VN-Index vượt 1.200 điểm; Cổ phiếu “vua” kỳ vọng bay cao; Chuyển dịch sản xuất ngành bán dẫn: Cơ hội vàng’ cho TP.HCM; Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật, mất vị trí lớn thứ 3 thế giới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/2 không đổi so với ngày trước kỳ nghỉ lễ, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 76,50 – 78,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm nhẹ 0,8 USD xuống 1.991,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục và lên trên 1.995 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,63 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.976 đồng/USD, tăng 20 đồng so với ngày cuối năm Quý Mão (ngày 7/2). Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.270 – 24.610 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 51.600 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng và có thời điểm vượt 52.300 USD, trước khi lùi về 52.100 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,15 USD (-0,20%), xuống 76,49 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,12 USD (-0,15%), xuống 81,48 USD/thùng.
VN-Index vượt 1.200 điểm
Sau phiên sáng tăng nhẹ với thanh khoản cải thiện đáng kể, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn trạng thái tích cực và VN-Index “nhăm nhe” tiến tới mốc mới tại 1.210 điểm.
Tuy nhiên, phiên đáo hạn phái sinh chưa bao giờ là dễ đoán, khi VN-Index chưa chạm đến mốc này, thì áp lực đã đến với nhóm bluechip khiến nhiều mã hạ độ cao hoặc nới thêm đà giảm và VN-Index đảo chiều lùi về gần tham chiếu, trước khi may mắn kịp lấy lại mốc 1.200 điểm ở những phút cuối.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1 triệu đơn vị, tuy nhiên tổng giá trị vẫn là bán ròng 375,4 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 15/2: VN-Index tăng 3,97 điểm (+0,33%), lên 1.202,5 điểm; HNX-Index tăng 1,71 điểm (+0,74%), lên 232,75 điểm; UpCoM-Index tăng 0,71 điểm (+0,81%), lên 90,06 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ hồi phục trong phiên thứ Tư (14/2), sau khi chịu áp lực bán mạnh trong phiên trước đó sau dữ liệu CPI tăng cao hơn dự báo đã khiến khả năng Fed sớm giảm lãi suất bị chặn lại.
Số liệu lạm phát nóng hơn dự báo vào sáng ngày đó đã kích động làn sóng bán tháo khi nhà đầu tư lo ngại rằng Fed có thể không hạ lãi suất sớm như mong đợi.
Báo cáo CPI tháng 1/2024 có thể đưa khả năng Fed hạ lãi suất sang nửa cuối năm 2024, lùi xa hơn so với kỳ vọng ban đầu của nhà đầu tư về việc hạ lãi suất vào tháng 3/2024.
Kết thúc phiên 14/2: Chỉ số Dow Jones tăng 151,52 điểm (+0,40%), lên 38.424,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 47,45 điểm (+0,96%), lên 5.000,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 203,55 điểm (+1,30%), lên 15.859,15 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 34 năm, khi các cổ phiếu liên quan đến chip theo chân các công ty cùng ngành ở Phố Wall đêm qua hồi phục.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,21% lên 38.157,94 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 1/1990. Chỉ số Topix tăng 0,28% lên 2.591,85 điểm.
Chỉ số chứng khoán chuẩn hiện chỉ còn cách 800 điểm, so với mức cao nhất mọi thời đại vào năm 1989, đỉnh cao của cái gọi là “nền kinh tế bong bóng” của nước này.
Đồng yên yếu cũng hỗ trợ Nikkei 225 trong bối cảnh triển vọng về chính sách tiền tệ ôn hòa, khi Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật vào cuối năm ngoái.
Các cổ phiếu liên quan đến chip đã hỗ trợ lớn nhất cho Nikkei 225 khi tăng 2,2%, với Tokyo Electron đóng góp nhiều nhất, 168 điểm tích cực cho chỉ số với mức tăng 5%. SoftBank Group đóng góp tăng 59 điểm với tăng 3,59%.
Chứng khoán Trung Quốc đang trong dịp nghỉ tết Âm lịch.
Chứng khoán Hồng Kông hồi phục khi các quỹ đặt cược vào việc Trung Quốc tăng cường hỗ trợ, can thiệp để xây dựng lại niềm tin thị trường
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,41% lên 15.944,63 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,46% lên 5.410,94 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều giảm, khi nhiều cổ phiếu hạ thấp độ cao.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 6,62 điểm, tương đương 0,25% xuống 22.613.80 điểm.
Thông tin đáng chú ý là Hàn Quốc đã chuẩn bị một chương trình hỗ trợ tài chính 57 tỷ USD cho các công ty tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, cũng như các doanh nghiệp nhỏ đang vật lộn với tác động của việc tăng cao lãi suất.
Kết thúc phiên 15/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 456,62 điểm (+1,21%), lên 38.157,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 65,25 điểm (+0,41%), lên 15.944,63 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 6,62 điểm (-0,25%), xuống 2.613,80 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Cổ phiếu “vua” kỳ vọng bay cao
Là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ bay cao, thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường trong năm 2024, khi tăng trưởng tín dụng dự báo cải thiện dần..>> Chi tiết
– Chuyển dịch sản xuất ngành bán dẫn: Cơ hội vàng’ cho TP.HCM
Sự chuyển dịch sản xuất của ngành bán dẫn đang mang đến “cơ hội vàng” cho Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM – thành phố được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của khu vực..>> Chi tiết
– Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật, mất vị trí lớn thứ 3 thế giới
Dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố hôm thứ Năm (15/2) cho thấy, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái kỹ thuật và khiến nước này rơi xuống vị trí nền kinh tế lớn thứ tư thế giới..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn