Thị trường có nhịp điều chỉnh nhưng rồi nhanh chóng tăng trở lại, với thanh khoản duy trì được sức mạnh từ sự luân chuyển của dòng tiền, chứ không tạm ngừng hay rút ra.
VN-Index: Kỳ vọng duy trì đà tăng
Tuần qua, VN-Index đóng cửa tại 1.258,28 điểm, ghi nhận mức tăng 3,8%, vượt trội so với hầu hết các tuần giao dịch kể từ đầu năm 2024. Chỉ số đã vượt qua vùng kháng cự mạnh 1.250 một cách vững vàng, có thể tiến đến vùng kháng cự tiếp theo tại 1.285 – 1.300 điểm.
Nhìn sâu hơn về phương diện kỹ thuật, VN-Index sau khi vượt qua vùng kháng cự 1.250 điểm đã có nhịp điều chỉnh, nhưng thanh khoản duy trì sức mạnh, hỗ trợ chỉ số sớm tăng trở lại.
Đáng chú ý, dòng tiền luân chuyển rất linh hoạt qua các nhóm ngành, từ ngân hàng đến dịch vụ tài chính, bất động sản, dầu khí và kể cả các nhóm ngành nhỏ hơn như thủy sản, vận tải biển.
Xem xét cơ cấu ảnh hưởng của các mã lớn, VCB, BID và HPG là 3 mã đóng góp lớn nhất cho điểm số tăng của VN-Index trong tuần qua; ngược lại, VIC, VHM và BCM điều chỉnh giảm có ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số chung.
Về cơ cấu nhà đầu tư, cá nhân vẫn là nguồn mua chính của thị trường với lực cầu hướng vào STB, VHM và MWG. Nước ngoài là bên bán chính khi tập trung bán VHM, STB và VNM.
Trong tuần giao dịch tiếp theo, VN-Index được kỳ vọng duy trì đà tăng, với mục tiêu tại 1.285 – 1.300 điểm. Tuy vậy, dòng tiền do sự luân chuyển nhanh chóng và linh hoạt sẽ tạo nên sự phân hóa trên thị trường chung. Các nhóm ngành vốn tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua như ngân hàng, hóa chất, tài nguyên cơ bản nhiều khả năng sẽ chịu áp lực chốt lời lớn hơn khi dòng tiền dịch chuyển đến các nhóm ngành khác như bất động sản công nghiệp, năng lượng. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời một phần khi thị trường tiến đến kháng cự mạnh tại 1.300 điểm.
Hạ tầng: Mục tiêu dài hạn
Trong giai đoạn hiện tại của nền kinh tế, chính sách tiền tệ đang được triển khai ở mức độ mở rộng. Mặt bằng lãi suất cho vay thấp và có thể thấp hơn nếu mức lãi suất tại các quốc gia lớn hạ nhiệt. Việc chính sách tiền tệ được nới lỏng đến mức gần như tối đa giúp lượng cung tiền trở nên dồi dào, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế. Song song với đó, Chính phủ đang mạnh tay trong việc thực hiện chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế trong tầm nhìn trung và dài hạn. Chi ngân sách, đặc biệt là chi đầu tư công, đều tăng rất mạnh trong những năm gần đây, các dự án hạ tầng được triển khai với số lượng và quy mô lớn hơn, dựa trên “xương sống” là tuyến đường cao tốc Bắc – Nam.
Về dài hạn, phát triển cơ sở hạ tầng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế thế giới đang có nhiều sự chuyển đổi với quy mô lớn. Căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các doanh nghiệp đa quốc gia đang cố gắng tái sắp xếp chuỗi sản xuất, nhưng sự tương đồng giữa địa điểm sản xuất mới là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn. Trung Quốc có hệ thống đường sá hiện đại, chi phí thấp và có khả năng phục vụ một lưu lượng giao thông vận tải khổng lồ. Các doanh nghiệp FDI sau này đến Việt Nam nhiều khả năng không dừng lại ở dệt may hay các ngành thâm dụng lao động, mà còn là các ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao và tất nhiên sẽ có nhiều yêu cầu về chất lượng hạ tầng hơn.
Trong năm 2023, Việt Nam đã đưa vào hoàn thiện và vận hành hơn 700 km đường cao tốc, một con số tương đương với 5 năm trước cộng lại, đó là một sự phát triển rất nhanh để bắt kịp với xu hướng FDI. Năm nay, nhiều dự án cao tốc dự kiến sẽ được khởi công.
Với mức tăng đầu tư của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng hiện tại, được hưởng lợi đầu tiên có thể kể đến các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng. Khối lượng dự án lớn cộng với đặc thù của các dự án hạ tầng, một số doanh nghiệp chuyên biệt sẽ có lợi thế hơn trong tăng trưởng doanh thu so với mặt bằng chung của ngành. Ngoài ra, triển khai các dự án hạ tầng giúp gia tăng nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng, kích thích sự phục hồi của ngành này sau khi mảng xây dựng dân dụng sụt giảm bởi sự suy thoái của ngành bất động sản.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn