Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa chứng kiến một tuần điều chỉnh sau chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp trước đó. Tâm lý thận trọng tăng cao kéo theo thanh khoản thấp và vận động dòng tiền hạn chế.
Đà chốt lời xuất hiện ngay từ phiên đầu tuần trước và áp lực bán ngày càng gia tăng sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu vĩ mô quý II chưa có nhiều sự cải thiện tích cực. Cụ thể, GDP Việt Nam tiếp tục tăng trưởng thấp trong quý II/2023 do thiếu hụt đơn hàng cho lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, khó có thể kỳ vọng bức tranh kết quả kinh doanh quý II/2023 của các doanh nghiệp niêm yết có sự chuyển biến tích cực. Do đó, một bộ phận nhà đầu tư đã đẩy mạnh chốt lời và kỳ vọng mua lại cổ phiếu ở vùng giá thấp hơn khi thông tin về kết quả kinh doanh kém tích cực xuất hiện.
Chốt tuần giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 9,2 điểm đóng cửa tại 1.120,2 điểm (-0.81% so với tuần trước). Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Index điều chỉnh giảm 1,8% xuống mức 227,3 điểm và chỉ số UPCOM-Index nhích tăng nhẹ 0,4% lên mức 86 điểm.
Thanh khoản giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 19.052 tỷ đồng (-2,1% so với tuần trước).
Tuần này, khối ngoại tiếp tục bán ròng tuy nhiên với giá trị không đáng kể là 39,2 tỷ đồng (-80,6% so với tuần trước). Cụ thể, giá trị bán ròng trên HOSE và UPCOM lần lượt đạt 69,4 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng thấp hơn lần lượt 62,4% và 84,5% so với giá trị bán ròng tuần trước. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng trên HNX đạt 32,4 tỷ đồng, đảo chiều so với động thái bán ròng trong tuần trước đó.
Thị trường tuần qua chịu áp lực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như BID (-2,1%), VHM (-1,8%), GAS (-2,3%), VIC (-1,9%) và MSN (-2,7%). Ngược lại, HPG tiếp tục tăng điểm tích cực với mức tăng 3,0%, theo sau là một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VNM (+2,8%), GVR (+2,1%), CTG (+0,9%) và FPT (+1,1%).
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, CTCK VNDIRECT, nhịp giảm điểm trong tuần vừa qua chưa ảnh hưởng nhiều tới xu hướng tăng của thị trường.
“Chúng tôi cho rằng, lực cầu bắt đáy sẽ sớm xuất hiện và giúp chỉ số VN-Index phục hồi trở lại khi chạm hỗ trợ là đường xu hướng ngắn hạn (MA20), tương ứng vùng 1.115 – 1.120 điểm. Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu, dòng tiền sẽ không rút khỏi thị trường mà tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu”, ông Đinh Quang Hình nhận định.
Do đó, mặc dù các chỉ số chứng khoán có thể chưa bứt phá mạnh ở thời điểm hiện tại nhưng một số nhóm cổ phiếu vẫn có thể hút dòng tiền và ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung.
Vì vậy, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp tạm nghỉ hiện tại của thị trường để tái cơ cấu danh mục đầu tư, ưu tiên lựa chọn những nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ rõ rệt và triển vọng kết quả tích cực trong nửa cuối năm 2023, bao gồm ngành hưởng lợi sớm từ xu hướng giảm của lãi suất (ngân hàng, chứng khoán) cũng như ngành hưởng lợi từ động thái thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Chính phủ và các doanh nghiệp quốc doanh (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng và dầu khí).
Trong khi đó, Agriseco nghiêng về kịch bản VN-Index sẽ biến động quanh vùng 1.115 – 1.125 điểm với thanh khoản thấp trong các phiên đầu tuần trước khi hồi phục lại vùng 1.130 – 1.140 điểm trong các phiên cuối tuần. Trong trung và dài hạn xu hướng thị trường vẫn là xu hướng tăng, do đó những nhịp điều chỉnh ngắn hạn là cơ hội để nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu. Tại vùng hỗ trợ 1.115 – 1.120 điểm (tương ứng đường MA20), chuyên gia Agriseco gợi ý nhà đầu tư có thể giải ngân vào các nhóm thép, ngân hàng, thực phẩm đồ uống, khu công nghiệp, ưu tiên các mã cổ phiếu đầu ngành.
Trên thị trường tài chính toàn cầu, chứng khoán Mỹ giằng co trước quan điểm tăng lãi suất của Ngânhàng Dự trữ Liên bang (FED). Các chỉ số chứng khoán vẫn hồi phục cuối tuần và tăng bình quân 1,2% nhờ GDP điều chỉnh tăng và đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm.
Tại châu Âu, chỉ số EU600 tăng 1,9%, dẫn dắt bởi mức tăng 3,3% của thị trường chứng khoán Pháp. Cùng với thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng 1,6%, thị trường chứng khoán Nhật hồi phục 1,2% sau tuần giảm điểm.
Trong tuần này, ngoài biên bản họp định kỳ của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) công bố, thị trường sẽ chú ý đến cuộc họp của OPEC.
Tại diễn đàn thường niên ECB tại Sintra, chủ tịch ngân hàng trung ương lớn như Mỹ, châu Âu, Anh đều cam kết mạnh tay hơn với lạm phát. Chủ tịch FED kỳ vọng nâng lãi suất ít nhất 2 lần năm nay và để ngỏ khả năng tăng trong kỳ họp tháng 7 và tháng 9. ECB sẽ tăng lãi suất tháng 7 và ít chắc chắn hơn tại kỳ họp tháng 9. Riêng chủ tịch BOJ theo đuổi lãi suất thấp khi lạm phát cơ bản vẫn dưới 2% tuy nhiên sẵn sàng thay đổi khi lạm phát vượt mục tiêu 2% trong năm 2024. Lãnh đạo các ngân hàng trung ương chủ chốt đều khẳng định quyết tâm trong bối cảnh chính sách thắt chặt tiền tệ chưa tác động nhiều đến lạm phát.
Theo Cafef