn hạn giúp tiết giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng.
Tương tự, lợi nhuận sau thuế của Sonadezi Long Thành (mã SZL) cũng tăng tốt 24% so với cùng kỳ lên 24 tỷ đồng. Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng, với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 27% mục tiêu lợi nhuận sau 3 tháng đầu kinh doanh.
Loạt doanh nghiệp dược phẩm “tỏa sáng”
Trong nhóm dược phẩm, nổi bật nhất là CTCP Dược phẩm Trung ương I- Pharbaco (mã PBC) khi ghi nhận doanh thu đạt 298 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn doanh thu giúp lợi nhuận gộp tăng 49% lên gần 60 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế tăng gấp gần 5,7 lần lên 24 tỷ đồng.
Không kém cạnh, CTCP dược phẩm Trung ương CPC1 (mã DP1) cũng ghi nhận mức tăng trưởng đột phá trong quý 1/2023. Cụ thể, doanh thu tăng 17% lên 494 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng gần 3 lần lên 32 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất trong một quý của doanh nghiệp từ trước đến nay.
CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) cũng ghi nhận doanh thu 479 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 78 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 47% so với quý 1/2022. Tương tự, Dược hà tây (mã DTH) cũng báo lãi tăng 39% lên 27 tỷ đồng.
Nhiều cái tên ghi nhận lợi nhuận “tăng bằng lần”
Lọt top đầu nhóm tăng trưởng bứt phá trong quý 1/2023, Vocarimex (VOC) gây chú ý khi lợi nhuận sau thuế quý 1 đạt 1.261 tỷ, tăng đột biến 18.729 lần so với mức lãi vỏn vẹn 67 triệu đồng trong cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do tăng doanh thu tài chính do lãi từ việc Vocarimex thoái vốn đầu tư tại công ty TNHH Calofic. Trong khi đó, Vocarimex lỗ gộp 8,6 tỷ đồng.
CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) cũng ghi nhận một quý kinh doanh đầy thăng hoa khi lãi sau thuế tăng 120% lên 281 tỷ đồng – mức lãi trong một quý cao nhất lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Biên lãi gộp được cải thiện từ 24% lên 39%.
Năm 2023, Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu doanh thu cao kỷ lục đạt 6.357 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 651 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau quý đầu năm, BMP đã hoàn thành được 23% mục tiêu về doanh thu và 43% mục tiêu lợi nhuận.
Trong nhóm vận tải, CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (mã SKG) ghi nhận doanh thu quý 1 đạt gần 112 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 33 tỷ, tăng 233% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2023, SKG đặt mục tiêu doanh thu thuần gần 478 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt trên 72 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 17% và 67% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành được 23% kế hoạch về doanh thu và xấp xỉ 46% kế hoạch lãi sau thuế.
Phục hồi hậu Covid, CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (mã NCS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 6 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 15 quý (kể từ quý 2/2019). Nguyên nhân do thị trường hàng không nội địa phục hồi hoàn toàn và thị trường quốc tế cũng có dấu hiệu khởi sắc khi các hãng hàng không nối lại đường bay và tăng chuyến.
Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Cổ phiếu Penny vẫn áp đảo, “quán quân” EPS liên tiếp tăng kịch trần trước thềm chia cổ tức tiền mặt 350%
Theo Cafef