Nhiều cư dân một khu chung cư ở Hà Nội vừa có những đêm không chợp mắt. Họ không ngủ được chẳng phải do nóng bức bởi cắt điện luân phiên mà là để canh giữ tầng hầm và các tiện ích của chung cư.
Chuyện trên xảy ra ở chung cư CT3 khu đô thị Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội mới đây. Sở dĩ nhiều cư dân cả đêm không ngủ để canh giữ tầng hầm và các tiện ích vì đây là “thành quả” không dễ gì có được của cư dân trong cuộc đấu tranh với chủ đầu tư.
Trước đó, 540 chủ căn hộ với hơn 2.000 dân thông qua hội nghị nhà chung cư đã bầu ra ban quản trị – tổ chức đại diện các chủ sở hữu nhà chung cư. Ban quản trị sau đó ký hợp đồng với Công ty TNHH Quản lý và Dịch vụ Nam Cường (NCP – công ty con của Tập đoàn Nam Cường) để quản lý vận hành 4 tòa nhà. Đến cuối năm 2022, cư dân phát hiện điều mà họ cho là “khuất tất thu chi” dịch vụ trông giữ xe: Chỉ 166 ôtô gửi hằng tháng song lại có tới hơn 300 xe vé tháng để trong 2 tầng hầm B1 và B2.
Ban quản trị cùng cư dân sau đó thống nhất dừng hợp đồng quản lý vận hành tòa nhà với NCP. Dù chấp nhận dừng hợp đồng quản lý, NCP vẫn không ký bàn giao thiết bị, đồng thời hủy toàn bộ dữ liệu thẻ xe của cư dân, chiếm giữ tầng hầm B2 và văn phòng ban quản lý ở tầng 1 tòa nhà A. Bởi lẽ, họ cho rằng tầng hầm B2 và văn phòng tầng 1 tòa nhà A là sở hữu riêng của chủ đầu tư, tức Tập đoàn Nam Cường. Tuy nhiên, đại diện cư dân khẳng định tầng hầm này thuộc sở hữu chung theo hợp đồng mua bán căn hộ.
Cư dân chung cư này suốt đêm 3-5 vừa qua đã phải cùng nhau canh phòng do lo ngại tầng hầm B2 và văn phòng ở tầng 1 tòa nhà A bị chiếm giữ.
Chuyện tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan việc phân định diện tích, tiện ích sở hữu… còn xảy ra ở chung cư Dreamland Bonanza – số 23 Duy Tân, quận Nam Từ Liêm – cách đó khoảng 3 km.
Tình trạng tranh chấp sở hữu tại chung cư xảy ra khá phổ biến ở Hà Nội cũng như cả nước. Theo số liệu năm 2022, TP Hà Nội xảy ra tranh chấp ở 129 trong tổng số 845 chung cư. Trong đó, những tranh chấp phổ biến liên quan vấn đề sở hữu chung, riêng; chậm đóng góp, bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung giữa chủ đầu tư và cư dân…
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư chung cư. Trong đó, nổi bật là sự vi phạm của chủ đầu tư khi lấn chiếm, sử dụng không gian thuộc sở hữu chung vào mục đích riêng. Nguyên nhân khác là hợp đồng mua bán mập mờ khiến người mua nhà gặp bất lợi, rủi ro nếu xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư. Song, nguyên nhân chính yếu được cho là còn những kẽ hở trong quy định pháp luật liên quan.
Để tránh xảy ra các “cuộc chiến” tại chung cư, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên, trước hết cần hoàn thiện quy định pháp luật trong Luật Nhà ở và văn bản dưới luật. Cùng với đó, người mua căn hộ nên xem xét kỹ vấn đề pháp lý chứ không nên chỉ chú ý vào giá cả.
Chiêu quảng cáo độc lạ của môi giới bất động sản thời nắng nóng đỉnh điểm: “Bán chung cư tại nơi không bao giờ lo mất điện”
Theo Cafef