Cổ phiếu VNM đã tăng khoảng 25% kể từ trung tuần tháng 6 và đang giao dịch quanh vùng giá cao nhất trong vòng 9 tháng.
VNM:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) – thành viên thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa đăng ký bán toàn bộ 965.000 cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam (mã VNM) với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 8/9 đến 7/10/2023.
Đây không phải là lần đầu tiên SIC muốn thoái hết vốn tại Vinamilk. Trước đó, tổ chức này đã nhiều lần đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu VNM đang nắm giữ nhưng vẫn chưa bán hết với lý do biến động thị trường. Gần nhất là từ ngày 3 đến 31/8, SIC chỉ bán được 85.000 cổ phiếu VNM trên tổng số 1.050.000 đơn vị đăng ký trước đó. Tỷ lệ sở hữu của SIC tại Vinamilk sau giao dịch giảm xuống còn 0,046%.
Ngoài sở hữu gián tiếp qua SIC, SCIC còn đang là cổ đông lớn nhất trực tiếp nắm giữ 36% vốn tại Vinamilk. Về người có liên quan, SCIC hiện có 3 đại diện vốn đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của Vinamilk bao gồm ông Lê Thanh Liêm, ông Hoàng Ngọc Thạch và bà Đặng Thị Thu Hà. Trong 3 cá nhân này chỉ có duy nhất ông Liêm đang sở hữu cổ phiếu VNM với khối lượng là 493.381 đơn vị (tỷ lệ 0,024%).
Trên thị trường, cổ phiếu VNM diễn biến tương đối khởi sắc thời gian gần đây. Cổ phiếu đầu ngành sữa đã tăng khoảng 25% kể từ trung tuần tháng 6 và đang giao dịch quanh vùng giá cao nhất trong vòng 9 tháng. Tạm tính tại mức thị giá hiện tại, SIC có thể thu về khoảng 76 tỷ đồng nếu như bán hết số cổ phiếu đăng ký.
Về kết quả kinh doanh quý 2, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 15.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.229 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp này đạt lần lượt hơn 29.160 tỷ và hơn 4.100 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 46% và 48% kế hoạch cả năm.
Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 6/7, Vinamilk đã tổ chức một sự kiện khởi động cho kế hoạch làm mới nhận diện thương hiệu trong đó công ty đã giới thiệu bộ nhận diện thương hiệu mới bao gồm logo mới và ít nhất sáu bộ thiết kế bao bì (dự kiến sẽ có nhiều bộ thiết kế hơn nữa trong thời gian tới).
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng sự kiện tái định vị thương hiệu cho thấy những nỗ lực trẻ hóa thương hiệu để hướng đến nhóm tiêu dùng trẻ, năng động. Các dự án số hóa nhằm ứng dụng công nghệ sẽ giúp Vinamilk có thể tiếp cận và hiểu được khách hàng một cách nhanh chóng và kịp thời, nhằm đưa ra các giải pháp giúp tăng hiệu suất hoạt động.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, Vinamilk tự tin sẽ giành lại được thị phần trong các quý sắp tới nhờ vào Chiến dịch tái định vị thương hiệu và thay đổi bao bì sản phẩm mới (công ty đã giành lại được thị phần trong tháng 6). Hiện tại, thị phần của ngành hàng Sữa nước đang đạt hơn 60%, Sữa chua khoảng 80%, Sữa đặc lớn hơn 80% và Sữa bột ở mức quanh 20%.
Giá dầu leo thang, cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng “nóng”
Theo Cafef