Nợ ngắn hạn ghi nhận 7.770 tỷ đồng khi tài sản ngắn hạn chỉ gần 3.400 tỷ tại thời điểm cuối quý 2, tương ứng vốn lưu động bị âm 4.300 tỷ đồng.
POM:
Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã POM) đã công bố BCTC soát xét bán niên 2023 với doanh thu thuần đạt 2.192 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ và giảm 10% so với báo cáo tự lập. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Pomina lỗ gộp 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 348 tỷ đồng. Dù vậy, mức lỗ gộp đã giảm 76 tỷ đồng so với con số ghi nhận tại báo cáo tự lập.
Pomina chịu thêm gánh nặng chi phí tài chính với 293 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, cao gấp 34 lần doanh thu tài chính, trong đó chi phí lãi vay tăng tới 40% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 78 tỷ đồng sau soát xét và khoản lỗ khác đạt 104 tỷ đồng.
Kết quả, Pomina lỗ ròng lên tới 504 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022 chỉ lỗ 23 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục mà doanh nghiệp thép này ghi nhận trong 6 tháng đầu năm.
Đáng nói, đơn vị kiểm toán Ernst & Young Việt Nam có ý kiến nhấn mạnh liên quan tới khoản lỗ thuần gần 505 tỷ đồng và khoản lỗ luỹ kế 758 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023. Bên cạnh đó, nợ ngắn hạn ghi nhận 7.770 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2, vượt quá lượng tài sản ngắn hạn gần 3.400 tỷ, tương ứng vốn lưu động bị âm 4.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 30/6/2023, Pomina ghi nhận khoản vay ngân hàng gần 6.266 tỷ đồng, trong đó 5.420 tỷ đồng là khoản vay ngắn hạn. Trong đó, nhiều khoản vay ngân hàng đã quá hạn thanh toán lãi và gốc với giá trị 2.200 tỷ đồng, không ít khoản vay khác cũng sắp đến hạn thanh toán vào đầu năm 2024.
Cùng với đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn có giá trị 922 tỷ đồng. Pomina đang trong quá trình làm việc với các nhà cung cấp để gia hạn thanh toán cho các khoản phải trả nói trên
Theo đơn vị kiểm toán, các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Thép Pomina.
Pomina trong văn bản giải trình cho biết khoản lỗ trong 6 tháng đầu năm đến từ việc nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu nhiều chi phí trong đó có chi phi lãi vay. Nhà máy Pomina 3 dự kiến trở lại hoạt động vào quý 4/2023 ngay sau khi phát hành vốn riêng lẻ cho nhà đầu tư. Cùng với đó, tình hình bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, trong khi chi phí cố định và chi phí lãi vay gây lỗ lớn.
Theo kế hoạch, Thép Pomina dự kiến sẽ phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Quá trình phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu này được chia làm 2 đợt. Đợt 1 sẽ chào bán 10,6 triệu đơn vị và đợt 2 sẽ chào bán gần 59,6 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư dự kiến sẽ ôm trọn lô cổ phiếu chào bán riêng lẻ lần này là Nansei Steel – hãng thép đến từ Nhật Bản. Nếu chào bán thành công, tổ chức này sẽ nắm giữ hơn 20% cổ phần tại Pomina sau phát hành.
Bên cạnh phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Pomina dự tính chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty TNHH Pomina 3, đồng thời vay vốn tại ngân hàng BIDV với hạn mức tín dụng hơn 699 tỷ đồng. Để được vay vốn, Công ty sẽ thế chấp quyền sử dụng đất (thuê 30 năm và có diện tích 42,890 m2) tại lô M, KCN Sóng thần II, tỉnh Bình Dương, quyền sở hữu văn phòng, căn tin và nhà xưởng tại khu đất này, cùng với máy móc thiết bị và các tài sản khác.
Theo Cafef