Áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index đang test lại vùng giá 1.150 điểm. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí đang ngược dòng thành công khi đồng loạt các mã đều tăng khá tốt.
Thị trường đã khởi sắc trở lại sau 4 tuần điều chỉnh giảm liên tiếp và chỉ số VN-Index đã giành lại mốc quan trọng 1.150 điểm. Tuy nhiên, giao dịch diễn ra khá thận trọng với mức thanh khoản trung bình trong các phiên đều dưới mức 15.000 tỷ đồng, cho thấy nhịp hồi phục chỉ mang tính chất kỹ thuật.
Bên cạnh đó, diễn biến thị trường có phần yếu hơn trong 2 phiên cuối tuần nên khả năng không dễ để giữ nhịp hồi phục trong tuần tới khi áp lực bán có thể gia tăng trở lại.
Theo ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC, VN-Index đang bước vào đợt hồi phục kỹ thuật, nhưng khó vượt qua khu vực kháng cự 1.160-1.170 điểm với mặt bằng thanh khoản đang ở mức thấp. Đồng thời, dự báo nhịp phục hồi có tính phân hóa cao giữa các nhóm ngành, trong đó nổi bật là nhóm doanh nghiệp kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý III/2023 tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần ngày 16/10, trạng thái thị trường không có nhiều biến chuyển. Tâm lý thận trọng vẫn khiến giao dịch ảm đạm, chỉ số VN-Index rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Sau khoảng hơn 1 giờ mở cửa, thị trường có dấu hiệu xấu hơn khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ. Bên cạnh nhóm VN30 với số mã giảm gấp 4 lần số mã tăng và toàn thị trường tỷ lệ này cũng đạt hơn 2 lần, đã khiến chỉ số VN-Index nới rộng đà giảm và “đánh rơi” mốc 1.150 điểm vừa tìm lại.
Trong đó, nhóm cổ phiếu “đồng cảm” với thị trường là chứng khoán dẫn đầu xu hướng giảm khi toàn bộ đã chuyển qua sắc đỏ, với các mã SSI, HCM, VND, VCI, FTS… đều giảm hơn 1-2%.
Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì điểm sáng của thị trường dù biên độ tăng có chút thu hẹp. Trong đó, 2 mã là lớn là GAS và PLX đều tăng gần 2%, còn PVD tăng gần 4%; các mã PVS, PVC, PVB cũng đều tăng trên dưới 3%.
Nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gây sức ép chính khiến thị trường khó giữ được mốc 1.150 điểm và tạm dừng phiên sáng trong vùng giá thấp nhất.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 118 mã tăng và 330 mã giảm, VN-Index giảm 5,63 điểm (-0,49%) xuống 1.149,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 289,7 triệu đơn vị, giá trị 6.469,33 đồng, tăng 9,32% về khối lượng và 11,83% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 13/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,6 triệu đơn vị, giá trị 428,5 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn 6 mã giữ sắc xanh, trong đó các mã đóng góp tốt nhất cho chỉ số chung là FPT và GAS cùng tăng 1,7%, PLX tăng 1,5%, SAB và GVR cùng tăng hơn 1%.
Trái lại, trong số 23 mã giảm ở rổ bluechip, các mã giảm sâu nhất là STB giảm 2,5%, VJC giảm 2,3%, SSI giảm 2,1%…, tuy nhiên VCB là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi 0,83 điểm của chỉ số chung.
Xét về nhóm ngành, nhóm dầu khí vẫn là điểm sáng của thị trường khi hầu hết đều tăng khá tốt. Ngoại trừ cặp đôi lớn GAS và PLX, các mã khác như PVD tăng 3,34%, PVS tăng 2,51%, PVC tăng 3,26%, PVB tăng 2,5%, BSR tăng 2,86%…
Trái lại, chứng khoán vẫn là nhóm giảm mạnh nhất thị trường, dù một số mã đã có tín hiệu đảo chiều hồi phục như VDS tăng 3,53%, TVS tăng nhẹ 0,9%, TVB lấy lại mốc tham chiếu. Trong đó, SSI và VND vẫn giữ mức giảm hơn 2% và có thanh khoản tốt nhất ngành, đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản cũng chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu, ngoại trừ một số mã thuộc nhóm bất động sản khu công nghiệp như KBC, ITA, SZC tăng nhẹ. Ngoài ra, cặp đôi vừa và nhỏ là TCH và HQC là điểm sáng khi tăng 2% và 3,7%, cùng thanh khoản thuộc top 10 với hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.
Trên sàn HNX, thị trường rung lắc và lùi sâu hơn về cuối phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 56 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 0,83 điểm (-0,35%) xuống 238,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,47 triệu đơn vị, giá trị 833,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 12,31 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đều giật lùi, với SHS chốt phiên giảm 2,2% xuống mức thấp nhất phiên 17.800 đồng/CP và thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường với 7,47 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, MBS giảm 0,9%, EVS giảm 1,1%, APS giảm 1,4%…
Trái lại, cặp đôi dầu khí là điểm sáng, với PVS tăng 2,5% lên mức 40.900 đồng/CP và khớp lệnh xấp xỉ 5 triệu đơn vị, PVC tăng 3,3% lên 19.000 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng đà giảm về cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,32%) xuống 87,62 điểm với 106 mã giảm và 92 mã tăng. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 19,83 triệu đơn vị, giá trị 330,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,81 triệu đơn vị, giá trị 15,91 tỷ đồng.
Hai mã dầu khí là BSR và OIL đều giao dịch khởi sắc dù biên độ tăng có thu hẹp về cuối phiên. Trong đó, BSR tăng 2,9% lên 21.600 đồng/CP và khớp 6,73 triệu đơn vị; còn OIL tăng 3,8% lên 11.000 đồng/CP và khớp 1,56 triệu đơn vị.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn