VN-Index lên gần 1.270 điểm; Giải mã đà tăng của tỷ giá; Dòng tiền lớn chực chờ vào chứng khoán; Thị trường chứng khoán đang ở chu kỳ uptrend mới; BIS: Các ngân hàng Trung ương trên đà chiến thắng lạm phát…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 5/3 tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 78,80 – 80,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng mạnh 31,6 USD lên 2.114,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại nhưng đã nhanh chóng bật tăng và lên 2.125 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,88 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.012 đồng/USD, tăng 8 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.510 – 24.850 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 66.700 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng và có thời điểm chạm đỉnh mới tại mức trên 68.600 USD, trước khi lùi về 66.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,26 USD (-0,033%), xuống 78,48 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,13 USD (-0,16%), xuống 82,75 USD/thùng.
VN-Index lên gần 1.267 điểm
Giao dịch có phần chậm lại trong phiên sáng không làm nhà đầu tư nản lòng. Dòng tiền đã có dấu hiệu tích cực hơn trong cuối phiên chiều.
Trong đó, sự trợ giúp tâm lý cũng như điểm số từ cổ phiếu lớn MSN, khi mã này tăng kịch trần và bảng điện tử cân bằng hơn với nhiều cổ phiếu đảo chiều, dù mức tăng còn khiêm tốn, nhưng cũng đủ để thúc đẩy VN-Index có nhịp tăng lên trên 1.265 điểm và tiếp tục chạm gần 1.270 điểm trong phiên ATC.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 14,5 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 250,24 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 5/3: VN-Index tăng 8,57 điểm (+0,68%), lên 1.269,98 điểm; HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,01%), xuống 237,35 điểm; UpCoM-Index tăng 0,65 điểm (+0,71%), lên 91,78 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Hai (04/3), khi giới đầu tư chậm lại chờ đợi các các số liệu kinh tế quan trọng và động thái của Fed.
Tuần này, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm thêm manh mối về định hướng lãi suất trong tương lai từ Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell. Lãnh đạo ngân hàng trung ương được kỳ vọng sẽ cung cấp những thông tin mới về chính sách tiền tệ cho Hạ viện Mỹ vào ngày 6/3 và Thượng viện Mỹ vào ngày 7/3.
Kết thúc phiên 4/3: Chỉ số Dow Jones giảm 95,77 điểm (-0,25%), xuống 38.989,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,13 điểm (-0,12%), xuống 5.130,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 67,43 điểm (-0,41%), xuống 16.207,51 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản thu hẹp đà giảm và đóng cửa gần như không đổi, khi lực mua bắt đáy xuất hiện sau khi chỉ số trượt khỏi mức cao kỷ lục.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,03% xuống 40.097,63 điểm, thu hẹp phần lớn mức giảm 0,7% trong phiên. Chỉ số Topix tăng 0,5% lên 2.719,93 điểm.
Sau năm tuần tăng liên tiếp, Nikkei 225 đã phá vỡ mức 40.000 điểm lần đầu tiên vào thứ Hai và đã tăng gần 20% trong năm nay.
Đáng chú ý nhất phiên này là cổ phiếu Obayashi Corp tăng 18% sau khi nâng dự báo cổ tức. Các công ty cùng ngành Kajima Corp và Taisei Corp tăng lần lượt 6,49% và 8,81%.
Ngành xây dựng tăng 2,96% để trở thành ngành hoạt động hàng đầu trong số 33 chỉ số phụ của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.
Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ, sau khi Bắc Kinh thiết lập mục tiêu tăng trưởng GDP 5% cho năm 2024.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,28% lên 3.047,79 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,70% lên 3.565,51 điểm.
Trung Quốc chính thức đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, với một số điểm đáng chú ý như chuyển đổi mô hình phát triển, kiềm chế dư thừa công suất ngành công nghiệp, tháo ngòi nổ rủi ro lĩnh vực bất động sản và cắt giảm chi tiêu của chính quyền địa phương, Thủ tướng Lí Cường cho biết hôm thứ Ba.
“Mục tiêu tăng trưởng GDP 5% phù hợp với dự báo và để đạt được mục tiêu này, có thể Trung Quốc sẽ cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ trong suốt cả năm”, Lynn Song, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ING cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông trượt dốc, khi các nhà đầu tư lo lắng về những thách thức về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% của Trung Quốc sau cuộc họp quốc hội thường niên.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,61% xuống 16.162,64 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,63% xuống 5.562,73 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà đầu chốt lời sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó, với cổ phiếu công nghệ và ô tô dẫn đầu mức giảm. Đóng cửa, Chỉ số Kospi giảm 24,87 điểm, tương đương 0,93%, xuống 2.649,40 điểm.
Cổ phiếu công nghệ chủ yếu giảm, với Samsung Electronics giảm 1,60% và SK hynix mất 0,42%. Trong khi đó, cổ phiếu tài chính nhích lên, với KB Financial tăng 0,72% và Shinhan Financial tăng 3,01%.
Kết thúc phiên 5/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 11,60 điểm (-0,03%), xuống 40.097,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,49 điểm (+0,28%), lên 3.047,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 433,33 điểm (-2,61%), xuống 16.162,64 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 24,87 điểm -0,93%), xuống 2.649,40 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Giải mã đà tăng của tỷ giá
Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh kể từ đầu năm tới nay, hiện đã vượt mốc 25.000 đồng/USD. Diến biến này khá khác biệt so với các năm trước, khi quý I thường là giai đoạn nguồn cung ngoại tệ dồi dào..>> Chi tiết
– Dòng tiền lớn chực chờ vào chứng khoán
Dư địa để dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán đang khá lớn, cùng với đó, hoạt động tăng vốn mạnh mẽ trong năm 2024 của nhiều công ty chứng khoán cũng là điểm nhấn quan trọng kích thích dòng tiền..>> Chi tiết
– Thị trường chứng khoán đang ở chu kỳ uptrend mới
Tại Tọa đàm với chủ đề “Thị trường chứng khoán: Xây nền – Tích lũy – Bứt tốc” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 5/3, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong chu kỳ uptrend mới..>> Chi tiết
– BIS: Các ngân hàng Trung ương trên đà chiến thắng lạm phát
Hôm thứ Hai (4/3), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, các ngân hàng trung ương đang trên đà giành chiến thắng trong cuộc chiến nhằm đưa lạm phát toàn cầu trở lại trong tầm kiểm soát..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn