Công bố thông tin tài chính đầy đủ, chính xác và kịp thời không chỉ có ý nghĩa giúp gia tăng niềm tin và sức hấp dẫn đối với cổ đông, nhà đầu tư tiềm năng và các bên có quyền lợi liên quan mà còn nâng cao hình ảnh của công ty trong mắt cơ quan quản lý thị trường.
Hàng năm vào khoảng thời gian này, thị trường chứng khoán Việt Nam dường như nóng hơn cùng mùa công bố báo cáo tài chính. Đây là thời điểm quan trọng để các nhà đầu tư tiếp cận được thông tin của các doanh nghiệp từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.
Theo thống kê của VNDirect, tính đến ngày 3/8, 1.085 công ty niêm yết trên ba sàn chứng khoán, chiếm 95,3% vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh báo cáo tài chính quý II/2023. Con số này cho thấy còn khá nhiều doanh nghiệp vẫn chậm công bố thông tin báo cáo tài chính.
Đến cuối tháng 8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) đã gửi công văn nhắc nhở đến loạt doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG); Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (HPX), Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (IBC), CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) hay Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC).
Vấn đề chậm công bố báo cáo tài chính không phải là chuyện mới trên thị trường chứng khoán, hầu như quý nào, năm nào cũng xuất hiện những doanh nghiệp xin hoãn công bố, chậm công bố, chỉ khác nhau ở số lượng. Đơn cử như tại Vietnam Airlines, những năm gần đây hãng hàng không này liên tục trong tình trạng chậm công bố thông tin dù đã bị nhắc nhở nhiều lần. Việc chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 khiến cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị hạn chế giao dịch từ ngày 12/7/2023, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến cổ đông HVN nói riêng cũng như làm khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trên thị trường chậm hơn.
Bên cạnh việc chậm công bố thông tin thì chất lượng BCTC cũng là vấn đề đáng bàn khi xuất hiện ngày càng nhiều thủ thuật mang tính “biến hóa” số liệu. Điều này dẫn đến sau khi được kiểm toán độc lập, thường sẽ có một số doanh nghiệp báo lỗ hoặc lãi tăng mạnh so với báo cáo tự lập, thậm chí từ lãi chuyển sang lỗ, hoặc ngược lại. Vì nhiều lý do khác nhau, các công ty đã giải trình biến động mạnh sau kiểm toán, nhưng thực tế biến động này đã diễn ra và ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư, cổ đông và thị trường.
Dù vậy cần lưu ý rằng, bên cạnh BCTC thì việc công bố các thông tin khác của doanh nghiệp niêm yết cũng là vấn đề đáng bàn, chẳng hạn như “khuyết” thông tin liên quan đến hoạt động, kinh doanh, phát hành chứng khoán của đơn vị; công ty niêm yết làm hồ sơ giả, thông tin sai lệch nghiêm trọng…
Minh bạch báo cáo tài chính tăng sức hấp dẫn cho chứng khoán
Công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời không chỉ có ý nghĩa giúp gia tăng niềm tin và sức hấp dẫn đối với cổ đông, nhà đầu tư tiềm năng và các bên có quyền lợi liên quan mà còn nâng cao hình ảnh của công ty trong mắt nhà đầu tư, cơ quan quản lý thị trường. Vấn đề minh bạch cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán và là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn.
Cần nhấn mạnh rằng, việc công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết đã được cơ quan quản lý quy định rõ. Trong đó, Khoản 3, Điều 14, Thông tư 96 nêu rõ tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn công bố báo cáo tài chính quý được soát xét (nếu có) trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 45 ngày, kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc quý.
Điều 8, Thông tư 96 cũng quy định đối tượng công bố thông tin được tạm hoãn công bố thông tin trong trường hợp vì những lý do bất khả kháng như: Thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh và các lý do bất khả kháng khác. Đối tượng công bố thông tin phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán về việc tạm hoãn công bố thông tin ngay khi xảy ra sự kiện (trong đó nêu rõ lý do của việc tạm hoãn công bố thông tin), đồng thời công bố về việc tạm hoãn công bố thông tin.
Việc “ém” thông tin đã đặt ra vấn đề về bất cân xứng thông tin trên thị trường, khiến nhà đầu tư chậm tiếp cận cũng như khó đánh giá toàn diện về “sức khỏe” của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Song mức phạt đưa ra lại được đánh giá là chưa tương xứng, chỉ dao động từ 10 triệu-3 tỷ đồng, dẫn đến trường hợp các doanh nghiệp vẫn vi phạm nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, tình trạng “xào nấu” số liệu, BCTC tự lập sai khác lớn với báo cáo tự lập, thậm chí từ lãi thành lỗ là vấn đề nhức nhối và vẫn kéo dài triền miên trên thị trường.
Ông Minh chỉ ra, thực tế các nhà đầu tư cá nhân thường không đủ kiến thức và nguồn lực để kiểm chứng thông tin. Họ thường không đọc hết BCTC toàn diện mà chỉ quan tâm mỗi doanh thu và lợi nhuận, vì vậy, rất khó phát hiện được khoản mục được doanh nghiệp che dấu trên BCTC. Tuy nhiên lưu ý rằng, việc công bố BCTC không minh bạch sẽ không thể kéo dài, bởi suy cho cùng thì lợi nhuận phải phát sinh từ phần cốt lõi chứ không thể nào là bán/chuyển nhượng dự án, luân chuyển giá từ một đơn vị trong hệ sinh thái…
Đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư, ông Minh nhìn nhận: “Nhà đầu tư nên lập danh sách đối với các doanh nghiệp báo lỗ hoặc lãi sau kiểm toán tăng mạnh so với báo cáo tự lập, hay lãi chuyển sang lỗ. Trong trường hợp cảm thấy nghi ngờ về tính minh bạch của doanh nghiệp, nhà đầu tư nên bỏ qua các đơn vị này. Về phía các doanh nghiệp, họ cũng cần cải thiện để thông tin đi vào thực chất, giúp nhà đầu tư hiểu được tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có thể đưa ra quyết định đầu tư”.
Theo Cafef