“Nhà đầu tư có thể tiếp tục tăng dần tỷ trọng cổ phiếu trong trung hạn khi xu hướng tăng trung hạn vẫn duy trì”.
Rủi ro trung hạn giảm, chỉ số hướng lên 1.200 điểm
VN-Index đóng cửa tháng 6/2023 tăng 4,2% so với tháng trước đó. Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index tăng vượt lên trên đường trung bình 50 tháng và đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn cho thấy rủi ro trung hạn đã giảm đáng kể. Đồng thời, dòng tiền đã cải thiện tích cực hơn và chỉ báo tâm lý trung hạn tăng dần cho thấy các nhà đầu đang dần lạc quan hơn với xu hướng trung hạn.
Đánh giá về việc FED có thể tăng lãi suất trong tháng 7, Yuanta nhận định rủi ro này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực lên diễn biến thị trường, trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển hướng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong tháng 7 này, nhóm phân tích Yuanta dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng về mức 1.200 điểm, song vẫn có thể chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn khi thị trường đang bước vào mùa công bố KQKD quý 2/2023. Tuy vậy, nhà đầu tư có thể tiếp tục tăng dần tỷ trọng cổ phiếu trong trung hạn khi xu hướng tăng trung hạn vẫn duy trì.
Một số nhóm cổ phiếu chú ý được các chuyên gia đánh giá cao: Hóa chất, Sản xuất và phân phối điện, Ngân hàng, Dược phẩn, Bán lẻ, Dịch vụ dầu khí và Khai khoáng.
Dự báo GDP cả năm 2023 về mức 4,9%
Về tình hình vĩ mô Việt Nam, tăng trưởng GDP quý 2/2023 dù cải thiện hơn so với quý 1 nhưng mức 4,14% vẫn thấp hơn kỳ vọng. Sự suy giảm đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo là một trong những nguyên nhân khiến GDP tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm 2023 khi công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng đóng góp lớn cho nền kinh tế những năm gần đây.
Tính riêng tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp nói chung và nhóm Ngành chế biến chế tạo nói riêng có sự hồi phục là một tín hiệu tích cực. Ngoài ra, vốn FDI đăng ký mới và giải ngân hồi phục tháng thứ 3 liên tục, trong đó, vốn FDI đăng ký mới trong lĩnh vực Công nghiệp chế biến chế tạo gia tăng đáng kể.
Yuanta cho rằng dòng vốn FDI giải ngân cho lĩnh vực Công nghiệp chế biến chế tạo sẽ sớm gia tăng trở lại trong khi nhu cầu cho các đơn hàng xuất khẩu vẫn cần theo dõi dựa trên mức độ hồi phục các nền kinh tế lớn. Ngược lại, tiêu dùng trong nước vẫn đang hồi phục tốt nhờ lĩnh vực du lịch trong mùa nghỉ hè và sự gia tăng khách du lịch quốc tế.
Mặt khác, đội ngũ phân tích nhận định các chỉ số vĩ mô nhìn chung tương đối ổn định: tỷ giá tăng nhẹ, lãi suất trên thị trường ngân hàng cũng như lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát tháng 6 tuy có tăng do việc tăng giá điện cũng như yếu tố mùa vụ nắng nóng và mùa du lịch, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Yuanta điều chỉnh GDP dự báo cả năm 2023 về mức 4,9% sau khi ghi nhận tăng trưởng quý 2/2023 tiếp tục ở mức thấp. “Hơn nữa, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ sẽ cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, trước bối cảnh các lĩnh vực liên quan tới xuất nhập khẩu hồi phục chậm và sự hồi phục của nhiều nền kinh tế lớn chưa rõ ràng“, báo cáo triển vọng cho hay.
Theo Cafef