Một số doanh nghiệp đang triển khai kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Gương mặt tân binh
Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia (Hoàng Gia) vừa IPO 9 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn điều lệ, với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, nhằm bổ sung vốn lưu động và đầu tư nhà máy. Công ty có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE vào tháng 12/2023.
Hoàng Gia hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, sở hữu 2 nhà máy với 5 dây chuyền sản xuất gạch, công suất 16,5 triệu m2/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty đạt doanh thu xấp xỉ 549 tỷ đồng, cao thứ 4 so với các doanh nghiệp gạch ốp lát niêm yết; biên lợi nhuận gộp đạt 21,2%, đứng thứ 2 so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Công ty cổ phần BCG Land đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để đưa 460 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, với mã chứng khoán BCR.
BCG Land là doanh nghiệp bất động sản do Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) sở hữu 71,53% vốn điều lệ, được thành lập năm 2018, với vốn điều lệ ban đầu 600 tỷ đồng, hiện đã tăng lên 4.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp có kế hoạch sẽ tăng thêm 4.000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để hoán đổi 2.500 tỷ đồng nợ vay trái phiếu và chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.
Trong nửa đầu năm 2023, BCG Land đạt 353,4 tỷ đồng doanh thu và 126 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 41% và 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán DNSE vừa thông qua nghị quyết về việc triển khai phương án IPO, dự kiến thực hiện trong quý IV/2023 hoặc quý I/2024. DNSE sẽ chào bán 30 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 30.000 đồng/cổ phiếu, nhằm bổ sung vốn cho dịch vụ ứng trước tiền bán, giao dịch ký quỹ, hoạt động tự doanh chứng khoán, đầu tư các giấy tờ có giá, đầu tư cơ sở hạ tầng… Bên cạnh đó, DNSE dự kiến phát hành thêm 6 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, DNSE đặt mục tiêu đăng ký niêm yết hoặc giao dịch trên UPCoM trong năm 2023 – 2024.
Mới đây, Công ty cổ phần phần Thuỷ sản Việt Úc đã đăng ký giao dịch hơn 134 triệu cổ phiếu trên UPCoM, với mã chứng khoán VUG.
Thuỷ sản Việt Úc hiện có vốn điều lệ 1.344 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi, sản xuất, chế biến tôm và đang chiếm khoảng 30% thị phần tôm giống ở Việt Nam. Năm ngoái, Công ty ghi nhận biên lợi nhuận gộp đạt 56%.
Thị trường khó vẫn có cơ hội
Quý IV/2023, thị trường chứng khoán từng được dự báo sẽ có diễn biến khả quan, VN-Index có thể hồi phục lên các ngưỡng điểm cao. Tuy nhiên, một số tổ chức gần đây giảm kỳ vọng về điểm số của VN-Index do các lo ngại liên quan đến lạm phát và tỷ giá, trong khi môi trường đầu tư toàn cầu không thuận lợi.
Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam hạ dự báo VN-Index cuối năm 2023 xuống 1.160 điểm, từ mức 1.240 điểm đưa ra hồi đầu năm cũng như trong báo cáo chiến lược quý gần nhất.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Vietcap hạ dự báo VN-Index cuối năm 2023 từ 1.300 điểm xuống 1.250 điểm.
Hiện tại, VN-Index đang dao động quanh mức 1.150 điểm, ở vùng giữa mức điểm cuối năm 2022 (1.007,09 điểm) và mức cao của năm 2023 (1.245,44 điểm ngày 12/9), nên bối cảnh thị trường không quá tích cực cho các kế hoạch IPO và lên sàn.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Agribank, thời điểm này vẫn phù hợp để các doanh nghiệp lên sàn.
“Không lên sàn lúc này thì biết chờ đến lúc nào”, ông Khoa nói.
Ông Khoa cho rằng, tiềm năng thị trường còn rất lớn và xu hướng dài hạn vẫn là tăng, một trong những động lực là các nhà đầu tư mới (F0) tiếp tục tham gia thị trường. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 172.695, nâng tổng số tài khoản lên hơn 7,78 triệu.
Bên cạnh các F0, lượng nhà đầu tư đã có kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng khi tham gia thị trường từ 2 năm trước (giai đoạn 2021 – 2022 có khoảng 4,1 triệu tài khoản mở mới) sẽ giúp cho việc IPO và lên sàn sắp tới của các doanh nghiệp được chú ý hơn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn