Theo TS. chuyên ngành Bất động sản Trần Xuân Lượng, để giải quyết vướng mắc cho việc phát triển nhà ở xã hội cần có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, giảm các thủ tục hành chính đối với nhà ở xã hội và giải quyết vấn đề nguồn vốn cho việc phát triển nhà ở xã hội.
Tại tọa đàm: “Tháo gỡ những điểm nghẽn cho thị trường bất động sản năm 2023” do do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 9/5, bàn về vấn đề phát triển nhà ở xã hội theo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, ông Trần Xuân Lượng – Tiến sĩ chuyên ngành Bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH), nhà giá rẻ, gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân khúc này. Nguyên nhân chính là do thủ tục xây dựng phức tạp, thời gian kéo dài, chi phí lớn, giá bán thấp, nên các chủ đầu tư không mấy mặn mà với dự án NƠXH, nhà ở giá rẻ vì lợi nhuận quá thấp”, ông Lượng nói.
Vừa qua, Chính phủ có Quyết định số 338 ngày 03/4/2023 duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Ông Lượng cho hay, đề án cũng nêu ra các giải pháp ưu tiên về việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, vốn vay. Nhưng chính phân khúc được cho là tạo động lực phục hồi cho thị trường hiện nay cũng gặp không ít vướng mắc.
“Vướng mắc khiến nhiều dự án dừng triển khai, số dự án được cấp phép mới đếm trên đầu ngón tay, trong khi nhu cầu rất lớn”, ông Lượng nhận định.
Theo ông, các vướng mắc hiện nay như: Hình thức giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; quyền và ưu đãi cho chủ đầu tư…
Do đó, để gỡ vướng, TS. Trần Xuân Lượng đề xuất, thứ nhất là về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, cần có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.
Thứ hai là giảm các thủ tục hành chính đối với nhà ở xã hội. Ưu tiên về pháp lý, ưu tiên như thế nào, thủ tục thẩm tra, thẩm định như thế nào để các nhà đầu tư yên tâm triển khai loại hình này.
Thứ ba về nguồn vốn, ngoài nguồn vốn từ bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài, từ lượng kiều hối… và mấu chốt là cần có cơ sở dữ liệu minh bạch thì hoàn toàn có thể thu hút được nguồn vốn cho phân khúc nhà ở xã hội. Cùng với đó, cần phải giảm lãi suất ưu đãi xuống thấp hơn…
“Nếu giải quyết được những vấn đề này thì 2 triệu căn nhà ở xã hội cũng có thể làm được chứ không phải là 1 triệu căn như đề án”, TS. Trần Xuân Lượng nhấn mạnh.
Vị này cũng chia sẻ thêm, thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã quyết liệt ban hành nhiều nghị quyết, Nghị định, văn bản mới để tháo gỡ điểm nghẽn, giúp thị trường phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ông cho rằng, đó mới chỉ là các giải pháp ngắn hạn. Các chính sách nêu trên chỉ là cơn gió mát thoảng qua thị trường, chưa phải là giải pháp căn cơ lâu dài…
Theo ông Lượng, cần đưa ra các giải pháp dài hạn. Trước hết, trách nhiệm làm luật phải là Quốc hội, thẩm luật là các chuyên gia, nhà khoa học… Cùng với đó là phải xây dựng dữ liệu đất đai, bất động sản theo thị trường. Bởi không có dữ liệu thật thì không có những chính sách, quyết sách sát với thị trường. Đó mới là gốc rễ của vấn đề.
Theo Cafef