Sau đà tăng nóng, một lượng lớn cổ phiếu FIT đã được phân phối ra thị trường, cùng với đó là số lượng cổ đông nhỏ lẻ tăng lên nhanh chóng.
Mã FIT của CTCP Tập đoàn F.I.T chốt phiên 5/10 ở mức 4.860 đồng/CP, con số này cách rất xa so với mức đỉnh 21.000 đồng được xác lập vào tháng 8/2021. Với mốc giá này, FIT vẫn nằm sâu dưới giá trị sổ sách (giá trị số sách của FIT là 11.690 đồng/CP).
Mức giá trên được cho là không xứng tầm với một tập đoàn ít nhiều có vị thế như FIT. “Là Chủ tịch Tập đoàn, tôi đánh giá giá cổ phiếu F.I.T đang rẻ hơn nhiều so với giá trị nội tại của công ty, dựa trên giá trị tài sản qua việc nắm giữ các công ty con”, ông Nguyễn Văn Sang, người đứng đầu doanh nghiệp này từng nhấn mạnh tại ĐHĐCĐ thường niên (AGM) 2023.
Có lẽ bởi triển vọng trên, FIT luôn nhận được sự quan tâm đông đảo của nhà đầu tư, đặc biệt là giai đoạn 2021-2022 khi cổ phiếu đầu cơ lên ngôi. Tại ngày 17/4/2023, FIT có tới 24.345 cổ đông – là một trong những doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn trên thị trường chứng khoán.
Khoảng thời gian này cũng là giai đoạn thanh khoản của FIT tăng đột biến, thường xuyên hơn 5 triệu đơn vị/ phiên, có phiên lên tới hơn 30 triệu đơn vị. Đi cùng là nhiều nhịp tăng giảm đan xen theo chiều hướng đi xuống, kéo giá FIT giảm tới 76% từ vùng 21.000 đồng/CP nửa cuối năm 2021 về còn quanh mức 5.000 đồng từ tháng 9/2022 tới nay.
Cùng với đó cơ cấu cổ đông của FIT cũng ghi nhận sự pha loãng đáng kể. Thông thường, tham dự ĐHĐCĐ là cổ đông lớn, cổ đông chi phối, ít có sự hiện diện của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do vậy, các chuyên gia đánh giá tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự ĐHĐCĐ là một tiêu chí đo lường mức độ pha loãng trong cơ cấu sở hữu của một doanh nghiệp đại chúng.
Với FIT, biên bản AGM ngày 22/4/2021 ghi nhận có 19 cổ đông tham gia, chiếm 54,92% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, trong khi AGM ngày 26/6/2020, tỷ lệ này là 67,2%, còn trước nữa, tại AGM ngày 26/4/2019 là 63,26%, AGM 2018 đạt số tuyệt đối 100%. Dù vậy, tỷ lệ này bắt đầu giảm nhanh về còn 36,3% tại AGM ngày 17/6/2022, tức là có 167 triệu cổ phần không tham dự. Tới AGM 24/5/2023 tăng nhẹ lên 48,1%.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn , Tập đoàn F.I.T được thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ 35 tỷ đồng, con số này được nâng lên thành 150 tỷ trong năm 2012. Một năm sau đó, F.I.T đã chính thức niêm yết 15 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội với mã FIT. Cũng kể từ đây, F.I.T liên tục đầu tư vào các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau như dược phẩm, hàng tiêu dùng, bất động sản như FIT Comestic, Nước khoáng Khánh Hòa, Westfood Hậu Giang, FIT Land,…đặc biệt có 2 khoản đáng chú ý là CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) và CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL).
Trong đó, FIT đã mua vào 16,13% cổ phiếu DCL của Dược phẩm Cửu Long từ tháng 1/2015 và có thời điểm tăng tỷ lệ sở hữu lên 74,61% (tháng 6/2018). Hiện nay tỷ lệ này là 58,05%. Còn đối với Nông nghiệp Cần Thơ, FIT trở thành cổ đông lớn vào tháng 8/2014 và đến tháng 5/2016 nâng tỷ lệ sở hữu lên 56,69%. Đến tháng 6/2023, FIT nắm 41% vốn TSC.
Cũng như FIT, cả TSC và DCL đều là những mã chứng khoán nhận được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư. Tại AGM 2023, DCL có 2.557 cổ đông còn TSC có đến 11.793 cổ đông.
Ẩn số Dũng Tâm
Sở hữu tệp doanh nghiệp thành viên đồ sộ nên quy mô tài sản, nguồn vốn của FIT cũng liên tục được nới rộng sau một loạt động thái chào bán cổ phần huy động vốn. Đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản đạt 7.847 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 6.461 tỷ đồng.
Cùng với đó, FIT cũng tích cực gia tăng vốn điều lệ, riêng giai đoạn 2021-2022, công ty này đã tăng vốn điều lệ từ 2.547 tỷ đồng lên 3.399 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trước; phát hành cổ phiếu trả cổ tức; phát hành cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư.
Trong đó đáng chú ý là đợt chào bán 51 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng, hoàn tất tháng 6/2022. Lưu ý rằng, trong đợt chào bán này đã có đến 32 triệu cổ phiếu không phân phối hết, số này sau đó đã thuộc về là ông Nguyễn Tuấn Khai (8,48 triệu CP), Võ Thị Hồng Thắm- Tổng giám đốc TSC (8 triệu CP), Đặng Thị Thanh Thủy (8 triệu CP) và bà Nguyễn Thu Hoài (7,5 triệu CP).
Đây đều là các cá nhân liên quan đến ông Nguyễn Văn Sang-Chủ tịch HĐQT FIT. Để tường minh hơn, tại AGM 2023, ông Sang đã đại diện cho 4 cá nhân trên và cùng 23 cổ đông là các cá nhân và 1 tổ chức với tổng số cổ phần có quyền biểu quyết lên đến 155,3 triệu, tương ứng 45,6% VĐL. Riêng CTCP Đầu tư Dũng Tâm là 30,3%. Chủ tịch HĐQT Dũng Tâm không ai khác chính là ông Nguyễn Văn Sang. Ở chi tiết đáng chú ý, số cổ phần mà ông Sang đại diện đã gần xấp xỉ với tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại AGM 2023 (48,1%).
Dũng Tâm thành lập ngày 16/10/2012, muộn hơn khoảng 5,5 năm so với F.I.T. Trước khi đổi tên thành CTCP Đầu tư JJK Holdings vào đầu năm 2023 thì công ty này từng có tên là CTCP phần Tập đoàn FIT. Khi đó, nó chỉ khác tên của F.I.T đúng hai dấu “.”.
Lưu ý rằng, F.I.T cũng từng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên Dũng Tâm. Vào năm 2012, Tập đoàn này từng góp 68 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 18,63%) để thành lập Dũng Tâm. Đến cuối năm 2013 F.I.T đã thoái vốn triệt để và không còn có tên trong danh sách cổ đông sáng lập của Dũng Tâm.
Theo giấy đăng ký kinh doanh công bố vào ngày 20/8/2018, Dũng Tâm có tổng cộng 8 cổ đông sáng lập, đóng góp tạo nên 1.030 tỷ đồng vốn điều lệ. 6 trong số đó là cổ đông cá nhân. 2 cổ đông tổ chức là CTCP Hạt giống TSC-công ty con của TSC (đóng góp 2,33%) và CTCP Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam (đóng góp 9,3%). Nên biết, tại ngày 30/6/2023, DCL đang nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 9,62% VĐL CTCP Đầu tư Thương mại Hoa Sen Việt Nam.
Những cổ đông lớn còn lại của Dũng Tâm bao gồm một số lãnh đạo cấp cao của F.I.T, như ông Nguyễn Văn Sang – Chủ tịch HĐQT F.I.T (43,4%); bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – CEO F.I.T (17,6%); ông Phạm Công Sinh – Thành viên HĐQT F.I.T (7%); ông Phan Trung Phương – cựu Chủ tịch HĐQT F.I.T (18,37%). Ông Nguyễn Văn Sang sau đó cũng đã nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên mức quá bán 62,8%.
Dũng Tâm xuất hiện tại Tập đoàn F.I.T vào đầu năm 2016, sau khi ông Nguyễn Văn Sang lên làm Chủ tịch HĐQT FIT. Không lâu sau đó, Dũng Tâm đã được AGM 2017 của FIT chấp thuận được sở hữu đến 51% số cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết đang lưu hành của CTCP Tập đoàn F.I.T mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Đến tháng 4/2018, Dũng Tâm trở thành công ty mẹ của FIT với tỷ lệ nắm giữ tại tháng 6/2019 là 51%.
Dù vậy, trong giai đoạn thăng hoa của cổ phiếu FIT vào nửa cuối năm 2021, Dũng Tâm đã bán ra 50 triệu cổ phiếu FIT, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 30,4% và giữ nguyên cho đến hiện nay.
Tự doanh CTCK bán ròng gần 200 tỷ đồng trong phiên 5/10, tâm điểm tại cổ phiếu ngân hàng
Theo Cafef