TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ thu hút khoảng 10.000 tỷ đồng từ các dự án trong nước và 800 triệu USD từ các dự án FDI vào các khu công nghiệp (KCN) mới trên địa bàn.
UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các KCN mới của thành phố gồm: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh với tổng diện tích khoảng 880ha.
Trong đó, KCN Hòa Nhơn (ở xã Hòa Nhơn và xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) có quy mô hơn 360ha với nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng cao cấp…
Mục tiêu thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 60 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu USD/ha.
KCN Hòa Cầm – Giai đoạn 2 (ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) với quy mô hơn 120ha; ưu tiên thu hút nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng.
Mục tiêu thu hút ít nhất 1 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 50 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu USD/ha.
KCN Hòa Ninh (ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) có quy mô hơn 400ha; ưu tiên thu hút nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm…
Mục tiêu thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 100 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 5 triệu USD/ha.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, mục tiêu đến năm 2030, tổng vốn đầu tư đăng ký vào các KCN trên đạt khoảng 10.000 tỷ đồng từ các dự án trong nước và 800 triệu USD từ các dự án FDI. Trong đó, tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư các dự án trên 1ha đất công nghiệp của KCN thêm khoảng 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Đề án cũng định hướng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chính, tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, hiệu quả đầu tư cao, nộp ngân sách lớn.
Đặc biệt, ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài.
TP. Đà Nẵng cũng thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và năng lực kinh nghiệm, sử dụng công nghệ cao; tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương và tăng thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn…
Đối với các đối tác, TP. Đà Nẵng sẽ tìm kiếm, xúc tiến đầu tư các nhà đầu tư phát triển kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN có khả năng kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đầu tư những dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có số thu ngân sách lớn.
Cùng với đó, các tập đoàn, tổng công ty, công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, các nhà đầu tư đến từ các nước có nền kinh tế phát triển, các nước sở hữu công nghệ thuộc nhóm G7 bao gồm: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh; các nước có nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Ngan, Brazil… cũng sẽ được thành phố tập trung thu hút, xúc tiến đầu tư.
Lũy kế đến hết tháng 5/2023, Khu công nghệ cao (CNC), Khu công nghệ thông tin tập trung (CNTTTT) và các KCN Đà Nẵng đã thu hút 516 dự án.
Trong đó có 391 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng và 125 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,889 tỷ USD.
Theo Cafef