Theo thống kê từ số liệu các doanh nghiệp công bố mùa ĐHĐCĐ thường niên 2023, không hiếm doanh nghiệp có số lượng cổ đông vượt mức 10.000.
HPG&SSI&NVL&DIG&CEO&HAG&BSR:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Ngoài kế hoạch kinh doanh hay tăng vốn, mùa ĐHCĐ 2023 còn thu hút sự chú ý với câu chuyện xoay quanh số cổ đông của các doanh nghiệp. Nhiều tên tuổi lớn đã “kết nạp” thêm hàng vạn cổ đông mới sau khoảng 1 năm. Thậm chí có lãnh đạo đã thừa nhận rằng chưa từng chứng kiến sự “phình to” nhanh như vậy của lượng cổ đông tại doanh nghiệp mình.
Theo thống kê từ số liệu các doanh nghiệp công bố mùa ĐHĐCĐ thường niên 2023, không hiếm doanh nghiệp có số lượng cổ đông vượt mức 1 vạn người, trong đó có nhiều cái tên “hot” từng làm mưa, làm gió trên sàn chứng khoán. “Quán quân” thậm chí xấp xỉ mức 200.000 cổ đông.
Không bất ngờ khi được mệnh danh là cổ phiếu “quốc dân”, Hoà Phát (HPG) tiếp tục là doanh nghiệp có số cổ đông nhiều nhất sàn chứng khoán mùa đại hội năm 2023 với hơn 179 nghìn cổ đông, tăng khoảng 20.000 cổ đông so với năm trước. Con số này tương đương với dân số của một số quận trung tâm của Thành phố Hà Nội như Tây Hồ, Hoàn Kiếm.
Chứng khoán SSI thì ghi nhận gần 86 nghìn cổ đông tại thời điểm chốt danh sách cổ đông họp. Dù không công bố cụ thể song công ty cùng ngành là Chứng khoán VNDirect cũng có lượng cổ đông lên tới hàng chục nghìn.
Tại nhóm bất động sản, DIC Corp (DIG) hay C.E.O group (CEO) được biết tới là những cổ phiếu sở hữu lượng lớn cổ đông nhỏ lẻ giao dịch “lướt sóng”, tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi tự do cao. Theo ghi nhận, số cổ đông của DIC Corp là 64.907 vào thời điểm đại hội năm 2023, tăng gần 17 nghìn cổ đông so với con số năm trước. C.E.O Group cũng ghi nhận tới gần 44 nghìn cổ đông, tăng hơn 1 nghìn cổ đông so với năm 2022.
Cùng ngành , Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) cho biết tiếp nhận được khoảng 60.000 cổ đông trong năm 2023. Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn, lần đầu tiên sau 30 năm hoạt động doanh nghiệp này chứng kiến số lượng nhà đầu tư nhiều như vậy.
Danh sách doanh nghiệp có trên 20.000 trên sàn còn nhiều cái tên khác như Hoàng Anh Gia Lai (HAG) ghi nhận gần 53 nghìn cổ đông tại thời điểm đại hội năm 2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) có gần 38 nghìn cổ đông, Nam Kim (NKG) có gần 37 nghìn cổ đông, Vinaconex (VCG) có gần 36 nghìn cổ đông.
Nhiều nguyên nhân đưa số lượng cổ đông tăng vọt chỉ trong vài năm
Giai đoạn vài năm gần đây, thị trường chứng khoán chứng kiến lượng lớn dòng tiền xuất phát từ lực lượng nhà đầu tư cá nhân, chiếm từ 80-90% thanh khoản toàn thị trường. Ghi nhận xuyên suốt từ đầu năm 2021 tới nửa cuối năm 2022, mỗi tháng đều đặn có hơn 100.000 tài khoản mở mới từ nhà đầu tư trong nước. Đây phần lớn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ mới gia nhập (F0), ít kinh nghiệm nhưng mong muốn có lời nhanh. Do đó, xu hướng chung họ sẽ tìm tới những cổ phiếu của doanh nghiệp tên tuổi lớn có độ nhận diện cao, nhiều thông tin tham khảo, đồng thời sở hữu thanh khoản tốt để dễ giao dịch mua bán.
Cũng chính nhờ sự bùng nổ của thị trường, không ít công ty đã tận dụng sự hưng phấn nhằm triển khai hàng loạt kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu mới cho cổ đông hay chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu lưu hành tăng mạnh trong xu hướng nhà đầu tư đổ xô vào thị trường đã đưa lượng cổ đông tại các doanh nghiệp ngày càng “phình to”.
Không chỉ vậy, việc áp dụng giao dịch lô lẻ trên sàn HoSE mới chỉ được thực hiện từ cuối năm 2022, được kỳ vọng giúp nhà đầu tư thuận tiện hơn. Dù vậy, giao dịch không hoàn toàn dễ dàng khi thanh khoản thấp, lệnh đặt nhưng không có bên đối ứng, khiến nhiều cổ đông vẫn còn có tên trong danh sách “dự họp” dù chỉ nắm vài cổ phiếu.
Trong một số trường hợp cá biệt, nhịp chỉnh sâu của thị trường khiến nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh, bốc hơi hàng chục phần trăm giá trị. Điều này đã gây ra hiện tượng bán giải chấp tại một vài cổ đông lớn hay lãnh đạo doanh nghiệp, khiến cho gia tăng tỷ lệ freefloat (cổ phiếu trôi nổi). Lượng cung khổng lồ được hấp thụ bởi nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ham mê “bắt đáy” đã đưa số lượng cổ đông tại nhiều doanh nghiệp tăng đột biến.
Có thể kể tới là Novaland. Trong giai đoạn 3 tháng lao dốc của giá cổ phiếu NVL cuối năm 2022, nhóm cổ đông lớn liên quan tới ông Bùi Thành Nhơn đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp, cộng thêm việc nhóm này chủ động bán bớt cổ phần đã đẩy ra thị trường hàng chục triệu cổ phiếu. Ghi nhận theo biên bản tại tháng 9/2022, số lượng cổ đông của Novaland chỉ là 13.878 nhưng tới cuối tháng 12 đã tăng vọt lên 67.668 cổ đông, đồng nghĩa mỗi ngày Novaland có thêm 680 cổ đông.
Phấn đấu 10% dân số vào năm 2030 tham gia thị trường chứng khoán
Trong dự thảo quyết định “Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030”, Bộ Tài Chính đặt mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 8% dân số vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030. Trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế (như tổ chức FTSE và MSCI). Nỗ lực của cơ quan quản lý cùng các công ty chứng khoán thời gian qua trong việc sớm đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào hoạt động cũng đem đến hy vọng về hệ thống mới sẽ là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường, điều vốn được nhà đầu tư chứng khoán chờ đợi trong suốt nhiều năm qua. Đây cũng là những động lực sẽ thúc đẩy lượng nhà đầu tư tiếp tục tăng lên theo một cách bền vững nhất.
HoSE sẽ đình chỉ giao dịch với một cổ phiếu doanh nghiệp có lãnh đạo bị khởi tố hình sự
Theo Cafef