Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Chuyên gia “mách nước” đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh

Thị trường đang trải qua những phiên điều chỉnh mạnh gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội đã có những chia sẻ mới nhất với Báo Đầu tư chứng khoán. 

Thị trường chứng khoán đang trong xu hướng giảm với những phiên lao dốc rất mạnh. VN-Index sắp tới có thể diễn biến theo xu hướng nào?

Về cơ bản, tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục theo hướng “top down”, và hiện nay không còn nhiều cổ phiếu có sức hấp dẫn. Nếu nhìn ngắn hạn và nhìn hệ số P/E để đo lường thì nó đang loanh quanh 16 lần – không hề rẻ, đặc biệt nếu tính đến yếu tố giá cổ phiếu ngân hàng chưa có tính tác động và lợi nhuận của riêng VHM quá đột biến, trong khi toàn ngành bất động sản đang gặp khó khăn; còn xét riêng với từng cổ phiếu thì hệ số này ở rất nhiều mã là đang vượt ngoài tầm với.

“Tiền rẻ” đang là cụm từ được nhà đầu tư và nhiều người nhắc đến. Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất khiến nhà đầu tư mất đi kỳ vọng và tin tưởng vào kênh đầu tư rủi ro hơn với mong muốn mang lại lợi nhuận lớn hơn tiền gửi. Có lẽ đó là lý do mà số lượng nhà đầu mở mới tài khoản gia tăng mạnh những tháng gần đây và rõ ràng một dòng tiền lớn từ người dân đã đổ vào TTCK. Thống kê cũng minh chứng cho thấy nhà đầu tư cá nhân mua ròng tất cả các tháng kể từ đầu năm bất chấp khối ngoại, tổ chức bán ròng.

Tuy nhiên cho dù là không còn hấp dẫn, nhưng việc mở tài khoản mới vẫn gia tăng thì tiền mới sẽ thay thế dòng tiền cũ giúp cho TTCK có sự ổn định. Đặc biệt, nhóm ngân hàng chưa tăng giá sẽ là nhóm đỡ giá cho thị trường tránh giảm sâu.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội. ảnh 1

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội.

Với nhìn nhận như trên, cá nhân tôi tin rằng ở giai đoạn cuối năm câu chuyện tiền rẻ sẽ không phải là yếu tố sống còn dẫn dắt TTCK nữa mà thay vào đó là kỳ vọng vào kết quả kinh doanh và định giá doanh nghiệp.

Theo đó, kết quả kinh doanh quý III sẽ cho thấy nhiều cổ phiếu trở nên đắt đỏ, vì thế giá cổ phiếu sẽ chịu áp lực. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ có thông tin không mấy tích cực về dòng tiền. Như vậy tôi cho rằng, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh ở giai đoạn này. Đây là giai đoạn sẽ có nhiều nhà đầu tư mất tiền, mất lợi nhuận kiếm được trước đó.

Trong những phiên biến động vừa qua, nhà đầu tư đang rất hoang mang và có vẻ cũng dần mất niềm tin vào thị trường. Theo ông, chiến lược đầu tư trong giai đoạn này như thế nào sẽ đem lại hiệu quả?

TTCK sẽ phân hóa và việc nhà đầu tư liên tục mua bán chỉ mang lại lợi nhuận cho công ty chứng khoán thay vì cho cá nhân. Giai đoạn này không phải là lúc lựa chọn chiến lược trên, bởi thực tế bạn kiếm được lợi nhuận thì có người sẽ mất, đó là câu chuyện Zero game mà thôi.

Cá nhân tôi lựa chọn chiến lược dài hạn, có những cổ phiếu chúng ta nhìn nó với tầm nhìn 5 – 10 năm thì chúng ta sẽ có một tâm thế rất khác. Khi đó có thể hoàn toàn lựa chọn kế hoạch Trading nếu có cơ hội. Nhưng tựu chung, chúng ta nên có cái nhìn tích cực vào những gì mà Việt Nam đã, đang và sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển của thế giới hiện nay. Sẽ có nhiều doanh nghiệp FDI đến Việt Nam và cơ hội đó sẽ đến trong tương lai đủ dài.

Ngược lại, nếu nhà đầu tư chỉ quan tâm ngắn hạn, đặc biệt là những doanh nghiệp đã có vấn đề lớn liên quan đến dòng tiền, liên quan đến trái phiếu như không trả được nợ, lãi thì bạn thua lỗ là đương nhiên. Thực tế, những doanh nghiệp này vốn dĩ đã ở dạng phá sản khi không thể thanh toán, chẳng qua nó đang được che đậy lại và kéo dài thêm 1 chút thời gian bởi những quy định mới ban hành. Bản chất của TTCK trong dài hạn vẫn phải là hướng đến kết quả kinh doanh, chỉ những doanh nghiệp phát triển tốt thì giá cổ phiếu mới tăng mạnh và thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Nhìn ở một khía cạnh khác, lãi suất hiện tại vẫn được cho là đang hỗ trợ rất lớn cho TTCK. Vậy chứng khoán có tiếp tục là kênh hút tiền trong những tháng cuối?

Lãi suất huy động hiện nay đang ở vùng 5,2 – 6,4%/năm kỳ hạn 12 tháng. Có thể nói đây là vùng lãi suất thấp nhưng là so với giai đoạn biến động trước đó, và nó đang ngang bằng với giai đoạn trước dịch. Đặc biệt là lãi suất huy động đang giảm quá nhanh khiến cho người dân cảm thấy bị sốc, hoặc họ đang có cảm nhận là không xứng đáng nên một số người đã có xu hướng gửi ngắn để chờ đợi kênh đầu tư phù hợp.

TTCK dường như đã hưởng lợi từ điều này qua hai con số là số tài khoản mở mới tăng mạnh và dòng tiền mua ròng của nhà đầu tư cá nhân kể từ đầu năm 2023 đến nay. Xu hướng này có thể còn tiếp tục khi lãi suất vẫn duy trì mức thấp và dòng tiền gửi lãi suất cao cuối năm 2022 đáo hạn về cũng có thể sẽ còn gia nhập vào TTCK.

Tuy nhiên, như tôi nhấn mạnh ở trên, lãi suất này không phải là thấp nếu so sánh với quá khứ. TTCK hiện tại đang hưởng lợi có lẽ dùng cụm từ tốt nhất là “không tìm được kênh đầu tư nào thích hợp”. Nếu cùng lãi suất này ngược về trước dịch 1 – 2 năm, chúng ta sẽ thấy TTCK không tăng trưởng mạnh bởi tiền khi đó có nhiều kênh để dẫn nhập hơn hiện nay.

Do đó cũng cần lưu ý rằng, nếu kinh tế trở nên tích cực hơn thì các yếu tố hiện tại sẽ không còn phù hợp là tiền rẻ và kênh đầu tư.

Thị trường có thể kỳ vọng vào những điểm sáng nào? Những lo ngại cần chú ý?

Tính đến nay đã gần hết quý III nhưng có vẻ như chưa có nhiều cải thiện, tình hình vĩ mô vẫn còn bao phủ nhiều vấn đề, thế giới vẫn đang vướng vào nhiều trở ngại đặc biệt tại Trung Quốc và EU. Trong khi đó, các Ngân hàng Trung ương vẫn tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, chỉ một góc nhỏ các quốc gia đang đi ngược là Nhật, Trung Quốc… trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, dư địa về chính sách tiền tệ có vẻ như đã hết và nếu như tín dụng có xu hướng tăng lên thì lãi suất sẽ còn nhích nhẹ trở lại.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có những điểm sáng. Thứ nhất là chỉ số PMI cải thiện, giá trị xuất khẩu tăng giúp thặng dư thương mại, cải thiện về dòng ngoại tệ. Một số ngành hàng có thêm đơn hàng khi các đối tác có xu hướng đặt hàng cho mùa cuối năm như dệt may, thủy sản và đồ gỗ, nhưng con số là chưa đáng kể. Thứ hai là dòng vốn đầu tư FDI gia tăng khi Việt Nam đang gia tăng sự ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Chúng ta chứng kiến rất nhiều nguyên thủ các quốc gia hàng đầu và hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp đã đến Việt Nam như: Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Ả Rập Xê út… nhằm tạo ra chuỗi cung ứng mới cho giai đoạn mới hiện nay. Tuy nhiên, điều này còn xa vời và có thể diễn ra hàng thập kỷ.

Dù vậy, chúng ta vẫn đang có vấn đề cốt lõi nằm ở 2 yếu tố chính là đơn hàng yếu và thiếu khiến nhiều doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất bởi tình hình thế giới đang có quá nhiều vấn đề, trong khi Việt Nam đã mở cửa 100% nên tác động là rất rõ. Hai là bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đang thực sự là bài toán nan giải. Rất nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp đã quá hạn và phải gia hạn không chỉ gốc mà cả lãi khiến dòng tiền bị ứ đọng.

Trong bối cảnh này, sẽ không có nhiều doanh nghiệp tiếp tục cho thấy sự vượt trội và khi kết quả kinh doanh lộ diện, thậm chí nhiều cổ phiếu sẽ đổ đèo về đúng với giá trị của nó.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO