VN-Index gần như không đổi; Ngân hàng cạnh tranh giành khách vay; Chiến lược đầu tư trên mặt bằng giá mới; Đặt lệnh tự động: “Trói” ngắn hạn, song cần “cởi” dài hạn; Nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với chu kỳ bùng nổ – suy thoái thường xuyên hơn…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
9Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 19/9 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 100.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 68,45 – 69,17 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 9,4 USD lên 1.933,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm nhẹ về 1.930 USD, nhưng đã trở lại ngưỡng 1.935 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,06 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.060 đồng/USD, tăng 14 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.205 – 24.545 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi tăng lên 27.200 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp giảm mạnh về 26.700 USD trước khi trở lại ngưỡng 27.200 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,16 USD (+1,30%), lên 92,67 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,64 USD (+0,68%), lên 95,07 USD/thùng.
VN-Index giảm nhẹ
Sau phiên sáng nhận hỗ trợ từ ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, thị trường đã tiếp đà hồi phục và có lúc đã trở lại trên tham chiếu.
Tuy nhiên, áp lực bán vẫn chực chờ và mức độ phân hóa cao trên bảng điện tử, cũng như sức ép ở một số bluechip chưa dứt khiến VN-Index thêm một lần bị đẩy ngược về gần 1.200 điểm. Nhưng thêm một lần nữa, ngưỡng điểm quan trọng này lại hỗ trợ chỉ số hồi phục và đóng cửa gần như không đổi.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,22 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 395,35 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 19/9: VN-Index giảm 0,31 điểm (-0,03%), xuống 1.211,5 điểm; HNX-Index giảm 0,26 điểm (-0,1%), xuống 250,22 điểm; UpCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,11%), xuống 93,07 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ ít thay đổi trong phiên thứ Hai (18/9), khi giới đầu tư chuẩn bị cho cuộc họp của Fed trong tuần này.
Cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Fed bắt đầu vào ngày thứ Ba. Theo công cụ CME FedWatch, nhà đầu tư dự báo khả năng 99% Fed sẽ giữ lãi suất không đổi Fed cũng sẽ công bố dự báo thị trường vào ngày thứ Tư.
Kết thúc phiên 18/9: Chỉ số Dow Jones tăng 6,06 điểm (+0,02%), lên 34.624,30 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,21 điểm (+0,07%), lên 4.453,53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,90 điểm (+0,01%), lên 13.710,24 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, với các cổ phiếu liên quan đến chip dẫn đầu đà đi xuống, trong bối cảnh giao dịch thận trọng trước cuộc họp của các ngân hàng trung ương Mỹ và Nhật Bản.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,87% xuống 33.242,59 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,08% 2.430,39 điểm.
Cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron giảm 5,23% và là lực cản lớn nhất đối với thị trường. Các cổ phiếu chip khác cũng lùi bước với Advantest mất 4,03% và Renesas Electronics giảm 4,75%.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ công bố quyết định chính sách vào thứ Sáu sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi phát biểu từ Thống đốc BOJ Kazuo Ueda, người đã nói với một tờ báo hồi đầu tháng này rằng, ngân hàng trung ương có thể có đủ dữ liệu vào cuối năm để đánh giá liệu có điều kiện để tăng lãi suất ngắn hạn hay không.
Chứng khoán Trung Quốc trượt dốc vào thứ Ba, khi một số nhà đầu tư vẫn thận trọng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngay cả khi dữ liệu mới nhất cho thấy một số dấu hiệu ổn định.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,03% xuống 3.124,96 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,19% xuống 3.720,50 điểm.
“Dữ liệu kinh tế tháng 8 được công bố vào tuần trước cho thấy một số cải thiện nhẹ… Tuy nhiên, chúng tôi thấy rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã thực sự chạm đáy. Mọi con mắt đang đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản sau khi rất nhiều biện pháp nới lỏng được triển khai trong tháng qua”, Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cho biết.
Ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc đã gặp gỡ các tổ chức tài chính và công ty nước ngoài vào thứ Hai, bao gồm JPMorgan, HSBC, khi Bắc Kinh cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài để hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế.
Trung Quốc sẽ cải thiện chính sách, và tạo ra một môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường và cấp quốc tế, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết tại cuộc họp.
Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ, khi giới đầu tư đón nhận lời hứa mới nhất của Bắc Kinh về việc hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,37% lên 17.997,17 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,42% lên 6.235,65 điểm.
Đáng chú ý là cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản Sunac China Holdings tăng 4,6%, sau khi các chủ nợ phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài trị giá 9 tỷ USD.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, bị kéo xuống bởi sự sụt giảm trong lĩnh vực pin và sự thận trọng trước cuộc họp chính sách của Fed
Đóng cửa, Chỉ số KOSPI giảm 15,51 điểm, tương đương 0,6% xuống 2.559,21 điểm.
Nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 2,07%, theo chân sự sụt giảm qua đêm của gã khổng lồ xe điện Tesla của Mỹ.
Cổ phiếu của LG Chem, tập đoàn mẹ của LG Energy, giảm 3,6% trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation lần lượt mất 1,6% và 0,24%.
Kết thúc phiên 18/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 290,50 điểm (-0,87%), xuống 33.242,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,98 điểm (-0,03%), xuống 3.124,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 66,62 điểm (+0,37%), lên 17.997,17 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 15,51 điểm (-0,60%), xuống 2.559,21 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Ngân hàng cạnh tranh giành khách vay
Tín dụng tăng trưởng trở lại trong tháng 8/2023 khi đạt mức 5,33% so với mức 4,3% cuối tháng 7, song nhiều ngân hàng vẫn đang “thừa tiền”, nên cạnh tranh cho vay tiếp tục gay gắt..>> Chi tiết
– Chiến lược đầu tư trên mặt bằng giá mới
Trong bối cảnh thị trường đang ở vùng đỉnh 1 năm, chiến lược đầu tư có thể sẽ phải điều chỉnh để danh mục an toàn hơn..>> Chi tiết
– Đặt lệnh tự động: “Trói” ngắn hạn, song cần “cởi” dài hạn
Góc nhìn của một số chuyên gia tài chính – chứng khoán gặp nhau ở điểm: Việc tạm cấm các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ đặt lệnh tự động (đặt lệnh bằng robot) là phù hợp trong bối cảnh hạ tầng công nghệ chờ nâng cấp, song về dài hạn, cơ quan quản lý cần cho phép triển khai dịch vụ này..>> Chi tiết
– Deutsche Bank: Nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với chu kỳ bùng nổ – suy thoái thường xuyên hơn
Các nhà phân tích của Deutsche Bank dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ có sự thay đổi từ giai đoạn tăng trưởng vượt trội kéo dài 40 năm từ 1980 đến 2020, sang mô hình được đánh dấu bằng các chu kỳ bùng nổ và suy thoái thường xuyên hơn..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn