Nỗ lực hồi phục bất thành khiến thị trường giật lùi và tiếp tục có thêm phiên giảm sâu khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng. Thanh khoản tiếp tục ảm đạm trong bối cảnh dòng tiền chủ yếu vẫn đứng ngoài quan sát.
Thị trường đã trải qua phiên giảm mạnh thứ 4 liên tiếp với mức giảm lên tới gần 70 điểm và vẫn chưa có dấu hiệu ổn định khi chỉ báo kỹ thuật RSI cho thấy thị trường bắt đầu tiến vào vùng quá bán. Ngoài ra, hầu hết các chỉ báo ở cả khung đồ thị ngày và giờ vẫn chưa có tín hiệu tạo đáy và chuyển biến tích cực trở lại.
Rủi ro chỉ số mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn ở mức cao và VN-Index có thể sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ 1.060-1.065 điểm. Tuy nhiên, Yuanta Việt Nam cho rằng, trong lịch sử thì vùng giá này được đánh giá là vùng hỗ trợ mạnh, cùng với các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục giảm vào vùng giá bán, nên thị trường có thể sớm xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật khi đồ thị giá giảm về vùng giá hỗ trợ này.
Trong bối cảnh thị trường trong nước chưa có tín hiệu gì lạc quan, ở thị trường chứng khoán quốc tế đã chứng kiến phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ. Bên cạnh đà giảm của chứng khoán Mỹ với tất cả các chỉ số chính đều mất điểm, tại thời điểm sáng nay theo giờ Việt Nam, chứng khoán châu Á cũng đồng loạt mất điểm.
Quay lại diễn biến thị trường chứng khoán Việt phiên sáng ngày 20/10, giao dịch tiếp diễn trạng thái ảm đạm. Cùng thanh khoản nhỏ giọt với dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài, chỉ số VN-Index biến động rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Thị trường có chiều hướng xấu hơn sau khoảng hơn 1 giờ mở cửa khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ. Với số mã giảm gấp hơn 2 lần số mã tăng tại thời điểm 10h23’, chỉ số VN-Index đang thử thách với mốc 1.080 điểm.
Các nhóm ngành cổ phiếu cũng biến động trong biên độ hẹp, tuy nhiên các nhóm chính như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều đang mất điểm. Trong đó, các mã giao dịch sôi động nhất thị trường vẫn là chứng khoán, gồm VND và SSI khớp trong khoảng 7-8 triệu đơn vị, VIX khớp gần 6 triệu đơn vị.
Trong rổ VN30 chỉ còn 5 mã thoát sự điều chỉnh với VPB, TCB, MSN, ACB, MWG; trong khi có tới 18 mã giảm, đáng kể là GAS và VIC đang giảm hơn 2%, còn gây sức ép lớn nhất thị trường là VCB khi lấy đi hơn 1,2 điểm của chỉ số chung.
Trong khi lực cầu vẫn tham gia nhỏ giọt thì áp lực bán tiếp tục gia tăng về cuối phiên khiến VN-Index nới rộng đà giảm.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 10,75 điểm (-0,99%), xuống 1.077,1 điểm với 93 mã tăng, trong khi có 364 mã giảm. Tổng khối giao dịch đạt hơn 289,7 triệu đơn vị, giá trị 6.086 tỷ đồng, giảm 7,44% về khối lượng và 9,87% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,75 triệu đơn vị, giá trị 578,84 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn chỉ có 5 mã tăng và chủ yếu chỉ tăng trên dưới 0,5%, ngoại trừ duy nhất MWG tăng 1,3%.
Ngược lại, VIC tiếp tục giật lùi và chốt phiên giảm 3%, GAS giảm 2,3%, SSI và VCB cùng giảm 2%…. Trong đó, riêng VCB lấy đi hơn 2,3 điểm của chỉ số chung, còn VIC và GAS đều lấy đi hơn 1 điểm.
Xét về nhóm ngành, chỉ còn 3 nhóm nhỏ là sản xuất thiết bị, máy móc; sản phẩm cao su và tài chính khác giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ.
Còn lại các nhóm ngành đều mất điểm. Trong đó, nhóm chứng khoán đi đầu với VND và SSI giảm trên dưới 2%, FTS giảm 2,6%, AGR giảm gần 4%, BSI giảm 3,8%, cùng hàng loạt mã giảm hơn 1%… Tuy nhiên, bộ 3 gồm VND, SSI và VIX vẫn là các mã giao dịch sôi động nhất thị trường khi cùng đạt hơn 10 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý khi ngược dòng thành công là HCM đã hồi phục khá tốt về cuối phiên và tạm dừng phiên sáng nay tại mức giá 27.900 đồng/CP, tăng 3,1%; ngoài ra còn có VDS tăng 1,75%.
Nhóm ngân hàng tiếp tục mất điểm bởi gánh nặng lớn từ anh cả VCB. Tuy nhiên, một số mã đã chốt phiên tăng nhẹ như EIB, STB, VPB, ACB, đáng kể là LPB chốt phiên tăng hơn 2,1%.
Ở nhóm bất động sản, một số mã đã đảo chiều hồi phục thành công hoặc vẫn giữ được sắc xanh như DXG tăng 2,87%, DIG, VCG đều tăng hơn 1,5%, PDR nhích nhẹ…
Trên sàn HNX, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ sau nỗ lực cầm cự trong nửa đầu phiên.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,66 điểm (-0,74%) xuống 221,78 điểm với 36 mã tăng và 107 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,57 triệu đơn vị, giá trị 745,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,53 triệu đơn vị, giá trị đạt 43,9 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn là “vua” thanh khoản trên HNX với gần 10,6 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, nhưng diễn biến giá không nằm ngoài xu hướng chung của ngành khi chốt phiên giảm 2,5% xuống mức 15.400 đồng/CP.
Ngoài ra, MBS giảm 2,5% xuống 19.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 3,17 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, đáng chú ý là HUT đã đảo chiều hồi phục thành công sau 2 phiên giảm sâu. Chốt phiên HUT tăng 2% lên mức 20.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,7 triệu đơn vị.
Trên UPCoM cũng không ngoài xu hướng ảm đạm chung.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,75 điểm (-0,88%), xuống 84,26 điểm với 87 mã tăng và 174 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,73 triệu đơn vị, giá trị 266,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 4,14 triệu đơn vị, giá trị đạt 37,43 tỷ đồng, trong đó riêng TL4 thỏa thuận 4,27 triệu đơn vị, giá trị đạt 31,1 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR tiếp tục giảm 0,5% xuống mức 20.100 đồng/CP, thanh khoản tốt nhất thị trường với gần 2,98 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Tiếp theo là HSA và SBS cùng đạt khối lượng giao dịch hơn 1,1 triệu đơn vị, chốt phiên HAS tăng 1% lên 30.300 đồng/CP, còn SBS giảm 2,9% xuống 6.800 đồng/CP.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn