Trong tuần giao dịch từ ngày 3 – 7/7, chỉ số Vn-Index tăng 17,99 điểm lên 1.138,17 điểm và Hnx-Index giảm 1,5 điểm xuống 225,82 điểm. Ngoài ra còn có một số diễn biến đáng chú ý như BaF Việt Nam phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu 3 không, cổ phiếu HPX vào diện cảnh báo từ ngày 11/7…
Bán cổ phiếu trước thềm chia cổ tức
Tuần qua,
Vn-Index tăng
17,99 điểm lên 1.138,17 điểm. Trong tuần thanh khoản trên HoSE đạt hơn 77.623 tỷ đồng, giảm 6,3% so với tuần trước. Ngược lại, Hnx-Index giảm 1,5 điểm xuống 225,82 điểm. Thanh khoản trên HNX giảm 2,2% xuống 8.061 tỷ đồng.
Khối ngoại đã bán ròng gần 64 triệu đơn vị trên HoSE với tổng giá trị bán ròng tương ứng 1.862 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2,96 triệu đơn vị nhưng tổng giá trị là bán ròng hơn 11 tỷ đồng. Với sàn Upcom, khối ngoại bán ròng 1,74 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng gần 77 tỷ đồng. Như vậy, trong tuần giao dịch từ ngày 3 – 7/7, trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 62,49 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng gần 1.951 tỷ đồng.
Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) vừa phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu 3 không, gồm trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm với lãi suất 10,5%/năm, kỳ hạn 36 tháng. Đã có 6 tổ chức trong nước và nước ngoài mua 98,87% tổng lượng trái phiếu phát hành. Sau phát hành, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đã tăng từ 2,15 lên 2,31 lần.
Sau khi huy động 300 tỷ đồng trái phiếu, Công ty BaF Việt Nam sử dụng 225 tỷ đồng thanh toán chi phí mua hàng hoá, 50 tỷ đồng cho chi phí phụ gia, nguyên liệu sản xuất cám và còn lại 25 tỷ đồng trả chi phí thuê trang trại.
Quý I năm nay, BaF Việt Nam có doanh thu hơn 816 tỷ đồng, giảm gần 47% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 4 tỷ đồng, giảm gần 96% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,2% về còn 7,8%.
Công ty CP Thành An – cổ đông lớn của Công ty CP Nước sạch Quảng Trị (mã chứng khoán: NQT) muốn bán toàn bộ 7.934.102
cổ phiếu NQT
, chiếm 43,51% vốn điều lệ công ty. Giao dịch được thực hiện từ ngày 7/7 đến ngày 4/8 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, Thành An sẽ thoái hết vốn ở Nước sạch Quảng Trị. Ước tính, Thành An sẽ thu về khoảng 83 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi NQT.
Đáng chú ý, Nước sạch Quảng Trị vừa thông báo, ngày 20/7 sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 4,9%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 490 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 28/7/2023. Như vậy, nếu Công ty CP Thành An bán thành công lượng cổ phiếu NQT đã công bố trước ngày 19/7 thì sẽ không nhận được khoản cổ tức khoảng 4 tỷ đồng từ Nước sạch Quảng Trị.
Cổ
phiếu Hải
Phát bị cảnh báo
HoSE đã quyết định đưa cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) vào diện cảnh báo từ ngày 11/7/2023 do công ty chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.
Ngoài ra, HoSE cũng vừa đưa cổ phiếu HPX vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện cấp margin trong quý III/2023, do cổ phiếu này thuộc diện hạn chế giao dịch, đồng thời công ty chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – mã chứng khoán: SSB) quyết định phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng) với tổng tỷ lệ 20,3%.
Cụ thể, SeABank phát hành hơn 295 triệu cổ phiếu, tương đương 14,5% vốn điều lệ để trả cổ tức năm 2022 và phát hành hơn 118 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương 5,8% vốn điều lệ. Sau khi hoàn thành 2 đợt phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng hơn 4.134 tỷ đồng, từ gần 20.403 tỷ đồng lên 24.537 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, SeABank thông qua việc tăng vốn điều lệ lên tối đa 25.903 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ gần 20,3%, chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ hơn 4,6% và phát hành cổ phiếu ESOP.
Công ty CP Capella Group không còn là cổ đông lớn của Công ty CP DNP Holding (mã chứng khoán: DNP) sau khi bán ra hơn 4,75 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 28 – 29/6. Trước đó, Capella Group sở hữu hơn 9,7 triệu cổ phiếu DNP, chiếm 8,162% vốn điều lệ. Sau giao dịch, Capella Group giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,1% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn tại DNP.
Trong phiên giao dịch 28 – 29/6, có hơn 6,85 triệu cổ phiếu DNP được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị ghi nhận là gần 182 tỷ đồng. Nhiều khả năng, Capella Group đã bán số cổ phiếu trên thông qua thỏa thuận. Nếu chiếu theo thị giá trung bình 2 phiên trên là 28.850 đồng/cổ phiếu, ước tính
Capella Group
có thể thu về hơn 137 tỷ đồng sau khi hoàn tất thương vụ này.
Theo Cafef