Thời gian gần đây, nhiều khách sạn ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… được rao bán khá nhiều trong bối cảnh thị trường du lịch phục hồi chậm.
Tại Hà Nội, nhiều khách sạn có giá hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đang được rao bán nhiều quanh khu vực phố cổ. Anh Trung – môi giới ở khu vực nội thành Hà Nội cho biết, tháng nào cũng có thêm vài khách sạn vào rỏ hàng rao bán. Hồi cuối tháng 6, một khách sạn ở phố Thuốc Bắc, Hoàn Kiếm, Hà Nội với quy mô 25 phòng được rao bán với giá 200 tỷ đồng, có thương lượng cho khách thiện chí. Giữa tháng 7, một khách sạn 3 sao có 30 phòng trên phố Hàng Bạc được rao bán với giá 168 tỷ đồng.
Các chủ khách sạn đi đến bước đường phải rao bán tài sản do thị trường lưu trú đã phải chịu khó khăn trong một thời gian dài. Đến nay, nhiều chủ khách sạn không thể tiếp tục chống đỡ được nữa. Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều tin rao bán, điều này cho thấy làn sóng rao bán khách sạn ngày càng mạnh mẽ và công khai”, anh Trung chia sẻ.
Tại TP.HCM, một khách sạn ở Quận 1 cũng vừa đăng tải thông tin rao bán với giá 250 tỷ đồng. Hay một khách sạn 3 sao cũng ở Quận 1 với quy mô 13 tầng, 120 phòng rao bán với giá 580 tỷ đồng.
Bên cạnh thông tin khách sạn vừa và nhỏ ngày càng được rao bán rầm rộ thì thông tin 2 khách sạn mang thương hiệu quốc tế sang tay cho chủ mới cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Cụ thể, Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL) đã tư vấn về việc bán danh mục đầu tư khách sạn Ibis Saigon South và Capri by Fraser (Quận 7, TP.HCM). Giao dịch này đánh dấu thương vụ bán danh mục đầu tư khách sạn đầu tiên trong khu vực của năm 2023. Và đây cũng là 2 khách sạn hiếm hoi xác nhận giao dịch trong bối cảnh thị trường khách sạn đối mặt với làn sóng rao bán mạnh mẽ.
Thị trường khách sạn dự kiến phục hồi sau năm 2024
Đánh giá về tình hình phân khúc khách sạn ở Hà Nội và TP.HCM trong 6 tháng đầu năm, theo báo cáo của Savills, tại Hà Nội, trong quý 2/2023, công suất thuê đạt 62%, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 73% của quý 2/2019. Giá thuê trung bình đạt 2,5 triệu đồng/phòng/đêm, giảm -6% theo quý nhưng tăng 26% theo năm sau khi phục hồi giảm tốc.
Tại TP.HCM, trong số 404 phòng tạm thời đóng cửa từ sau đại dịch đến nay, 45% số phòng đang được cải tạo và 55% nguồn cung còn lại chưa có thông tin về ngày mở cửa trở lại. Trong trong quý 2, công suất khách sạn tại TP HCM đạt 60%, giảm 8 điểm phần trăm theo quý. Tình hình hoạt động kém diễn ra ở tất cả phân khúc khách sạn do lượng khách quốc tế đến TP.HCM giảm 13% theo quý. Tỷ lệ khách lưu trú qua đêm ở thành phố này chỉ đạt 19%, thấp hơn các điểm đến khác. Thị trường khách sạn chỉ còn dựa vào đón khách công tác với lợi thế là điểm trung chuyển giữa các tỉnh, thành.
Ông Troy Griffiths – Phó Tổng Giám Đốc, Savills Việt Nam cho rằng: “Sự phục hồi về số lượng khách quốc tế của Việt Nam chậm hơn so với các nước trong khu vực. Khách Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai tại Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2023 nhưng chỉ bằng 22% của nửa đầu năm 2019”.
Vị này cho rằng, hoạt động kinh doanh khách sạn cần nhờ sự hồi phục dần của khách châu Á và nhu cầu du lịch trong nước lớn cùng với chính sách thị thực mới, thị trường dự kiến phục hồi hoàn toàn từ năm 2024.
Theo Cafef