Tình hình kinh tế tháng 8 đã xuất hiện những tín hiệu sáng và kỳ vọng sự hồi phục sẽ kéo dài cả trong những tháng cuối năm mang lại cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Vĩ mô dần khởi sắc
Trong tháng 8, tình hình vĩ mô đã cho thấy sự cải thiện tốt hơn từ các động lực tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Võ Văn Minh, Giám đốc ACBS Chi nhánh Cách Mạng Tháng Tám TP. HCM đánh giá, chỉ số mua hàng (PMI) tháng 8 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm lần đầu trong 6 tháng, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ.
Ông Võ Văn Minh, Giám đốc ACBS Chi nhánh Cách Mạng Tháng Tám TP. HCM. |
Đặc biệt, xuất khẩu đã thu hẹp đà giảm, xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 7,7% so với tháng trước. Nếu so sánh với các tháng 5 (tăng 4,3%); tháng 6 (tăng 4,5%); tháng 7 (tăng 0,8%) thì mức tăng của tháng 8 là rất khả quan. Tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD).
Ngoài ra, dòng vốn FDI tháng 8 cũng tăng mạnh với 1,91 tỷ USD, nâng tổng vốn FDI 8 tháng của năm vọt lên 18,15 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã tăng 8,2%. Đây là nguồn vốn quan trọng đối với Việt Nam khi mà nguồn vốn trong nước tăng chậm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt dưới 4,6% so với chỉ tiêu 15% trong năm 2023.
“Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2023 thấp cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu. Theo quy luật cung cầu thì lãi suất cho vay sẽ giảm thêm và lãi suất huy động có thể tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ, mặc dù không kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành, bởi áp lực tỷ giá khi mà đồng USD tăng giá”, ông Minh nói.
Trong thời gian cuối năm, ông Minh cho rằng, khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng nhanh hơn khi các ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay. Đồng thời, dòng vốn FDI vẫn tích cực, bởi vì Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế cạnh tranh trong xu hướng tái định hình chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Agriseco cũng nhận thấy, tín hiệu tốt hơn đang đến từ các thị trường xuất khẩu nước ngoài. Mặc dù lực cầu vẫn còn khá yếu, phục hồi tương đối chậm và còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung nhu cầu có sự phục hồi nhẹ cũng là tín hiệu tích cực cho ngành sản xuất thời gian tới, khi số lượng đơn đặt hàng mới, hàng hóa xuất khẩu và mua hàng đều tăng trở lại.
Trong nước, lạm phát được kiểm soát, lãi suất ở mức thấp sẽ là dư địa để thúc đẩy đầu tư công. Ngoài ra, động lực cũng sẽ đến từ hoạt động du lịch phục hồi. Bên cạnh đó, các chính sách được triển khai từ đầu năm thì cuối năm sẽ phát huy tác dụng và sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Agriseco. |
Dù nền kinh tế nhìn chung đã dần đón nhận những tin vui, nhưng trước những khó khăn vừa qua, nhiều tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh từ 6,5% xuống còn 5,8%; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ từ 5,8% về mức 4,7%, và đây cũng là con số dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Mối lo ngại hiện tại của ông Minh là lạm phát, vì giá các nhiên, nguyên liệu đã tăng trở lại như: xăng dầu; lương thực… nên Fed sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được lạm phát mục tiêu 2%.
Trong khi đó, ông Khoa chú ý đến lượng trái phiếu đáo hạn trong những tháng cuối năm của các nghiệp bất động sản còn lớn. Tỷ giá cũng là yếu tố cần lưu tâm khi tăng mạnh trong 2 tháng gần đây. Ngoài ra, tình hình địa chính trị thế giới đang diễn ra phức tạp, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Kiếm tìm cơ hội đầu tư
Hiện tại, các chuyên gia đánh giá không có kênh đầu tư nào hiệu quả như chứng khoán và thị trường chứng khoán cũng đang được nâng đỡ bởi yếu tố dòng tiền. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư mà cần xây dựng chiến lược hiệu quả. Ông Khoa nhìn nhận, chiến lược hợp lý trong thời điểm này là chỉ nên đầu tư ngắn hạn, khoảng 1 tháng trở lại rồi tiếp tục theo dõi thị trường, bởi diễn biến của thị trường sẽ phụ thuộc vào lãi suất, lãi suất đảo chiều sẽ tác động lớn đến thị trường chứng khoán.
Hiện tại, không có kênh đầu tư nào hiệu quả như chứng khoán và thị trường chứng khoán cũng đang được nâng đỡ bởi yếu tố dòng tiền.
Trong những tháng cuối năm, chuyên gia Agriseco nhận thấy cơ hội sẽ xuất hiện ở các nhóm xoay quanh câu chuyện đầu tư công như đá xây dựng, nhà thầu, sau đó đến nhóm phụ trợ như nhựa đường, thép… Thứ hai là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm 2022 tăng trưởng âm, thì năm nay sẽ tăng mạnh như thép, chứng khoán… Nhà đầu tư cũng có thể xem xét cơ hội từ nhóm cổ phiếu bám theo hàng hoá như thịt heo, gạo, đường…. Một số doanh nghiệp xuất khẩu trong nhóm thuỷ sản, dệt may cũng đang có chuyển biến tích cực hơn.
Ông Võ Văn Minh cũng đồng quan điểm về nhóm xuất khẩu chủ lực như nông, thủy sản… được kỳ vọng sẽ vận động tích cực hơn nhờ hoạt động xuất khẩu cải thiện hơn. Bên cạnh đó, ông bổ sung nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng vô cùng tiềm năng do dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng.
“Mặc dù kỳ vọng các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất sẽ cải thiện tốt hơn trong thời gian tới, nhưng từ đầu năm đến nay, chứng khoán Việt Nam đã tăng 25% nên cơ hội đầu tư sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành hoặc những cổ phiếu có câu chuyện riêng”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn