Những năm gần đây, giá nhà tại TP.HCM tăng cao gấp nhiều lần so với thu nhập của người trẻ. Những căn hộ giá 2 – 3 tỷ đồng chỉ còn khoảng 20% sản phẩm bán ra và nằm chủ yếu ở vùng ven TP.HCM.
Với mức giá nhà cao như hiện nay, người trẻ sinh sống, lập nghiệp tại TP.HCM đang phải loay hoay sống trong những căn nhà trọ và cho rằng giấc mơ sở hữu nhà tại TP.HCM của mình đã và đang mất dần đi.
Giấc mơ xa dần
Năm 2010, Nguyễn Thị Hồng Vân, khi ấy 22 tuổi từ TP. Đà Nẵng mang tấm bằng cử nhân ngành kỹ sư hoá vào Sài Gòn lập nghiệp. Vân xin vào làm việc tại một công ty chế biến thuỷ sản tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, với mức lương 8 triệu đồng/tháng.
Tính đến cuối năm 2022 chỉ có hơn 5.000 người được hỗ trợ vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển nhà ở với lãi suất 4,7% mỗi năm trong 20 năm để mua nhà. Riêng từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách chỉ hơn 300 người vay. Và nếu người trẻ có thể tiếp cận được gói vay này thì bài toán mua nhà của người trẻ sẽ được giải quyết một phần.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM
3 năm sau, Vân kết hôn với bạn trai làm nghề thiết kế 3D cho một công ty nội thất có mức lương 11 triệu/tháng. Năm 2015, mức lương của cả hai đã lên được 15 triệu/tháng. Tuy nhiên, đây cũng là năm Vân sinh con đầu lòng.
“Lúc vào Sài Gòn, tôi quyết tâm phải bám trụ ở đây, và tích cóp để có thể mua nhà ở. Khi lấy chồng giấc mơ này tiếp tục được vợ chồng tôi nuôi dưỡng khi mỗi tháng thu nhập cả hai vợ chồng dưới 30 triệu, chỉ dám chi tiêu trong mức 15 triệu/tháng cho hai vợ chồng, số còn lại gửi ngân hàng để mua nhà”, Vân kể.
Giấc mơ tưởng như sẽ sớm thành hiện thực, thế nhưng năm 2015 khi sinh con đầu lòng ra thì tiền tích cóp mỗi tháng chỉ còn được 6 triệu. Và năm 2022 khi thấy số tiền tích cóp đã đạt khoảng hơn 600 triệu, hai vợ chồng Vân quyết định đi tìm nhà để mua.
Tuy nhiên, mất 3 tháng đi tìm nhà mua nhưng trong vô vọng, vì khi đó các quận như: 8, 7 hay huyện Nhà Bè, Bình Chánh, giá chung cư đã ở ngưỡng từ 40 tới 70 triệu/m2. Và với số tiền tích cóp hơn 10 năm của cả hai vợ chồng vẫn không đủ để mua nhà.
“Những năm 2015, giá nhà ở ngưỡng 20 triệu/m2 thì số tiền tích cóp chúng tôi không đủ, tới năm 2020, có trong tay 800 triệu thì giá nhà đã lên tới hơn 40 triệu/m2, tuy nhiên vì dịch bệnh chúng tôi ở nhà không đi làm đã phải rút tiền tích cóp ra sinh sống. Giờ đây tính toán lại và quyết định vay ngân hàng thì giá nhà đã lên quá cao nên không thể mua được nhà. Tiền tích cóp mỗi tháng ngày một ít, lương cũng chỉ tăng được vài trăm ngàn mỗi năm nhưng giá nhà lại tăng vài triệu mỗi năm thì giấc mơ mua nhà ở Sài Gòn của chúng tôi đã xa dần”, chị Vân nói.
Câu chuyện của anh Võ Văn Huấn, 30 tuổi, quê Hải Dương đã vào Sài Gòn sống được 12 năm cũng là câu chuyện mà nhiều người trẻ đang gặp phải dù đã chạm 1 tay vào giấc mơ mua nhà ở Sài Gòn nhưng rồi đành phải buông.
Anh Huấn kể, anh làm kỹ sư điện tại một nhà máy sản xuất giày da tại khu công nghệ cao TP. Thủ Đức. Năm 2021, với mức lương hơn 25 triệu/tháng, và khoản tích lỹ được hơn 700 triệu, anh Huấn quyết đinh mua một căn hộ chung cư tại TP. Thủ Đức với giá hơn 2,5 tỷ đồng. Số tiền thiếu anh Huấn vay ngân hàng với lãi suất khi vay là hơn 9%/năm.
Tuy nhiên, tới đầu năm 2023, anh Huấn nhận thông báo công ty không có đơn hàng xuất khẩu, phải cắt giảm nhân viên và giảm lương và anh Huấn thuộc diện cắt giảm nhân sự. Cũng vào tháng 2/2023, anh nhận được thông báo từ phía ngân hàng vay là lãi suất mua nhà của anh tăng lên 14,5%/năm.
Với số tiền anh Huấn vay lên tới gần 2 tỷ đồng, thời gian vay 15 năm thì mức lãi và gốc anh phải trả mỗi tháng lên tới gần 30 triệu đồng. Vừa mất việc, lãi suất lại tăng, không còn khả năng theo đuổi việc sở hữu nhà anh Huấn đành bán nhà đã mua, bỏ luôn giấc mơ có nhà Sài Gòn.
Một số liệu nghiên cứu mới được Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản Savills Việt Nam đưa ra cho thấy, tại TP.HCM mức thu nhập tối thiểu cần có để mua nhà là từ 30 – 45 triệu đồng hàng tháng. Đây là ngưỡng thu nhập giúp những người trẻ đủ khả năng tích lũy được một khoản tiền trả trước và gánh vác việc trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên, mức thu nhập hiện nay của người trẻ khi ra trường 10 năm chỉ từ 10 tới 15 triệu/tháng.
Trong khi đó, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc bộ phạn nghiên cứu và phát triển thị trường bất động sản (R&D) DKRA Việt Nam đưa ra số liệu nhận định, mức thu nhập đủ sức mua căn hộ trả góp rơi vào ngưỡng 25-35 triệu đồng/tháng.
Với cá nhân còn độc thân mua nhà lần đầu, khách hàng phải đạt mức thu nhập tối thiểu 25-30 triệu đồng/tháng mới mua được căn hộ 50m2 một phòng ngủ, có vị trí cách khu trung tâm TP.HCM khoảng 15 tới 20 km. Với hộ gia đình có nhu cầu căn hộ lớn hơn (60-70m2), tổng thu nhập hàng tháng phải đạt 35-40 triệu đồng mới đủ mua căn nhà để an cư tại tỉnh giám danh TP.HCM và phải dùng đòn bẩy là vay ngân hàng với thời gian vay lên tới 20 năm.
“35-40 triệu là mức thu nhập khả thi để mua nhà nếu dùng đòn bẩy và tỷ trọng vốn vay không vượt 50% giá trị bất động sản. Mức vay an toàn đối với người trẻ tuổi (thâm niên đi làm 5-10 năm) tại thị trường có lãi vay thả nổi như Việt Nam dao động trong ngưỡng 30-40% giá trị tài sản. Nếu thu nhập dưới ngưỡng 25 triệu đồng một tháng, mua nhà có thể trở thành gánh nặng cho người trẻ do chi phí nợ gốc và lãi vay chiếm phần lớn, khả năng tích lũy dự phòng rủi ro bị ảnh hưởng”, ông Thắng nhận định.
Bài toán nào cho người trẻ có thể mua nhà?
Theo Savills Việt Nam nhìn nhận, người trẻ ở thành phố luôn là thị trường tiềm năng, nhưng nguồn cung phân khúc phù hợp với họ này hiện không nhiều. Thị phần căn hộ từ 2 – 3 tỷ đồng tại TP.HCM rất ít, chiếm dưới 20% nguồn cung hiện tại và chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại ô. Điều này dẫn đến lựa chọn hạn chế cho người mua. Mức giá cũng ở mức cao, không phải ở mức dễ dàng cân nhắc.
Sự mất cân đối giữa nguồn cung và nguồn cầu khiến việc mua một sản phẩm nhà ở phù hợp về mặt vị trí, diện tích và giá cả trở nên khó khăn. Với tình hình hiện tại, người trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lựa chọn phù hợp về nhà ở. Đồng thời, chi phí sống tại TP.HCM ngày càng tăng cao trong khi thu nhập không tăng theo. Điều này làm cho việc tích trữ thu nhập để có khả năng trả mức giá cao trở nên khó khăn hơn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết hiện có khoảng 50.000 người trẻ trong độ tuổi 25 – 35 tại TP.HCM đang có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, số lượng người trẻ này lại đang gặp khó trong việc mua được nhà ở tại TP.HCM.
Cũng theo ông Châu, lý do hiện nay người trẻ khó có thể mua được nhà ở là với lãi suất vay quá cao, giá nhà cũng quá cao, trong khi thu nhập mỗi tháng của người trẻ lại quá thấp thì giấc mơ mua nhà của người trẻ sẽ không thể thành hiện thực.
Giải pháp được ông Châu đưa ra đó là cần có sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp bất động sản. Dù từ lâu nay, nhiều chủ đầu tư đã nhắm tới việc phát triển dự án cho người trẻ mua nhà, tuy nhiên với thời điểm hiện tại thì cần có những giải pháp tích cực hơn nữa cho vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Địa ốc Phú Đông Group cho rằng, việc người trẻ mua nhà trước đây rất dễ, tuy nhiên hiện nay đang gặp khó. Một ví dụ cụ thể được bà Thảo đưa ra đó là từ trước tới nay, các dự án mà Phú Đông Group phát triển đều hướng tới đối tượng là người trẻ để phát triển và bán nhà cho người trẻ, chính vì vậy các dự án của Phú Đông Group phần lớn là người trẻ mua. Nhưng hiện nay tỷ lệ người trẻ có thể mua nhà đã giảm đi.
“Để giải quyết vấn đề này cho người trẻ, chúng tôi đã thay đổi chính sách bán hàng và thanh toán. Tại dự án Phú Đông Sky Garden, chúng tôi áp dụng chính sách khách hàng ký hợp đồng mua bán thanh toán 5%, hỗ trợ lãi suất 0% đến khi nhận nhà, cố định lãi suất 6% trong vòng 2 năm sau nhận nhà. Bên cạnh đó, để khách hàng khi nhận nhà không phải mất thêm chi phí làm nội thất, chúng tôi đưa ra thêm chính sách tặng gói nội thất cho khách hàng”, bà Thảo nói.
Cũng như Phú Đông Group, nhiều chủ đầu tư đã chơi lớn bằng việc cho khách hàng trả góp gàng tháng từ 6 tới 10 triệu trong vòng 2 tới 4 năm để khách hàng có thể sở hữu nhà mà không phải thông qua việc vay ngân hàng với lãi suất cao.
Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu còn cho rằng, để người trẻ có thể mua được nhà ở thì cần có những chính sách hỗ trợ tài chính với lãi suất thấp để 50.000 người trẻ có thể mua được nhà ở. Tuy nhiên, hiện nay việc gói vay mua nhà lãi suất ưu đãi lại đang là bài toán khó để cho người trẻ tiến cận.
“Tính đến cuối năm 2022 chỉ có hơn 5.000 người được hỗ trợ vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển nhà ở với lãi suất 4,7% mỗi năm trong 20 năm để mua nhà. Riêng từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách chỉ hơn 300 người vay. Và nếu người trẻ có thể tiếp cận được gói vay này thì bài toán mua nhà của người trẻ sẽ được giải quyết một phần”, ông Châu nói.
Mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội
Theo Cafef