Thanh khoản đóng băng của thị trường đất tỉnh khiến cho nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán căn nhà đang ở tại trung tâm thủ đô, để thu hồi vốn, nuôi khoản lãi đang chất chồng cho bất động sản “ở xa” đang thế chấp.
Ngọc Minh, môi giới mới vào nghề 3 năm, đến từ Hà Nội kể lại, cách đây 2 tháng, anh vừa môi giới thành công thương vụ giao dịch nhà đất. Chủ nhà là dân đầu tư bất động sản, chuyên đầu tư đất đấu giá, đất thổ cư ở các vùng lân cận Hà Nội và tỉnh lẻ.
Căn nhà mà chủ rao bán có diện tích 40m2, được đầu tư cẩn thận, nội thất đầy đủ. Ở thời điểm đầu năm 2022, tính theo giá thị trường, căn nhà này được định giá khoảng 4,2 tỷ đồng, nằm ở quận Nam Từ Liêm.
Tuy nhiên, do “chôn vốn” vào bất động sản nhiều, nhà đầu tư này hiện phải gánh khoản nợ ngân hàng hơn 6 tỷ đồng, chưa kể các khoản tiền vay mượn người thân. Mặc dù đã rao bán kể từ giữa năm 2022 đến nay, thậm chí cắt lỗ 20% nhưng chủ nhà mới thanh khoản được 1 lô đất ở Hưng Yên, trị giá 890 triệu đồng. Số tiền bán đất chỉ đủ trang trải khoản gốc lãi kéo dài trong gần 1 năm qua.
“Đến hiện tại, rao bán đất tỉnh không thành, không thể đủ sức gồng nợ gốc lãi, vợ chồng chủ nhà quyết định nhờ tôi rao bán căn nhà đang ở, chấp nhận đi thuê chung cư. Chủ nhà phát giá 4 tỷ đồng với mong muốn thu tiền về nhanh. Sau 2 tuần, một đôi vợ chồng trẻ chốt mua với giá 3,8 tỷ đồng. Vì cần tiền gấp nên chủ nhà đồng ý về giá và để lại toàn bộ nội thất”, môi giới tên Minh nói thêm. “Thực tế, bán nhà đất ở trung tâm Hà Nội, chỉ cần giảm 10% so với giá thị trường là có thể thanh khoản dễ dàng hơn là đất ở quê do nhu cầu ở thực lớn”.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự như vậy, anh Nguyễn Tuyến (Hà Nội) vừa chấp nhận bán gấp căn chung cư tại khu đô thị lớn ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích 75m2, đầy đủ nội thất được bán với giá 2,7 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 200 triệu đồng so với giá thị trường. Sau chưa đầy 1 tuần rao bán, anh Tuyến tìm được người mua.
Nguồn cơn của việc bán nhà gấp đến từ khoản lãi gốc mà anh Tuyến đang phải gánh khi đầu tư vào đất nền tỉnh và vùng ven Hà Nội. Năm 2020, anh Tuyến mới bước chân vào đầu tư đất nền. Lô đầu tiên mà anh mua tại Thanh Hoá. Sau 3 tháng, anh Tuyến chốt lời 20%. Thấy đầu tư đất lời nhanh, không lường trước kịch bản thị trường đóng băng, nhà đầu tư này xuống tiền thêm vào 2 lô đất ở Thanh Hoá, bằng khoản tiền vốn từ thế chấp căn nhà bố mẹ ở quê và căn chung cư tại Hà Nội.
Đến đầu năm 2022, anh Tuyến gom tiền mua lô đất ở Long Biên trị giá 1,4 tỷ đồng bằng việc thế chấp chính lô đất này để vay ngân hàng.
Tổng tiền vay ngân hàng khoảng 3 tỷ, mỗi tháng anh Tuyến phải trả 35 triệu đồng tiền lãi. Trung bình mỗi năm, nhà đầu tư này phải trả khoảng 600 triệu tiền gốc cho cho thời hạn vay 5 năm.
Không có nguồn thu nhập đều đặn từ công việc kinh doanh, thanh khoản lô đất ở tỉnh hay Long Biên chật vật, anh Tuyến chấp nhận bán căn hộ chung cư đang ở.
“Đúng là bán nhà ở trung tâm Hà Nội, để nuôi bất động sản “ở xa”. Tôi mong thị trường sớm hồi lại để bán lô đất ở Thanh Hoá, thu hồi vốn. Chứ với lãi suất gần 14% mỗi năm, tôi sợ không thể kéo dài thời gian gồng gốc lãi”, anh Tuyến kể.
Thị trường bất động sản tỉnh đã chững lại từ năm 2022 đến nay, sau khoảng thời gian dài tăng nóng. Theo giới đầu tư, chỉ khu đô thị, trung tâm thành phố lớn, cư dân đông, thanh khoản của bất động sản mới khả quan. Đối với loại hình đất đấu giá, đất thổ cư ở khu vực mật độ dân cư thấp, gần như thị trường đóng băng. Đây là nỗi ám ảnh với những nhà đầu tư vay ngân hàng mua đất, đứng trước khoản nợ gốc lãi lớn.
Hết thời chốt 10 thương vụ mỗi tháng, môi giới cay đắng chấp nhận biếu khách hoa hồng một nửa để có giao dịch
Theo Cafef