Một số chủ căn hộ tại chung cư cao cấp than phiền vì chế tài “không được phép mở cửa chính thường xuyên”. Theo một luật sư, việc nhắc nhở và xử phạt chủ căn hộ mở cửa chính thường xuyên vi phạm quyền sở hữu cá nhân.
Khổ vì bị nhắc nhở khi mở cửa ở chung cư cao cấp
Chủ căn hộ ở chung cư cao cấp tại phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM mới đây phản ánh rằng, gia đình anh nhận được “thư nhắc nhở” từ ban quản lý chung cư do mở cửa chính căn hộ. Chủ căn hộ này cho rằng, gia đình anh ít người, không gây tiếng ồn, không làm ảnh hưởng đến các căn hộ khác và chỉ mở cửa chính mỗi sáng để cho không khí thông thoáng. Tuy nhiên, phía ban quản lý khuyến cáo cư dân phải đóng cửa để đảm bảo an ninh cho căn hộ và tránh gây ảnh hưởng đến các căn hộ xung quanh đồng thời nhắc nhở, đưa ra chế tài xử phạt nếu chủ căn hộ tiếp tục vi phạm.
Đây không phải hiếm gặp. Tại một số chung cư cao cấp, quy định không mở cửa chính căn hộ thường xuyên đều được đưa ra như một yêu cầu bắt buộc với các gia đình.
Chị N.L cho biết: “Mặc dù toà chung cư mà tôi đang sinh sống thuộc phân khúc bình dân nhưng theo quy định cũng không được mở cửa chính thường xuyên. Nhiều lúc, tôi chỉ mở cửa cho thông khí căn nhà hay trẻ con chạy ra quên chưa đóng, phía ban quản lý đã có thông báo nhắc nhở. Dù mùa hè hay mùa đông, cửa chính luôn phải đóng. Trong khi trước đó, ở chung cư cũ nhà tôi, các nhà đều mở hết cửa chính. Căn nhà luôn thoáng khí và mát mẻ”.
Nhiều lần bức xúc phản hồi với ban quản lý liên quan đến việc mở cửa căn hộ chung cư, chị N.L nhận được giải thích: “Việc mở cửa chính sẽ gây quá tải cho hệ thống điều hoà tổng của hành lang”.
Có được mở cửa căn hộ thường xuyên?
Liên quan đến việc ở chung cư có được mở cửa chính thường xuyên, trả lời phỏng vấn báo chí, luật sư Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Công ty Luật Nhân Bản (TPHCM) cho rằng, việc ban quản lý chung cư yêu cầu cư dân không mở cửa chính thường xuyên và đe dọa chế tài nếu tái phạm như trường hợp là hành vi vi phạm quyền sở hữu, sử dụng tài sản mà pháp luật bảo vệ. Đó là quyền bất khả xâm phạm của công dân. Chủ sở hữu các tài sản hoàn toàn có quyền định đoạt, sử dụng theo sở thích, nhu cầu miễn là không vi phạm pháp luật.
Nhìn nhận vấn đề này ở góc độ khác, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way cho rằng, chủ căn hộ cần xem trong quy chế quy định như thế nào. Khi ban quản lý đã nhắc nhở về vấn đề mở cửa chính căn hộ thì nhiều khả năng, trong quy chế đã có điều khoản về việc: “không mở cửa chính thường xuyên”. Chính vì vậy, ban quản lý nhắc nhở dựa trên quy chế đã ban hành có thể không sai về mặt quản lý.
Tuy nhiên, cũng cần kiểm tra việc ban hành Quy chế này Quản lý và sử dụng đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua hay chưa, Điều 4.2 Nghị định số 06/2019/TT-BXD quy định: “Việc quản lý, sử dụng nhà chung cư được thực hiện trên cơ sở tự nguyện cam kết, thỏa thuận giữa các bên nhưng không được trái pháp luật về nhà ở, pháp luật có liên quan và đạo đức xã hội”.
Nếu việc ban hanh đúng thẩm quyền thì việc ban quản lý họ nhắc nhở không sai. Rõ ràng, Quy chế đã được đa số cư dân thông qua nên người dân cần phải tuân thủ”.
Luật sư Hồi cũng nhấn mạnh, việc các bên thỏa thuận “không mở cửa chính thường xuyên” không trái pháp luật. Khi đa số cư dân đã thỏa thuận tự nguyện hạn chế quyền sở hữu, sử dụng thì chủ căn hộ cần phải tuân thủ.
Theo Cafef