VN-Index nhích lên trên 1.150 điểm; Bẫy” vốn giá rẻ; Kỳ vọng dòng tiền lớn; Sàn niêm yết sắp đón loạt tân binh; IEA: Tình trạng thiếu khoáng sản nghiêm trọng sẽ giảm bớt khi đầu tư tăng vọt…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 11/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 100.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,60 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 0,7 USD lên 1.925,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nới đà đi lên và chạm gần 1.940 USD trước khi hạ nhiệt nhẹ về gần 1.935 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,71 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.787 đồng/USD, giảm 23 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.520 – 23.860 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ về 30.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã có thời điểm vọt lên gần 31.000 USD trước khi lùi về gần 30.400 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,12 USD (+0,16%), lên 73,11 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,16 USD (+0,21%), lên 77,85 USD/thùng.
VN-Index nhích nhẹ
Sau phiên sáng khá tích cực với dòng tiền chảy mạnh, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục khả quan, có thời điểm VN-Index trở lại ngưỡng cao nhất của phiên sáng trên 1.155 điểm. Nhưng nhóm bluechip phân hóa mạnh và sắc đỏ xuất hiện nhiều hơn trên bảng điện tử đã khiến VN-Index đổ đèo khá nhanh từ vùng giá trên và được chặn lại ở ngưỡng 1.150 điểm ở nửa sau của phiên.
Cổ phiếu HAG nổi sóng, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,6 triệu đơn vị, mức cao cao nhất của HAG kể từ cuối tháng 9/2022. Giá cổ phiếu có thời điểm đã chạm mức giá trần, trước khi hạ nhiệt đôi chút và còn +6,8% lên 8.760 đồng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 2 năm nay.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 0,66 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là bán ròng 74,74 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 11/7: VN-Index tăng 2,75 điểm (+0,24%), lên 1.151,77 điểm; HNX-Index tăng 0,85 điểm (+0,37%), lên 229,22 điểm; UpCoM-Index tăng 0,58 điểm (+0,69%), lên 85,82 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tăng nhẹ vào thứ Hai (10/7), nhờ bình luận của một số quan chức Fed củng cố quan điểm có thể sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt, dù giao dịch khá thận trọng khi nhiều dữ liệu quan trọng sẽ đến trong tuần này.
Tuy nhiên, giao dịch vẫn khá thận trọng khi giới đầu tư sẽ đón nhận các dữ liệu quan trọng hàng đầu như báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ sẽ công bố vào ngày 12/7, tiếp theo là báo cáo chỉ số giá sản xuất PPI vào ngày 13/7.
Kết thúc phiên 10/7, chỉ số Dow Jones tăng 209,52 điểm (+0,62%), lên 33.944,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,58 điểm (+0,24%), lên 4.409,53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 24,77 điểm (+0,18%), lên 13.685,48 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, chấm dứt chuỗi năm phiên giảm liên tiếp, nhưng áp lực bán vẫn còn khá lớn khi các nhà đầu tư vẫn ưu tiên chốt lời.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,04% lên 32.203,57 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,31% xuống 2.236,40 điểm.
“Các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu sau khi Nikkei 225 có dấu hiệu hồi phục khi mà sức mạnh của đồng yên là một yếu tố tiêu cực”, Seiichi Suzuki, nhà phân tích thị trường chứng khoán tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết.
Chỉ số Nikkei 225 tăng sau khi kết thúc đợt tái cơ cấu của các quỹ ETF vào cuối tháng 6, một động thái phân phối đỉnh, mà những người chơi trên thị trường ước tính trị giá hơn 1 nghìn tỷ yên (7,1 tỷ USD).
Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, Advantest tăng 4,26% và nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 1,08% đã hỗ trợ lớn nhất cho thị trường.
Cổ phiếu của Sumco đã tăng 4,75%, sau khi một báo cáo cho biết Nhật Bản sẽ trợ cấp cho nhà sản xuất tấm silicon lên tới 75 tỷ yên (530 triệu USD).
Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu là cổ phiếu ô tô, do dữ liệu doanh số bán ô tô tháng 6 vẫn ổn định, trong khi Bắc Kinh mở rộng hỗ trợ chính sách cho lĩnh vực bất động sản, thúc đẩy hy vọng về một đợt nới lỏng mới.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,55% lên 3.221,37 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,65% lên 3.869,49 điểm.
Các cổ phiếu liên quan đến ô tô tăng mạnh 3,5% sau khi doanh số bán ô tô tháng 6 của Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, với Nio tăng 11,8%, hiệu suất trong một ngày tốt nhất trong 5 tháng. Xpeng và Li Auto lần lượt tăng 8,9% và 4,4%.
Trong khi đó, cổ phiếu của các nhà phát triển Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã tăng tới 3,2%, trước khi đóng cửa không đổi sau khi Trung Quốc hôm thứ Hai gia hạn một số chính sách cho đến cuối năm 2024 trong gói giải cứu để vực dậy lĩnh vực bất động sản.
Chứng khoán Hồng Kông tăng khi nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,97% lên 18.659,83 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,97% lên 6.295,85 điểm.
Chỉ số Công nghệ tiếp tục tăng 1,5%, sau khoản tiền phạt 984 triệu USD của Trung Quốc đối với Ant Group, báo hiệu sự kết thúc của cuộc đàn áp quy định đối với lĩnh vực công nghệ. Cổ phiếu Alibaba tăng 2%, trong khi Tencent tăng 1,5%.
Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giao dịch tốt nhất trong năm tháng, khi các nhà sản xuất chip lớn tăng điểm và chính sách kích thích của Trung Quốc làm tăng khẩu vị rủi ro của giới đầu tư.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 41,79 điểm, tương đương 1,66%, lên 2.562,49 điểm, Đây là mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 16/2.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc có thể sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt ở mức 3,5% vào thứ Năm và trong phần còn lại của năm khi lạm phát tiếp tục giảm bớt, một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế của Reuters dự đoán.
“Thị trường đã phục hồi đà tăng nhờ các dòng tin tức tích cực từ thu nhập tốt hơn của nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC đến các biện pháp chính sách của Trung Quốc để hỗ trợ thị trường bất động sản”, Lee Kyoung-min, nhà phân tích tại Daishin Securities, cho biết.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm thứ Hai đã gia hạn đến cuối năm 2024 một số chính sách trong gói giải cứu tháng 11 để vực dậy lĩnh vực bất động sản.
Phiên này, các cổ phiếu chip hỗ trợ mạnh thị trường, với Samsung Electronics và SK Hynix tăng 2,88% và 2,81%.
Kết thúc phiên 11/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,84 điểm (+0,04%), lên 32.203,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,67 điểm (+0,55%), lên 3.221,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 180,11 điểm (+0,97%), lên 18.659,83 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 41,79 điểm (+1,66%), lên 2.562,49 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– “Bẫy” vốn giá rẻ
Tín dụng đang có mức tăng trưởng thấp, nhưng nguồn vốn giá rẻ nếu được đẩy mạnh giải ngân có thể khiến vốn vay chuyển sang phục vụ cho các dự án/mục đích dưới chuẩn..>> Chi tiết
– Kỳ vọng dòng tiền lớn
6 tháng đầu năm 2023, VN-Index tăng 11%, khiến những phiên giao dịch đầu tháng 7 trở nên mong manh. Dù vậy, sự điều chỉnh của thị trường nếu có trong tháng này được coi là cơ hội đầu tư tốt..>> Chi tiết
– Sàn niêm yết sắp đón loạt tân binh
Hai sàn chứng khoán niêm yết sắp đón thêm lượng hàng hóa lớn là cổ phiếu của doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết mới, phát hành thêm và chuyển từ UPCoM lên..>> Chi tiết
– IEA: Tình trạng thiếu khoáng sản nghiêm trọng sẽ giảm bớt khi đầu tư tăng vọt
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, tình trạng thiếu kim loại làm pin và các khoáng chất quan trọng khác dường như ít có khả năng cản trở đến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn